Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc) cho biết trong tháng 5,6 chỉ số VNI tăng mạnh do các tác động tích cực của TPP và việc ban hành NĐ 60 của Chính Phủ về mở room cho nhà đầu tư nước ngoài đã khiến VN Index nhảy vọt lên mức 638 điểm - cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên,việc TPP bị dừng ở phút chót sau cuộc đàm phán cấp cao các Bộ trưởng ở Hawaii thị trường đã có xu hướng giảm mạnh.
"Một lần nữa TPP lại lỡ hẹn, trước đó đã có nhiều phát ngôn TPP kết thúc vào cuối năm 2014 hoặc TPP sẽ hoàn thành trong tháng 6/2015. Sự thất bại của TPP làm cho nhà đầu tư thất vọng”, ông Yun nói.
Sau đó, động thái đồng Nhân dân tệ phá giá liên tục đã gây áp lực lên tỷ giá của Việt Nam và quyết định của NHNN về tăng tỷ giá và nới biên độ
"TPP, tỷ giá là thủ phạm đã cuốn trôi mọi thành quả mà VNIndex tích luỹ được trong suốt 6 tháng đầu năm 2015” - ông Yun kết luận.
Trên thực tế đó, ông Yun phân tích về cơ hội và thách thức đối với TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm 2015.
Về cán cân thanh toán: Xuất khẩu đang có xu hướng sụt giảm, thâm hụt thương mại kéo dài, áp lực tỷ giá ảnh hưởng mạnh lên dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
Nới room khối ngoại: Tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhẹ trong quý 2/2015, việc nới room sẽ thu hút thêm dòng tiền mới nên khả năng sắp tới dòng vốn ngoại sẽ tăng nhẹ, tập trung chủ yếu vào các mã sắp hết room.
Lãi suất tại Mỹ và dòng vốn ngoại: Khả năng trong cuối năm nay Mỹ sẽ tăng lãi suất nhưng không nhiều. Nếu lãi suất tăng, nhà đầu tư ngoại có thể sẽ rời bỏ các thị trường mới nổi nhưng. Quy mô rút vốn ra khỏi TTCK Việt hiện vẫn ở mức nhỏ do nền tảng tài chính quốc gia vững chắc.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận doanh ngiệp tăng trưởng do kinh tế vĩ mô ổn định, GDP có thể đạt 6,5%. Bức tranh kinh doanh, lợi nhuận sáng. Các chính sách thay đổi khi Việt Nam tham gia hội nhập TPP, AEC, FTA, giá cổ phiếu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với tiềm năng…
"Các yếu tố nới room, lợi nhuận, thị giá cổ phiếu rẻ… sẽ kéo VNI tăng thêm. Tuy nhiên, do xuất khẩu và cán cân thanh toán suy yếu, áp lực tỷ giá, Mỹ nâng lãi suất tác động đến nhà đầu tư nước ngoài, từ đó sẽ cản trở đến đà tăng của VN Index. Nếu như NHNH giữ ổn định tỷ giá thì VN Index đạt mức khoảng trên dưới 650 điểm” - ông Yun kết luận.
TTCK Việt Nam có nhiều khác biệt với các quốc gia lân cận, nổi bật là xu thế đi lên. Nguyên nhân của tạo nên sự khác biệt đó là có tính nhạy cảm của chính sách, kết quả kinh doanh doanh nghiệp, rủi ro chính trị,…
Các nhóm ngành năng lượng, tiện ích, tài chính…có mức độ tăng trưởng cổ phiếu ở mức khá.
Áp lực tỷ giá kéo dài gây ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại
Thâm hụt thương mại tiếp tục kéo dài, thực trạng "super dollar” do tăng lãi suất ở Mỹ dẫn đến áp lực tăng tỷ giá trong năm tiếp tục tiếp diễn.
NHNN có thể trì hoãn thời gian tăng tỷ giá hối đoái nhưng khả năng tỷ giá tiếp tục sẽ tăng lên, chậm nhất là vào đầu năm 2016.
"Nếu tỷ giá không ổn định, cộng với Mỹ tăng lãi suất thì cho dù có mở room thì vốn ngoại cũng sẽ e dè”, ông Yun phân tích.
Ông Yun còn cho biết thêm, trước đây Chính Phủ khẳng định trong quý 4/2015 sẽ nới room, tuy nhiên ngay từ tháng 9 Chính Phủ đã ban hành NĐ 60. Điều này có nguyên nhân trực tiếp từ tỷ giá và lo ngại việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư ngoại rút vốn về nước.
"Tôi nghĩ rằng Chính Phủ đã có tính toán trước khi quyết định nới room cho khối ngoại. Có thể Chính Phủ nghĩ rằng việc mở toang cửa tiếp đãi khách ngoại sớm, sau đó Cục dự trữ liên bang Mỹ nhóm họp tăng lãi suất thì nhà đầu tư ngoại cũng đã được níu chân, tránh vốn ngoại chảy mạnh ra khỏi TTCK Việt”, ông Yun nói.
HOSE sẽ thu hút thêm được 35- 118 nghìn tỷ đồng nhờ nới room
Các công ty chứng khoán, quản lý quỹ có thể triển khai ngay việc mở room 100%, các ngành nghề khác chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ông Yun khẳng định việc nới room mặc dù nhà đầu tư ngoại chưa chắc sẽ rót vốn ồ ạt vào Việt Nam ngay nhưng về dài hạn HOSE có thể thu hút thêm 35.000 - 118.000 tỷ đồng vốn mới đầu tư về nước trong dài hạn.
"Tốc độ đầu tư của dòng vốn mới phụ thuộc vào sự dịch chuyển của dòng vốn trên thị trường quốc tế và việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản nhiều khả năng cho thấy tốc độ này sẽ khá chậm”, ông Yun nói.
Thực tế, theo thống kê, tính đến quý II/2015, nhà đầu tư ngoại đã nắm giữ 46% cổ phiếu được phép mua/tổng số cổ phiếu được phép mua, tăng 0,9% so với cuối quý 1. Tỷ trọng nắm giữ khối ngoại trung bình đạt 45,7% trong khoảng thời gian quý I/2015 - quý II/2015.