"Năm 2015 có thể là năm nổi trội của dòng cổ phiếu bất động sản"

Trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ chưa có sự khởi sắc trở lại thì thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục sẽ là kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn.

Năm 2014 buồn nhiều hơn vui sắp sửa qua đi. Một năm mới bắt đầu. Mọi sự khởi đầu luôn luôn đi kèm những kỳ vọng. Chúng tôi có trao đổi với ông Winston Lu - Giám Đốc phòng Phân Tích của Chứng khoán Phú Hưng-PHS về những nhận định thị trường chứng khoán năm tới.

Thị trường chứng khoán 2014 sắp kết thúc với nỗi buồn giá dầu. Ông nhận định ra sao về thị trường chứng khoán 2015?

Năm 2014 là một năm có nhiều sự kiện đáng nhớ tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Mặc dù có những sóng tăng ấn tượng trong năm, nhưng hai sự kiện chính tác động tiêu cực đến thị trường là việc tranh chấp trên biển Đông trong quý 2 và sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô thế giới trong quý cuối đã làm cho chỉ số kết thúc năm chỉ ở mức tương đươngvới mốc đóng cửacủa năm 2013, quanh vùng 530 điểm.

Nhưng nhìn một cách tổng thể thì nền tảng cơ bản của thị trường vẫn tiếp tục được củng cố khi công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng vẫn đang tích cực được thực hiện và các chỉ số kinh tế hầu như đã đạt kế hoạch đề ra.

Về thị trường trong năm 2015, kinh tế sẽ thừa hưởng những thành quả đạt được trong năm 2014. Tỷ lệ lạm phát có thể vẫn tiếp tục được kiềm chế như kế hoạch, mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Đây sẽ là điều kiện để chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.

Ngoài ra, tiến trình đàm phán TPP cũng như việc ký kết các hiệp định mậu dịch tư do đang dần đi vào giai đoạn cuối sẽ tiếp tục là thông tin hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư. Tóm lại, những yếu tố trên sẽ là những nhân tố giúp thị trường tăng trưởng trong năm tới.

Về vấn đề dòng tiền, theo ông, thị trường chứng khoán có thể trông chờ vào những nguồn tiền chủ đạo nào trong thời gian tới?

Dòng tiền trong và ngoài nước là hai nguồn chủ đạo mà thị trường chứng khoán có thể trông chờ vào năm tới. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm tới là điều kiện thuận lợi để kích thích đầu tư. Trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ chưa có sự khởi sắc trở lại thì thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục sẽ là kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại tham gia đầu tư nhằm đón đầu những lợi ích từ việc ký kết các hiệp định tự do thương mại. Ngoài ra, thị trường sẽ đón nhận những đợt IPO của những công ty có thương hiệu lớn và ngành nghề hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại trong năm 2015. Đây cũng là sẽ nguồn vốn đáng kể cho thị trường trong thời gian tới.

Về phía các CTCK, doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào chứng khoán, việc nguồn tiền từ ngân hàng vào bị siết lại thì họ có thể trông chờ vào những nguồn đáng chú ý nào?

Lo ngại về việc dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị siết lại xuất hiện khi ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 36, trong đó điều chỉnh tỷ lệ cho vay chứng khoán trên vốn chủ sở hữu tại các ngân hàng, giảm từ mức 20% xuống còn 5%. Tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành và của riêng tôi thì việc thay đổi này không ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán khi mà dư địa cho vay của các ngân hàng vẫn còn nhiều, dù đã điều chỉnh tỷ lệ cho vay theo luật mới.

Bên cạnh đó, tuy khối ngoại thực hiện bán ròng trong những tháng cuối năm nhưng tính cho cả năm thì họ vẫn đầu tư ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam và dự báo dòng vốn ngoại tiếp tục sẽ hỗ trợ thị trường trong năm 2015.

Theo ông, ngành nào sẽ nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền trong năm 2015? Vì sao? Riêng Phú Hưng, công ty dự kiến dành nguồn tiền ra sao cho hoạt động tự doanh? Phân bổ giải ngân như thế nào?

Năm 2014 có thể được xem là năm của ngành dầu khí và dịch vụ dầu khí. Nhưng việc giá dầu giảm mạnh về mức dưới 60 USD/thùng sau thời gian khá lâu neo trên mức 100 USD/ thùng đã làm giá của nhiều cổ phiếu dầu khí bị rớt mạnh và ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng chung của thị trường. Dù giá dầu đã không còn rơi tiếp, nhưng nhiều khả năng nhóm ngành này vẫn cần thời gian tích lũy trở lại sau giai đoạn điều chỉnh mạnh.

Ở chiều ngược lại, việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ có tác động tích cực đến những ngành nghề khác khi giá nguyên liệu đầu vào giảm như ngành vận tải, ngành nhựa, cao su, sản xuất. Ngoài ra, năm 2015 có thể là năm nổi trội của dòng cổ phiếu bất động sản khi mà nhiều chính sách hỗ trợ thị trường sẽ có điểm rơi trong năm 2015-2016 và giá cổ phiếu vẫn còn ở mức hấp dẫn.Ngành chứng khoán cũng tiếp tục được kỳ vọng sẽ có triển vọng tốt trong năm 2015

Dựa trên dự báo đối với thị trường và nhóm ngành nghề nêu trên cho năm 2015, chúng tôi vẫn duy trì nguồn vốn cho hoạt động tự doanh và sẵn sàng gia tăng vốn đầu tư nếu nhận thấy tiềm năng tăng trưởng trở lại của thị trường dần rõ ràng hơn. Chúng tôi vẫn ưu tiên đầu tư vào nhóm cổ phiếu blue chips hoặc nhóm cổ phiếu Mid-caps với mức độ tăng trưởng ổn định và là doanh nghiệp đầu ngành. Chúng tôi sẽ linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ đầu tư cho phù hợp với diễn biến của thị trường.

So với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam có đủ hấp dẫn? Khối ngoại liệu có lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong năm tới hay chuyển dịch sang Quốc Gia khác?

So với mức P/E trung bình khoảng 15.0x ở các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, chỉ số P/E của chúng ta hiện đang ở mức thấp là 13.8x cho thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, sự cải thiện tích cực của nền tảng vĩ mô trong năm 2014 cũng là điều khích lệ các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Những báo cáo mới đây của các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam và kỳ vọng nền kinh tế sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Vì thế, tôi tin rằng thị trường Việt Nam vẫn duy trì sự hấp dẫn nhất định trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và dòng vốn ngoại sẽ chảy vào thị trường nhiều hơn nữa trong năm tới.

Vấn đề giá dầu đang khiến thị trường chứng khoán lao đao. Ông nhận định ra sao về tác động ngắn, trung và dài hạn đối với mặt hàng này đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung?

Do đặc thù các lĩnh vực hoạt động của từng doanh nghiệp trong ngành Dầu khí không giống nhau nên mức độ ảnh hưởng tới KQKD cũng khác nhau cho từng doanh nghiệp. Điểm chung nhất là nếu giá dầu rớt xuống dưới 60 USD/thùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành và rộng hơn là ảnh hưởng đến chiến lược khai thác, thăm dò Dầu khí trong tương lai của Việt Nam.

Đối với nền kinh tế nói chung, việc giảm giá xăng dầu giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh, từ đó tăng sản xuất và có lợi cho nền kinh tế. Ngoài ra, giá dầu giảm sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí và như vậy sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Nếu được góp ý xây dựng chính sách, ông có kiến nghị gì để phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới?

Ngoài những yếu tố cơ bản đểnền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển thìmột số yếu tố cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm giúp thị trường tăng trưởng ổn định và lậu dài. Trước tiên là nâng caosự đa dạng hóa và chất lượng của doanh nghiệp niêm yết để giúp nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn hơn.

Bên cạnh đó, tính minh bạch của thị trường cần tiếp tục được cải thiện khi đó sẽ thu hút nhiều hơn sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó, dự án phát triển thị trường chứng khoán phái sinh cần sớm được đưa vào thực tiễn để những sản phẩm mới sẽ giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn cho việc đa dạng hóa danh mục và là công cụ hiệu quả giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Khi đó thị trường sẽ hoạt động theo cơ chế hiệu quả và ổn định hơn.