Ngày 1/4/2015, tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Cục Tài chính Doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) đã tổ chức hội nghị phổ biến một số quy định về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng chia sẻ, trong năm 2014, công tác đấu giá đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ thành công đạt 66%. Trên cơ sở Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 2660/BTC-UBCK hướng dẫn về việc thoái vốn thông qua đấu giá và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc. Đồng thời, để thu hút dòng vốn nước ngoài, Bộ Tài chính và UBCKNN cũng đang tích cực điều chỉnh khung pháp lý, trong đó tập trung sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP.
Đánh giá về tình hình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp – ông Hoàng Văn Thu cho biết, trong 9 tháng cuối năm 2015 còn phải thực hiện cổ phần hóa 260 doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, Cục Tài chính Doanh nghiệp cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp nhấn mạnh phải xử lý nghiêm, thay thế người đứng đầu đơn vị trong trường hợp các đơn vị không triển khai kịp thời lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch.
Tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCKNN đã hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thoái vốn thông qua đấu giá. Ông Bùi Hoàng Hải đánh giá, hồ sơ hiện tại đã được đơn giản hóa về hồ sơ, và thời gian xử lý đã được rút ngắn. Ông Hải cũng lưu ý các doanh nghiệp về các vấn đề như báo cáo tài chính phải được kiểm toán, tài liệu chứng minh sở hữu phải ở thời điểm gần nhất,…
Đại diện cho Sở GDCK – đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức đấu giá, quản lý và vận hành các thị trường giao dịch, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội, đã có những hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục, quy trình tổ chức đấu giá kết nối thị trường UPCoM và thị trường cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội.
Qua hướng dẫn này thấy rõ, hồ sơ, thủ tục đấu giá qua Sở GDCK tương đối đơn giản, gọn nhẹ, nhất là đối với DNNN cổ phần hóa, thời gian xử lý hồ sơ được rút ngắn. Đặc biệt, Sở GDCK Hà Nội là đơn vị được giao phó tổ chức thị trường giao dịch các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, các doanh nghiệp sau khi có giấy phép đăng ký doanh nghiệp phải đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đồng thời đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM để đưa cổ phiếu vào giao dịch ngay nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng được nghe ý kiến tham luận của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, CTCP Chứng khoán phố Wall về công tác cổ phần hóa của các DNNN và phần trao đổi trực tiếp giữa các Bộ, ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN và các cơ quan quản lý, vận hành thị trường.
Các nội dung trao đổi đề cập chủ yếu đến các vấn đề như thủ tục, hồ sơ thoái vốn đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, trình tự, thủ tục chào bán cạnh tranh, đấu giá trọn lô, chế tài xử phạt đối với việc doanh nghiệp sau 90 ngày không lên UPCoM…
Kết quả thực hiện tái cơ cấu năm 2014 đến Quý I/2015:
1. Về sắp xếp, cổ phần hóa:
Năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 doanh nghiệp, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, tăng gấp gần 2 lần năm 2013.
Kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Tính đến hết Quý I/2015, 29 doanh nghiệp (3 Tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp) được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 260 doanh nghiệp còn lại đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
2. Về công tác thoái vốn:
Tính đến ngày 24/3/2015, cả nước đã thoái được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng (bao gồm cả SCIC), bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực Bất động sản là 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng (chiếm 45% tổng giá trị thu về từ thoái vốn); lĩnh vực bảo hiểm, tài chính là 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng; bán vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 1.634 tỷ đồng, thu về 3.187 tỷ đồng (theo số liệu họp Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Quý I/2015).