MSN và KDC lao dốc, một mình BID không thể cứu thị trường

(NDH) Thông tin bất ngờ được thêm vào danh mục của FTSE tiếp tục hỗ trợ BID giúp cổ phiếu này bứt phá mạnh ở phiên hôm nay và là nhân tố chủ chốt giúp chỉ số VN-Index không giảm quá sâu.

Về cuối phiên giao dịch, lực cầu tiếp tục sụt giảm, trong khi đó, lực bán giá thấp có phần gia tăng và khiến nhiều cổ phiếu lớn trên thị trượng lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Đáng chú ý, mã MSN phiên hôm nay giảm mạnh tới 3.000 đồng xuống còn 78.000 đồng/CP (lệnh thỏa thuận của MSN vẫn dừng lại như ở phiên sáng, đạt hơn 5,5 triệu cổ phiếu).

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác là VNM, STB, GAS, KDC, PVD, PVS, SHB… cũng đồng loạt giảm giá và tạo áp lực lớn khiến cả hai chỉ số quay đầu giảm điểm trở lại. Khép phiên giao dịch, VNM giảm 1.500 đồng xuống còn 97.000 đồng/CP. KDC cũng giảm tới 900 xuống 23.800 đồng/CP.

Chiều ngược lại, sắc xanh hiếm hoi vẫn còn được duy trì khá tốt trên một số cổ phiếu lớn như BID, CTG, VCB, SSI, VIC và ACB. Đáng chú ý, BID là cổ phiếu ‘mạnh mẽ’ nhất trong phiên hôm nay với mức tăng 800 đồng lên 23.800 đồng/CP và khớp lệnh gần 2,2 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, việc SSI không bị loại khỏi danh mục đầu tư lần này của FTSE đã giúp cổ phiếu này có mức tăng 200 đồng lên 24.700 đồng/CP.

Giao dịch khớp lệnh trên thị trường ở phiên hôm nay vẫn diễn ra rất ảm đạm. Thanh khoản trên sàn HOSE có phần cái thiện so với các phiên trước là nhờ vào việc bùng nổ của giao dịch thỏa thuận (hơn 689 tỷ đồng), trong khi đó, giao dịch khớp lệnh chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch trên HNX đạt hơn 313 tỷ đồng.

Cuối phiên giao dịch, thị trường ghi nhận thêm lệnh thỏa thuận với khối lượng lớn của PTC (1,1 triệu cổ phiếu) và NVB (1,58 triệu cổ phiếu).

Mã FLC giảm 200 đồng xuống 6.400 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 4,7 triệu đơn vị. Tương tự, TIG giảm 400 đồng xuống 10.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/7, chỉ số VN-Index giảm 1,88 điểm (-0,34%) xuống còn 554,93 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 130 mã giảm và 112 mã đứng giá.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,33 điểm (-43%) xuống còn 75,99. Toàn sàn có 67 mã tăng, 92 mã giảm và 208 mã đứng giá.


Tâm lý thận trọng vẫn tiếp tục bao trùm thị trường. Lực cầu trên thị trường đã có dầu hiệu yếu đi đã khiến đà tăng của một số cổ phiếu trụ cột như BID, SSI, VCB, CTG... bị thu hẹp đáng kể. Khép phiên sáng, BID tăng 800 đồng lên 23.800 đồng/CP và là nhân tố chủ chốt giúp chỉ số VN-Index duy trì được sắc xanh nhẹ. Trong khi đó, SSI chỉ còn tăng 200 đồng lên 24.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các mã như CTG, BVH, VCB, VIC… đều có được mức tăng giá nhẹ. Đáng chú ý, sau khi giao dịch ảm đạm với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu, tới cuối phiên sáng, GAS tăng 300 đồng lên 46.200 đồng/CP.

Chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn khác là VNM, STB, MSN, PVD, HAG… đều đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, HAG giảm 14.600 đồng/CP. Được biết, trong hơn 1 tháng qua (kể từ đầu tháng 7), HAG đã bị khối ngoại bán ròng gần 940,4 tỷ đồng.

Thanh khoản trên HOSE phiên sáng nay bất ngờ vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng, tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận đã chiếm tới hơn 1 nửa, đạt hơn 601 tỷ đồng. Đáng chú ý, MSN bất ngờ có thỏa thuận hơn 5,5 triệu cổ phiếu ở mức giá 77.500 đồng/CP, với giá trị lên tới hơn 428,98 tỷ đồng.

