"Nếm trái đắng" khi nắm giữ cổ phiếu cơ cấu của ETF

(NDH) Xu hướng đầu tư 'ăn theo', 'đánh đu' theo các quỹ ETF vẫn thường diễn ra mỗi khi đến kỳ điều chỉnh. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thu được lợi nhuận mà thậm chí có thể thua lỗ rất nặng nề.

Giao dịch của các quỹ ETF, đặc biệt là trong những lần tái cơ cấu danh mục, đã thu hút sự chú ý rất lớn của giới đầu tư chứng khoán Việt Nam.

Cứ 3 tháng 1 lần, hai quỹ ETF là FTSE và Market Vectors sẽ thực hiện công bố điều chỉnh danh mục 2 chỉ số là FTSE Vietnam Index và Market Vectors Vietnam Index. Ngay sau đó, quỹ FTSE sẽ có hai tuần để mua bán số cổ phiếu theo đúng danh mục đã điều chỉnh, trong khi đó, Market Vectors sẽ có một tuần giao dịch.

Trong các kỳ cơ cấu danh mục đầu tư của hai quỹ ETF này, nhà đầu tư thường có xu hướng đón đầu, bắt bài hay 'đánh đu' theo những cổ phiếu thuộc diện được thêm vào hoặc được hai quỹ tăng tỷ trọng đầu tư.

Tuy nhiên, việc làm này có thể đem lại khoản lợi nhuận nhất định cho một số nhà đầu tư, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, nhất là đối với những nhà đầu tư vẫn còn cầm cổ phiếu sau khi hai quỹ hoàn thành cơ cấu danh mục.

Cơ hội từ những "dự đoán"

Trước những đợt cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, nhiều chuyên gia cũng như các công ty chứng khoán đã đưa ra những dự đoán nhận định về các cổ phiếu có thể được hai quỹ thêm vào hay loại ra. Từ đó, các nhà đầu tư mạo hiểm có cơ sở để mua bán cổ phiếu nhằm tìm kiếm những khoản lợi nhuận lớn trong khoản thời gian ngắn.

Việc làm này của nhiều nhà đầu tư không phải là không có cơ sở. Thống kê từ đầu năm 2013 tới kỳ đảo danh mục tháng 9/2015, có 21 cổ phiếu được thêm vào danh mục của hai quỹ ETF này. Nếu xét trong khoảng thời gian từ đầu tháng của kỳ cơ cấu cho đến ngày giao dịch cuối cùng thì chỉ có 5 cổ phiếu được thêm vào danh mục của hai quỹ ETF giảm giá, trong khi có tới 16 cổ phiếu tăng giá. Đáng chú ý, trong số 15 cổ phiếu tăng giá có những cổ phiếu tăng tới hàng chục % chỉ sau khoảng 18 phiên giao dịch.

Tuy nhiên, những tính toán trên chỉ dành cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đó trong khoảng thời gian từ đầu tháng cho tới ngày giao dịch cuối cùng của hai quỹ ETF. Còn nếu tính ngay trong tuần giao dịch của hai quỹ, chỉ có 7/21 cổ phiếu được thêm vào danh mục duy trì được đà tăng, trong khi có tới 12 cổ phiếu giảm giá và có 1 cổ phiếu giữ nguyên giá.

Việc dự đoán cổ phiếu nào bị loại ra của các chuyên gia hay CTCK cũng là một cơ sở để các nhà đầu tư có thể 'thoát' khỏi những cổ phiếu nằm trong diện này khi mà theo thống kê như trên thì có tới 15/20 cổ phiếu bị hai quỹ ETF loại ra khỏi danh mục đều đã giảm tương đối mạnh.

"Nếm trái đắng" khi nắm giữ cổ phiếu đã cơ cấu của ETF

Đến hẹn lại lên, cứ đến phiên giao dịch cuối cùng của hai quỹ ETF, thị trường bất ngờ giao dịch đột biến, với thanh khoản tăng vọt và phần lớn giao dịch tập trung mạnh vào cổ phiếu mà hai quỹ ETF thêm/bớt, tăng/giảm tỷ trọng đầu tư.

