Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển thành những trụ cột vững mạnh là giải pháp cấp bách nhằm giúp giảm sự phụ thuộc này cũng như phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn FDI.
Mâu thuẫn từ FDI
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, dòng vốn FDI vào Việt Nam được khơi thông nhanh chóng và ảnh hướng mạnh mẽ tới kinh tế Việt Nam. Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) TS Đỗ Nhất Hoàng, cho biết: Là thành phần quan trọng của nền kinh tế, FDI đóng góp khoảng 22% - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 14% ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP liên tục tăng dần qua các năm, đã đạt khoảng 20% GDP vào năm 2014. Khu vực này cũng tạo ra hơn hai triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Ngoài ra, vốn FDI còn góp phần quan trọng vào xuất khẩu khi chỉ tính riêng trong quý I vừa qua, kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khối FDI đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Mặc dù có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước, hoạt động FDI ở Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều bất cập. Theo phân tích của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT), cơ cấu FDI ở nước ta còn thiếu cân đối, có nhiều dự án đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp gây ô nhiễm và bất động sản. Đây là cơ cấu không mong đợi bởi vốn FDI vào khai thác tài nguyên thì không có tác dụng lan tỏa; FDI vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm thì lợi nhuận do DN FDI hưởng, còn hậu quả và chi phí khắc phục thì Việt Nam phải gánh chịu; FDI vào lĩnh vực bất động sản có thể làm căng thêm "bong bóng", dễ gây ra bất ổn... Bên cạnh đó, không ít DN FDI thường kê khai lỗ liên tiếp trong nhiều năm nhằm chuyển giá và trốn thuế. Đặc biệt, nhiều DN FDI sau một số năm lỗ "kế hoạch" đã hầu như chiếm thế độc quyền như trong nhiều ngành sản xuất như nước có ga, chất tẩy rửa, thức ăn gia súc,... gây lũng đoạn và làm méo mó thị trường; đồng thời làm triệt tiêu sức cạnh tranh và tác động mạnh đến khả năng phát triển của các DN trong nước.
Tạo động lực từ liên kết
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của FDI tới nền kinh tế Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) Lê Quốc Phương nhận định: Vốn FDI hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là mức khá cao, có thể chứa đựng rủi ro và thể hiện rõ sự yếu kém của đầu tư trong nước. Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tính cả dầu thô), việc xuất siêu hay nhập siêu cũng phụ thuộc hoàn toàn vào khối FDI khi khối này chỉ cần giảm xuất siêu có thể sẽ gây ra nhập siêu cho cả nền kinh tế; sản xuất công nghiệp FDI cũng chiếm hơn 60%, ở nhiều ngành còn gần như tuyệt đối. Những con số trên đều cho thấy, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào FDI hiện nay là khá lớn.
Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư TS Võ Trí Thành, thắc mắc: Tại sao, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn có quá ít DN với quy mô lớn hoặc "khá" và theo thống kê, quy mô này vẫn đang "bé" dần; trong khi sự hiện diện của DN FDI lại ngày càng "rõ nét". Nếu trong tương lai, khi khu vực nhà nước sẽ được "thu gọn" thì đâu sẽ là động lực chính để phát triển đất nước, hay là dựa hết vào FDI? Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, một tín hiệu đáng mừng là dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng sắp được công bố tới đây chứa đựng tư tưởng rõ ràng là coi khu vực tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nếu được hỗ trợ tốt, chính khối DN này có thể phát triển trở thành trụ cột quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững; đồng thời trở thành đối trọng, giúp giảm sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế vào FDI như hiện nay. Đồng tình với quan điểm này, TS Đỗ Nhất Hoàng cho rằng: "Đầu tư FDI tuy rất quan trọng, nhưng DN trong nước, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ mới là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cần tập trung nhiều hơn cho khu vực này, với những hỗ trợ về chính sách, ưu đãi, nguồn vốn cũng như về công nghệ; đồng thời chuẩn bị cho họ có đủ điều kiện để tận dụng tốt lợi thế trong quá trình hội nhập. Nhà nước phải làm đúng vai trò phục vụ và hỗ trợ DN".
Phó Vụ trưởng Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) Vũ Quốc Huy cũng đề xuất: Các DN trong nước hiện nay phần lớn còn yếu về năng lực, công nghệ, trình độ quản lý cũng như kỹ năng quảng bá và tiếp cận thị trường. Đây là những điều có thể học hỏi và hấp thụ được từ các DN FDI. Tuy nhiên, chúng ta hầu như chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của mối liên kết giữa DN FDI và trong nước, cũng như chưa có nhiều hành động để thúc đẩy mối liên kết này. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò cầu nối, chia sẻ thông tin và hỗ trợ, nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các DN FDI và trong nước; nâng cao vai trò và trách nhiệm của DN FDI, nhất là các DN có quy mô lớn trong việc kết nối và hỗ trợ DN trong nước.
"Nếu chúng ta chủ trương mở cửa và hội nhập quốc tế là phải chấp nhận cạnh tranh. Nếu không muốn thua ngay trên "sân nhà", chúng ta phải có những giải pháp và hành động phù hợp nhằm hỗ trợ DN trong nước mạnh lên, có năng lực cạnh tranh cao hơn. Lựa chọn ở đây không phải đóng cửa mà phải nâng cao năng lực nội sinh, để thu được kết quả tốt hơn".
GS, TSKH NGUYỄN MẠI
Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
"Hiện nay, Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) đang triển khai đối thoại với các DN FDI, kiến nghị các DN này lựa chọn một số DN trong nước nhằm tiến hành đào tạo, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật,... giúp các DN được chọn nhanh chóng có đủ điều kiện, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất của chính các DN FDI này; đồng thời hướng tới cơ hội lớn hơn là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu".
VŨ QUỐC HUY
Phó Vụ trưởng Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT)