Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, ngoài các giải pháp trên, DN có thể áp dụng lộ trình gia tăng giá trị DN như kêu gọi nhà đầu tư (cổ đông chiến lược) vào trước để cùng DN tái cơ cấu quản trị, bộ máy quản lý, gia tăng hiệu quả hoạt động, qua đó làm tăng hình ảnh của DN, tăng khả năng thu hút các nhà đầu tư như với trường hợp Petrolimex thì hiệu quả thu về sẽ cao.
Năm 2014, đã có rất nhiều nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). UBCKNN đã có nhiều giải pháp kỹ thuật như: Rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ trong việc đấu giá, thoái vốn; nghiên cứu để có quy trình đảm bảo thành công của các đợt IPO như phải có các đánh giá hàng hóa chào bán có đúng giá trị thực hay giá trị bong bóng; phải có bước thăm dò thị trường xem IPO có được mong đợi hay không, nếu thị trường không "mặn mà" thì phải xem lại...
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng tăng thời gian công bố thông tin, kế hoạch CPH, IPO để họ có thời gian xem xét chuẩn bị nhiều hơn.
Ông Tiến cho biết, đây cũng là một giải pháp kỹ thuật mà UBCKNN sẽ đưa ra. Các Sở giao dịch chứng khoán khi nhận hồ sơ phải rà soát lại, nếu đủ điều kiện để IPO, trong đó có điều kiện về công bố thông tin thì mới được làm.
Về nguyên tắc hiện nay với DNNN, không phải khi CPH mới công khai thông tin mà vừa qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đã có một chương quy định bắt buộc về minh bạch, công khai thông tin như DN đại chúng. Từ năm 2014 tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước, thì DN phải thực thi công khai, minh bạch.
Để nhà đầu tư nắm bắt thông tin khi DN tiến hành IPO, các nhà đầu tư vừa qua đã đề nghị Chính phủ định kỳ công bố thông tin về DN chuẩn bị CPH. Theo ông Tiến, việc công khai danh mục và thông tin về DN chuẩn bị CPH sẽ là một nội dung quan trọng trong công tác CPH.
"Theo đó, các bộ, ngành phải chủ động về công tác này. Năm 2014, điều này chưa làm được vì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trong đó mở rộng thêm những DN đã CPH rồi mà Nhà nước nắm giữ dưới 65%, xét thấy không cần thiết nắm giữ, thì sẽ cho phép thoái vốn hết. Còn những DN hiện nay theo phê duyệt của Chính phủ là giữ ở mức chi phối, nhưng theo Quyết định 37 không cần thiết nữa thì tiếp tục rà soát để đưa vào danh mục sẽ tiến hành CPH", ông Đặng Quyết Tiến nói.
Trong năm 2015, Chính phủ sẽ tính toán công bố danh mục để các nhà đầu tư tìm hiểu trước. Một mặt các DN phải chủ động, mặt khác các nhà đầu tư trên cơ sở dựa trên danh mục của Chính phủ công bố sẽ chủ động tìm đến, tạo thêm cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam.