Năm 2015 được xem là năm bản lề, chuẩn bị cho những thay đổi mang tính bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cơ quan quản lý đặt ra trong năm 2015 là xây dựng nền tảng pháp lý cho thị trường, thúc đẩy dòng vốn đầu tư theo hướng quy mô hơn và chất lượng hơn, TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.
Mức vốn hoá tương đương 31% GDP
Sau những biến động mang tính đặc thù của năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam có đạt được mục tiêu như kỳ vọng không, thưa ông?
Trong năm 2014, chúng ta chứng kiến thị trường chứng khoán trải qua những thăng trầm do tác động từ sự kiện biển Đông, biến động giá dầu trên thế giới và tác động chính sách tiền tệ, tuy nhiên thị trường vẫn đạt kết quả hết sức tích cực.
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào danh sách các nước có thị trường chứng khoán hồi phục đứng đầu trên thế giới. Cuối năm, các chỉ số chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2013, VN-Index tăng 8,12% và HNX-Index tăng 22,32%.
Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán ước đạt 280 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2013. Mức vốn hoá thị trường tăng 11,82% so với năm 2013, tương đương 31% GDP.
Đặc biệt thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.575 tỷ đồng, tăng 107% so với 2013, trong đó quy mô giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân mỗi phiên đạt 2.967 tỷ đồng/phiên, tăng 116%; quy mô giao dịch trái phiếu bình quân đạt 2.607 tỷ đồng/phiên, tăng 98%.
Bên cạnh đó, năm qua, công tác tái cấu trúc thị trường có bước phát triển tích cực, chuẩn bị nền tảng quan trọng cho việc phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, đặc biệt là phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, gắn cổ phần hóa với niêm yết là một trong những mục tiêu quan trọng mà chúng ta đang triển khai cho những năm tới, sang đến năm 2016.
Mặc dù khó khăn nhưng quy mô huy động vốn qua cổ phiếu của năm 2014 đã đạt bằng năm cao nhất 2006. Sự tăng trưởng này đến từ đâu, thưa ông?
Năm 2014, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán là 280 nghìn tỷ đồng, bao gồm: huy động vốn qua trái phiếu tiếp tục tăng mạnh, đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2013); huy động qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và cổ phần hoá là 26 nghìn tỷ đồng, phát hành riêng lẻ đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt trong năm 2014, đấu giá cổ phần hóa có bước phát triển quan trọng. Trong năm 2014 đã có 143 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với giá trị huy động vốn đạt 13 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm 2013 và 15 lần năm 2012.
Kết quả này là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, tổng công ty trên cơ sở Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía thị trường chứng khoán, cũng đã nỗ lực trong việc rút ngắn quy trình, thủ tục, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, nâng cấp hệ thống công nghệ đấu giá, quảng bá và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan.
So với năm 2013, quy mô huy động vốn đã tăng hơn, nhưng chưa thực sự có huy động lớn. Số lượng huy động vốn qua cổ phiếu năm 2014 bằng năm cao nhất (2006), tuy nhiên với quy mô thị trường lớn như hiện nay thì kết quả đó chưa thật tốt lắm.
Huy động vốn qua thị trường chứng khoán (Đơn vị: tỷ đồng) Kiểm soát tiền từ ngân hàng vào chứng khoán là đúng Vậy kết quả chưa tốt lắm đó, cụ thể là gì, thưa ông?
Nhìn chung huy động vốn qua thị trường chứng khoán có nhiều tiến bộ hơn trước, đặc biệt là phát hành riêng lẻ tăng đã giúp doanh nghiệp có được ngay nguồn vốn để tái cấu trúc và đầu tư phát triển. Tuy nhiên, trong năm 2014, mặc dù kinh tế vĩ mô hồi phục tốt hơn năm 2013 nhưng chưa lấy lại được đà của các năm trước khủng hoảng 2008.
Theo thống kê, bình quân các công ty niêm yết trên toàn thị trường, chỉ số hàng tồn kho vẫn không giảm và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vẫn tăng. Mặc dù doanh thu, lợi nhuận tính toàn thị trường tăng so với 2013, nhưng nếu đi sâu phân tích vào một số chỉ tiêu cụ thể như ROE, ROA thì tại một số công ty yếu kém vẫn còn thấp.
Vì vậy, ngoài các doanh nghiệp làm ăn tốt, hiệu quả, có dự án, đầu ra thì dễ dàng huy động vốn, các doanh nghiệp yếu kém thì vẫn còn khó khăn.
Trong năm 2014, dòng vốn nóng từ ngân hàng chảy vào thị trường chứng khoán đã có những tác động tiêu cực tới thị trường. Là cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, xin ông cho biết thực trạng về dòng vốn này?
Theo số liệu tổng hợp do các công ty chứng khoán báo cáo đến tháng 10/2014 (trước thời điểm ban hành Thông tư 36), lượng margin là trên 17.000 tỷ đồng, trong đó, 10.000 tỷ đồng công ty chứng khoán vay ngân hàng làm margin, 7.000 tỷ đồng huy động từ nguồn khác.
Tuy nhiên thực tế dòng tiền ngân hàng chảy vào chứng khoán qua 3 nguồn chính.
Thứ nhất, khối lượng margin của các công ty chứng khoán bằng nguồn vốn vay của ngân hàng.
Thứ hai, các khoản cầm cố cho vay trực tiếp của các ngân hàng cho việc đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, các khoản ngân hàng ủy thác qua công ty quản lý quỹ để đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thứ ba, đầu tư trực tiếp của các ngân hàng vào cổ phiếu, trái phiếu niêm yết và không niêm yết.
Như vậy dòng vốn các ngân hàng đưa vào thị trường chứng khoán có thể lớn hơn nhiều mức trần hiện nay. Vì vậy, cần có các giải pháp, lộ trình xử lý thích hợp để đưa về mục tiêu dự kiến đề ra.
Về dài hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng việc kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng vào thị trường chứng khoán là một chủ trương đúng.
Hai cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ trong vấn đề này. Các số liệu về dòng tiền cần nắm chắc, thường xuyên và cần thiết phải minh bạch con số này để thị trường biết và điều chỉnh cho phù hợp.
Trong năm 2014, khi thị trường có những đợt suy giảm mạnh, đặc biệt vào cuối năm. Ngoài nguyên nhân từ giá dầu giảm, thì nguyên nhân từ sự rút đi của dòng tiền nóng (margin) do tác động từ Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/11/2014 với những quy định siết chặt hơn với dòng tiền vào chứng khoán. Là cơ quan quản lý trực tiếp thị trường chứng khoán, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với quy định này thế nào, thưa ông?
Về bản chất, việc kiểm soát dòng vốn là một chủ trương đúng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính rất ủng hộ chủ trương này. Cách đây 5 năm, chúng tôi đã có nhiều văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để trao đổi về vấn đề sở hữu chéo, về quản lý dòng vốn ủy thác của ngân hàng sang thị trường chứng khoán và dòng vốn ngân hàng vào thị trường chứng khoán, để làm sao đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng cũng như của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên thời gian vừa qua, do lãi suất giảm, tín dụng đầu ra có khó khăn, trong khi thị trường chứng khoán có sự hồi phục, vì vậy dòng tiền của ngân hàng quay trở lại thị trường chứng khoán khá lớn, bởi vậy cần phải có phối hợp chính sách, xử lý khéo léo để đạt mục tiêu: bảo đảm an toàn tín dụng cho ngân hàng, đồng thời không gây tác động mạnh tới thị trường chứng khoán.
Bởi khi thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến việc chống sở hữu chéo.
5 nhiệm vụ trọng tâm 2015 Năm 2015, những điểm sáng nào được xem là những thuận lợi và cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, thưa ông?
Sang năm 2015, chúng tôi vẫn nhận định thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Việc giá dầu sụt giảm có thể ảnh hưởng tới ngành này ngành khác và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với giá dầu giảm, sẽ giúp chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm và qua đó hỗ trợ sự phục hồi cho doanh nghiệp và trên cơ sở đó lạm phát sẽ được duy trì hợp lý và ổn định hơn.
Và khi lạm phát được kiềm chế, các chính sách về tiền tệ, vĩ mô sẽ được linh hoạt hơn và có tính kích thích nhiều hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục hồi phục, xử lý nợ xấu sẽ được tăng cường và việc tiến tới ký kết các hiệp định thương mại, đầu tư, trong đó có Hiệp định TPP sẽ mang đến những cơ hội mới. Về kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế đã dự báo tăng hơn so với dự báo trước đây 0,5%.
Năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác cổ phần hóa gắn với niêm yết, tạo nguồn hàng chất lượng hơn cho thị trường, các giải pháp cho tái cấu trúc như: phát triển quỹ ETF, các quỹ bất động sản, phát triển các sản phẩm mới, sẽ tạo nguồn hàng cho thị trường.
Ngoài ra, các giải pháp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán.
Vậy thưa ông, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2015 là gì?
Bước sang năm 2015, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục cải cách thúc đẩy thị trường chứng khoán với việc đầu tiên là chỉnh sửa Nghị định 58 (hướng dẫn thi hành một số điều Luật Chứng khoán), trong đó tập trung vào nền tảng pháp lý thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng trong nội dung sửa Nghị định 58, cùng với Cục Tài chính doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thể chế hóa Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ để làm sao cổ phần hóa theo hướng tháo gỡ khó khăn, gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch.
Việc sửa đổi này sẽ nghiên cứu trình Chính phủ thời gian sớm nhất để tạo pháp lý kịp thời cho thị trường trong năm 2015.
Nhiệm vụ thứ hai là tập trung cho thị trường phái sinh. Đây là lĩnh vực quan trọng mà cả ngành chứng khoán đã triển khai tích cực trong 2014. Nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh đã được trình đúng hạn vào tháng 12/2014, khả năng sẽ ký ban hành trong quý 1/2015, để làm sao sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động năm 2016, hoàn hiện cấu trúc thị trường, thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiệm vụ thứ ba là thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc nâng hạng thị trường. Trước đây, chúng ta đã ký thoả ước ESMA với các nước châu Âu. Sắp tới nâng hạng thị trường trên bảng phân hạng của MSCI là nhiệm vụ trọng tâm trong 2015. Đây là quyết tâm cao và triển khai cấp bách trong 2015, nếu nâng hạng được thì chúng ta sẽ thu hút được dòng vốn tốt hơn.
Nhiệm vụ thứ tư, về cơ bản hoàn tất các nhiệm vụ triển khai tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Nhiệm vụ thứ năm, tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát vi phạm, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Tăng thêm nghiệp vụ điều tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo thông lệ quốc tế, hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát để giải quyết vấn đề này.