Vậy trường hợp các nhà đầu tư tham gia mua vào cổ phiếu được hai quỹ thêm vào danh mục trong ngày giao dịch cuối cùng thì sao?

Theo thông kê của NDH, trong số 21 cổ phiếu được thêm vào danh mục của FTSE và V.N.M kể từ đầu năm 2013, nếu nhà đầu tư tham gia mua vào trong phiên giao dịch cuối cùng tới ngày T+3 (ngày cổ phiếu về tài khoản) thì chỉ có vỏn vẹn 2 cổ phiếu tăng giá, trong khi có tới 18 cổ phiếu còn lại đều đồng loạt giảm. Còn nếu nhà đầu tư nào mạo hiểm nắm giữ tới cuối tháng thì cũng chỉ có 3 cổ phiếu tăng giá, 2 cổ phiếu giữ nguyên giá còn lại cũng đều giảm, thậm chí có cổ phiếu còn giảm tới trên 40%.

Như vậy, nhìn vào lịch sử các kỳ giao dịch của hai quỹ ETF ta có thể thấy tỷ lệ nhà đầu tư thua lỗ là rất lớn khi tham gia mua cổ phiếu sau khi kết thúc kỳ đảo danh mục, trong khi tỷ lệ đem lại lợi nhuận là khá thấp. Điều này cũng không có gì quá bất ngờ khi mà đa số các cổ phiếu này đều đã có một nhịp tăng tương đối trong suốt khoảng 2 - 3 tuần trước đó.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu thuộc diện bị loại ra khỏi danh mục của hai quỹ ETF đều có mức tăng giá khá tốt. Sau ngày T+3, chỉ có 6/20 cổ phiếu giảm giá, trong khi có tới 12 cổ phiếu tăng giá và mức tăng của nhiều mã là trên 10%. Còn tính đến cuối tháng, cũng chỉ có 5 cổ phiếu giảm giá.

Như vậy, cơ hội lại được tìm thấy ở những cổ phiếu thuộc diện bị loại khỏi danh mục của hai quỹ ETF.

Rủi ro từ dự đoán và tổ chức điều hành chỉ số

Việc nhà đầu tư tin vào những dự đoán của các chuyên gia hay CTCK cũng có thể đem lại rủi ro khá lớn. Nếu kết quả điều chỉnh là đúng so với dự đoán, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu phán đoán sai thì nhiều nhà đầu tư sẽ phải chịu tổn thất tương đối nặng nề.

Đơn cử như trường hợp của HHS, trong khoảng 2 kỳ cơ cấu danh mục trước (quý II và quý III), nhiều chuyên gia hay CTCK đã nhận định khá chắc chắn về việc FTSE và V.N.M sẽ thêm HHS vào danh mục đầu tư. Tuy nhiên, khi hai quỹ này công bố danh mục tất cả đều ngã ngửa khi HHS không có tên trong danh sách.

Một trường hợp khác cũng khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi 'đánh đu' theo ETF đó là việc tổ chức điều hành chỉ số bất ngờ điều chỉnh lại danh mục cũng như tỷ trọng của các cổ phiếu sau khi đã công bố trước đó. Cụ thể, trong kỳ cơ cấu quý III/2015, cả hai quỹ FTSE và V.N.M đều bất ngờ thêm BID vào danh mục. Nhưng ngay sau đó, cả hai quỹ này đều phát đi thông báo không thêm BID do 'sự cố dữ liệu' hy hữu.

Mới đây nhất là trường hợp của KDC, trong ngày rạng sáng ngày 13/12/2015, quỹ V.N.M công bố danh mục trong kỳ review quý IV/2015, trong đó có việc KDC được tăng mạnh tỷ trọng lên 5%. Nhưng chỉ vài ngày sau, quỹ này bất ngờ thông báo giảm tỷ trọng của KDC xuống chỉ còn 3,17% do số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (Final Float Shares) của KDC đã giảm mạnh từ 117.580.568 cổ phiếu xuống 63.493.507 cổ phiếu. Ngay sau thông tin trên, KDC đã có 2 phiên giảm sâu liên tiếp.

Như vậy, việc nhà đầu tư đầu tư theo ETF có thể may mắn đem lại một khoản lời tương đối, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khiến nhà đầu tư bị thua lỗ nặng hơn.