NĐT tháo chạy bất thành khỏi BID, Bluechips kéo thị trường tăng trở lại

NĐT tháo chạy bất thành khỏi BID, Bluechips kéo thị trường tăng trở lại

(NDH) Giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra ảm đạm, trong khi đó, với áp lực giảm tới mạnh từ một số mã trụ cột nên cả hai chỉ số đều lùi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu.

Gần cuối phiên khớp lệnh, với hi vọng thoát được hàng sớm, lệnh bán giá sàn của BID được hủy dần để chuyển sang lệnh bán ATC. Theo đó, lệnh bán ATC của BID trong phiên hôm nay lên tới hơn 8,4 triệu đơn vị, ngay sau đó vẫn BID vẫn còn chất bán giá sàn hơn 2,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, BID chỉ khớp lệnh được 130.560 đơn vị, tức trong phiên ATC chỉ có khoảng 3 nghìn cổ phiếu BID được khớp thành công.

Trong khi đó, lực cầu vào cuối phiên có phần tăng trở lại và giúp nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như MSN, GAS, VCB, STB, BVH, VCG, PVS… giao dịch tích cực hơn và đều duy trì được sắc xanh khá tốt. Trong đó, VCB tăng mạnh 1.300 đồng lên 44.000 đồng/CP. MSN tăng 2.500 đồng/CP lên 76.000 đồng/CP. KDC cũng tăng 600 đồng lên 23.700 đồng/CP. Việc hàng loạt các cổ phiếu trụ cột tăng giá mạnh đã giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác trên thị trường như CTG, SSI, MBB… vẫn chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, mức giảm của các mã này không phải là quá mạnh.

Giao dịch trên thị trường trong phiên hôm nay diễn ra chậm hơn phiên trước, dòng tiền có phần chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như HAR, STB, FLC… Trong đó, HAR giảm 100 đồng xuống 5.800 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 3,7 triệu đơn vị. Trong khi đó, VCG tăng 300 đồng lên 11.000 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 3,52 triệu đơn vị, bên cạnh đó, VCG còn có thỏa thuận 500.000 đơn vị. Đáng chú ý, khối ngoại trong phiên hôm nay đã bán ra tới hơn 3,6 triệu cổ phiếu VCG.

Cuối phiên giao dịch, thị trường còn có thêm giao dịch thỏa thuận lớn của KDC, với 4,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch lên tới hơn 98,7 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,86 điểm (0,15%) lên 564,13 điểm. Toàn sàn có 104 mã tăng, 85 mã giảm và 121 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 74,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 1.223,54 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,06 điểm (0,08%) lên 76,69 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 98 mã giảm và 189 mã đứng giá. Tổng khối lương giao dịch chỉ đạt hơn 26,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 289 tỷ đồng.


Diễn biến của cổ phiếu BID xuyên suốt phiên sáng không có biến động gì nhiều, cổ phiếu này đã giảm kịch sàn từ đầu phiên giao dịch, với thanh khoản đóng băng khi bên mua không mặn mà. Kết thúc phiên sáng, BID khớp lệnh được vỏn vẹn 126.040 đơn vị và còn dư bán giá sàn lên tới hơn 8,7 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngân hàng khác trên HOSE là CTG, EIB và MBB cũng đã giảm giá trở lại, điều này tạo áp lực không nhỏ tới VN-Index và khiến chỉ số này lùi nhẹ xuống dưới mốc tham chiếu.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường là BVH, VCB, MSN, KDC, GAS … đã duy trì được đà tăng tích cực. Đáng chú ý, sau một số phiên giảm mạnh, MSN đã tăng trở lại 1.500 đồng lên 75.5000 đồng/CP. VCB tăng 500 đồng lên 43.200 đồng/CP. KDC tăng 800 đồng lên 23.900 đồng/CP. GAS tăng 500 đồng lên 46.300 đồng/CP. Được biết, HĐQT của GAS vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015 bằng tiền mặt. Theo đó, GAS sẽ chi tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 10%. Cổ đông sở hữu mỗi cổ phần sẽ nhận được 1.000 đồng cổ tức. Với 1.894.398.070 cổ phiếu đang lưu hành, PV Gas sẽ chi 1.894,4 tỷ đồng để trả cổ tức.

Đáng chú ý, việc được quỹ V.N.M tăng tỷ trong đầu tư giúp HAG tiếp tục tăng mạnh 600 đồng lên 15.300 đồng/CP và khớp lệnh tới hơn 2,3 triệu đơn vị. Việc HAG được quỹ này nâng tỷ trọng khiến nhiều NĐT bất ngờ bởi trước đó, HAG liên tục nằm trong top bán ròng của khối ngoại.

Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay cũng không quá khác các phiên trước, thanh khoản thị trường ở mức thấp. Trong khi HAG dẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, thì vị trí số 1 trên HNX thuộc về VCG, với hơn 1,87 triệu đơn vị. Khép phiên sáng, VCG tăng 200 đồng lên 10.900 đồng/CP. Được biết, trong đợt cơ cấu danh mục lần này của V.N.M, VCG đã bị giảm tỷ trọng khá mạnh.

Bên cạnh đó, phiên sáng nay các mã EIB, HAR và STG đều có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn, đạt lần lượt 1,3 triệu cổ phiếu, 2,4 triệu cổ phiếu và 1,98 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 1,02 điểm (-0,18%) xuống còn 562,25 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 76 mã giảm và 150 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 38,7 triệu cổ phiếu, trị giá trên 633 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,15 điểm (-0,2%) xuống 76,48 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 79 mã giảm và 231 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 15,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 168,9 tỷ đồng.


Thị trường trước khi bước vào phiên giao dịch mới đón nhận thông tin không mấy tích cực. Quỹ ETF Market Vector Vietnam ETF bất ngờ có thông báo về kết quả rà soát danh mục cổ phiếu quý III/2015. Theo đó, Market Vectors Vietnam Index sẽ không đưa cổ phiếu BID vào danh mục. Tỷ trọng của các cổ phiếu trong chỉ số cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng. Như vậy, NT2 là cổ phiếu duy nhất được thêm vào danh mục đầu tư lần này của V.N.M thay thế cho DRC.

Trong phiên giao dịch ngày hôm nay 15/9, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 5,46 triệu cổ phiếu BID, tương ứng giá trị là trên 155 tỷ đồng. Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu BID đã tăng kịch trần nhờ thông tin được V.N.M thêm vào danh mục đầu tư.

Thông tin trên ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực tới cổ phiếu BID. Ngay khi mở cửa phiên giao dịch mới, BID đã bị kéo xuống mức giá sàn, với lượng dư bán giá sàn lên tới hơn 8 triệu đơn vị và chỉ khớp lệnh được vỏn vẹn hơn 100 nghìn đơn vị. Rõ ràng việc quỹ V.N.M bất ngờ không thêm BID vào danh mục đã khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra hoang mang khi mà trước đó, sự kỳ vọng mang tên ETF đã giúp BID tăng trần liên tiếp trong 2 phiên đầu tuần.

Trong khi đó, với việc không thêm BID vào danh mục thì tỷ trong của các cổ phiếu Việt Nam còn lại đã được thay đổi lại. Trong đó, tỷ trọng của NT2 được nâng lên đáng kể, điều này giúp NT2 tăng 300 đồng lên 25.500 đồng/CP.

Đáng chú ý, với việc được quỹ V.N.M tăng tỷ trọng đầu tư ở danh mục sửa đổi này, HAG đã tăng mạnh 900 đồng lên 15.600 đồng/CP.

Trong khi đó, Nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như VCB, STB, BVH, MSN… đã đồng loạt tăng giá và góp phần giúp chỉ số VN-Index nhích lên trên mốc tham chiếu. Hiện tại, VCB đang tăng 1.000 đồng lên 43.700 đồng/CP. Sau 2 phiên giảm mạnh MSN cũng đã tăng trở lại 2.000 đồng lên 75.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, với những diễn biến hồi phục của giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC… cũng đang đua nhau tăng giá, điều này đã hỗ trợ khá lớn giúp hai chỉ số duy trì được sắc xanh. GAS đang tăng 600 đồng lên 46.400 đồng/CP. PVD tăng 500 đồng lên 34.900 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng lên 20.400 đồng/CP.

Giao dịch trên thị trường đang diễn ra chậm, thanh khoản hai sàn ở mức rất thấp. Sau 30 phút giao dịch vẫn chưa có mã nào trên HOSE và HNX khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trong ngắn hạn, VCBS cho rằng phiên tăng điểm hôm nay phần nhiều mang tính chất kỹ thuật và thị trường vẫn đang trong xu hướng đi ngang tích lũy với thanh khoản cô đọng ở mức thấp. Động lực tăng điểm của thị trường hiện tại mới chỉ từ một số cổ phiếu với thông tin đặc biệt trong khi yếu tố nền tảng cho một xu hướng tăng bền vững trên diện rộng lại khá thiếu vắng. Hơn thế nữa, rủi ro từ những biến động mạnh trên thị trường tài chính thế giới sắp tới vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là khi cuộc họp FED vào tháng 16 – 17/09 tới đây chưa có kết quả chính thức. Theo đó, VCBS tiếp tục duy trì quan điểm đứng ngoài quan sát thị trường với phần lớn các nhà đầu tư không ưa thích mạo hiểm trong giai đoạn thị trường chưa xác định rõ xu hướng.

Sự kiện đáng chú ý ngày 16/09/2015

SDA: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 3:1) và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 3:2)

>>> Xem thêm: BID bất ngờ không được đưa vào danh mục của Market Vectors