Tân binh “hot’ của ngành nông nghiệp
Lâu nay, không như những ông lớn trong các ngành khác, những công ty sản xuất nông nghiệp phần lớn là những cổ phiếu hầu như không có giao dịch với khối lượng bình quân hàng ngày rất thấp. Đặc điểm chung của những cổ phiếu này là vốn điều lệ thấp và rất “đặc” do cổ đông lớn nắm phần đa số. Điều đó khiến cho nhóm cổ phiếu này vốn có lợi tức cao nhưng lại ít thu hút được nhà đầu tư cá nhân.
Sự xuất hiện của NAF trên HOSE đã mang đến nhiều điểm khác biệt, với việc thành viên hội đồng quản trị chỉ nắm chưa đầy 30% vốn điều lệ đã khiến cổ phiếu này từ khi lên sàn thu hút số lượng giao dịch cao hơn hẵn các cổ phiếu khác cùng ngành, với mức bình quân trên 200,000 cổ phiếu/phiên. P/E của NAF hiện đang ở mức 14.2 lần, cao hơn số các doanh nghiệp cùng ngành khác và so với mức bình quân 12.x của VN index.
Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự sôi động, giá cổ phiếu NAF được duy trì ở mức giá cao hơn thị trường cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu này, trong đó có Vietnam Holding Limited, đơn vị vừa mua vào 6,02% số cổ phiếu này.
Đánh giá về NAF, Công ty cổ phần chứng khoán VCSC cho rằng, cổ phiếu NAF đang tỏ ra hấp dẫn với các nhà đầu tư dài hạn với các yếu tố chính như như đây là công ty xuất khẩu chanh leo hàng đầu Châu Á và là nhà xuất khẩu quả gấc hàng đầu thế giới. Ngoài ra, dư địa tăng trưởng của công ty này cũng rất lớn khi các hiệp định thương mại tự do sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của NAF do giảm thuế nhập khẩu 7-10%.
Chiến lược chuỗi giá trị cho chanh leo
Nafoods Group là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau củ quả đông lạnh. Hai sản phẩm đem lại doanh thu và giá trị cao nhất cho Nafoods Group là chanh leo và gấc. Báo cáo kinh doanh của công ty này cho thấy, năm 2014, doanh thu chanh leo cô đặc đông lạnh chiếm 63,9% trong tổng 292 tỷ đồng doanh thu thuần của công ty này.
Thị trường xuất khẩu chính hiện nay là các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc. Hiện Công ty chiếm hơn 80% sản lượng nước chanh leo cô đặc tại Việt Nam, 8% sản lượng nước chanh leo cô đặc thế giới. Nếu tính riêng dòng chanh leo tím, Nafoods Group chiếm 90% sản lượng tại thị trường Châu Âu.
Đối với cây gấc là loại cây có nguồn gốc xuất phát từ Việt Nam và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam, đặc biệt là Miền Bắc và Miền Trung. Hiện tại, Việt Nam là vùng trồng gấc lớn nhất thế giới,Nafoods là nhà xuất khẩu gấc Puree vào thị trường Mỹ lớn nhất thế giới.
Công nhân của NAF đang thu hoạch chanh leo
Không khó để lý giải vì sao NAF lại thu hút của các nhà đầu tư. Với 90 triệu dân, ngành chế biến thực phẩm nói chung và ngành sản xuất rau củ quả, nước ép trái cây nói riêng hiện nay còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, yếu tố quan trong khiến NAF thu hút các nhà đâu tư dài hạn là do công ty này đã tạo ra được một chuỗi giá trị trong lĩnh vực của mình.
Theo đánh giá của ông Michael Rosen, Tổng Giám đốc PAN Pacific, một doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp, thì khi vấn đề an toàn và an ninh lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những công ty có khả năng tích hợp chuỗi giá trị trong nông nhiệp, đảm bảo thực phẩm an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc, tập trung vào chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh chắc chắn sẽ đem lại lợi nhuận tốt về sau.
Thực tế của NAF cho thấy, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của NAF ngoài sự đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu, tăng chất lượng sản phẩm và ký kết đầu ra là nhờ vào việc hợp tác chặt chẽ với nông dân, triển khai hướng dẫn kỹ thuật, chủ động phát triển vùng nguyên liệu.
Báo cáo mới đây, NAF cho biết, họ đã hoàn thành xây dựng Viện giống với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, tạo ra được hơn 1 triệu cây giống chanh leo chất lượng cao. Trong thời gian tới, Công ty sẽ dành khoảng 90 tỷ đồng cho dự án trồng 400ha tại huyện Quế Phong và 50 tỷ đồng cho dự án mở rộng quy mô Viện giống chanh leo công nghệ cao, nâng công suất lên 3 triệu cây giống/năm thực hiện từ năm 2015 đến tháng 5/2016.
Nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ với nông dân và đơn vị đầu vào,NAF đã tạo ra được vùng nguyên liệu rộng lớn giúp tiết giảm chi phí làm cho chi phí giá vốn có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, cụ thể giá vốn hàng bán giảm từ 92% năm 2013 giảm xuống lần lượt 88% năm 2014 và 78% năm 2015 . Đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuân NAF ngày càng tăng.
Để đa dạng hóa sản phẩm, NAF cũng đã đầu tư một dây chuyền rau củ quả đông lạnh, các sản phẩm của Nafoods đều đạt các chứng chỉ quốc tế.
Theo đánh gia của công ty chưng khoán bản Việt, hiện nay ,thị trường tiêu dùng trong nước đã có một số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống không cồn như Masan, Tân Hiệp Phát, tuy nhiên sản phẩm nước ép trái cây cô đặc 100% nguồn gốc từ thiên nhiên thì hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia và để lại dấu ấn rõ nét. Do đó chiến lược mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, quay về thị trường nội địa với sản phẩm đạt chuẩn quốc tế của NAF rất được kỳ vọng sẽ tạo được thương hiệu và vị thế, ban đầu là sản phẩm nước ép trái cây cô đặc mang nhãn hiệu Juice Smile.