Mã RAL tăng 300 đồng lên 46.000 đồng/CP và có thỏa thuận lên tới hơn 2,36 triệu cổ phiếu ở mức giá 48.300 đồng/CP, với giá trị giao dịch đạt trên 114 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là giao dịch thoái vốn của SCIC. Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước, cổ đông lớn thứ 2 của Rạng Đông đã đăng ký thoái toàn bộ cổ phiếu năm giữ từ ngày 7/9 đến ngày 3/10. Số lượng cổ phiếu SCIC đăng ký bán trùng khớp với khối lượng cổ phiếu RAL đã giao dịch thỏa thuận ngày hôm nay.

Ngoài ra, VHG tăng 300 đồng lên 8.100 đồng/CP và cũng có thỏa thuận 1,52 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VHG cũng là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE ở phiên sáng, đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Kết phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,52 điểm (0,27%) lên 558,34 điểm. Toàn sàn có 77 mã tăng, 90 mã giảm và 143 mã đứng giá.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,04 điểm (0,05%) lên 76,35 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 75 mã giảm và 236 mã đứng giá.

Phiên sáng nay, giao dịch trên sàn HNX tiếp tục diễn ra ảm đạm, thanh khoản chỉ đạt vỏn vẹn hơn 134,6 tỷ đồng. Mã TIG và KLF là hai cổ phiếu hiếm hoi khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, với sự trợ giúp của các mã như ACB, VND, PGS… nên chỉ số HNX-Index đã đảo chiều tăng nhẹ trở lại.


Cuối tuần qua, FTSE đã công bố kết quả review, trong kỳ điều chỉnh danh mục quý III/2015, FTSE Vietnam Index đã thêm ba cổ phiếu là BID, PDR và TTF vào danh mục lần này, trong khi không có mã nào bị loại.

Bước vào phiên giao dịch mới, cổ phiếu BID đang bứt phá rất mạnh với mức tăng 1.300 đồng (5,7%) lên 24.300 đồng/CP. Tương tự, TTF cũng đang tăng mạnh 400 đồng (2,4%) lên 17.300 đồng/CP. Trong số ba cổ phiếu được FTSE thêm vào danh mục lần này thì chỉ có PDR đang giảm giá. Hiện tại, mã này đang giảm 200 đồng xuống còn 15.700 đồng/CP.

Bên cạnh đó, với việc kịp thời nới room nên SSI đã không bị loại khỏi FTSE. Hiện tại, SSI đang tăng 400 đồng lên 24.900 đồng/CP.

Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE như VCB, MBB, KDC, CTG, BVH… đã nhích lên trên mốc tham chiếu và giúp chỉ số VN-Index tăng điểm.

Chiều ngược lại, với việc thiếu vắng sự hỗ trợ từ các cổ phiếu có tính dẫn dắt nên chỉ số HNX-Index vẫn đang giảm điểm nhẹ.

Với những diễn biến khá khó lường của thị trường ở tuần giao dịch trước, cùng với đó, việc khối nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng. Giao dịch trên thị trường trong khoảng thời gian đầu của phiên hôm nay tiếp tục diễn ra ảm đạm, thanh khoản hai sàn ở mức rất thấp. Sau 30 phút giao dịch vẫn chưa có mã nào khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.

Lúc 9h30, chỉ số VN-Index đứng ở mức 559,8 điểm, tức tăng 2,99 điểm (0,54%). Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt gần 6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị là hơn 91,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,21%) xuống còn 76,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 2,28 triệu cổ phiếu, trị giá trên 19,8 tỷ đồng.

VCBS cho rằng thị trường vẫn sẽ chưa sớm tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn. Tâm lý nhà đầu tư chưa nhận được các yếu tố hỗ trợ tích cực khiến cho hai chỉ số nhiều khả năng đi ngang tích lũy và tìm kiếm mặt bằng giá mới. Mặc dù vậy, thanh khoản có thể sẽ cải thiện trong 2 tuần tiếp theo khi kỳ cơ cấu tháng 9 của hai quỹ ETF là VNM và FTSE diễn ra. Theo đó, VCBS cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên duy trì quan điểm thận trọng và tránh nâng tỷ trọng danh mục tại thời điểm hiện tại. Đứng ngoài quan sát nên được ưu tiên khi diễn biến của thị trường chưa bộc lộ rõ xu hướng. Đối với các nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, các cổ phiếu được vảo rổ ETF lần này có thể là cơ hội giao dịch T+ với mức lợi suất kỳ vọng thấp.

>>> Xem thêm: HAG: Giá cổ phiếu giảm 23%, ngoại bán - nội cũng không 'mặn mà'