Một Thông tư khiến DN Việt bị nước ngoài o ép

Theo phản ánh của ông Nông Văn Hiệp, chủ cơ sở sản xuất nút áo xuất khẩu 9999 ở Đồng Nai, Thông tư 01/2013/TT-BTNMT đang gây khó cho doanh nghiệp, bởi việc đưa vỏ sò, vỏ ốc vào danh mục phế liệu đã làm giảm giá trị của sản phẩm khi doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Hiệp cho rằng, vỏ sò, vỏ ốc nhập khẩu không phải là phế liệu thu gom về rồi xuất sang Việt Nam, mà là sản phẩm của các doanh nghiệp ở nước ngoài đã qua sản xuất và xuất khẩu.

Vỏ sò, ốc trước khi xuất khẩu đã trải qua quy trình sản xuất và xử lý để đảm bảo những quy định của nước xuất khẩu, chứ không phải là sản phẩm hay vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất và tiêu dùng, như khái niệm về phế liệu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.

Khi mua nguyên liệu vỏ sò, vỏ ốc thì doanh nghiệp phải mua với giá tính cho sản phẩm, hàng hóa. Còn khi xuất khẩu thành phẩm từ vỏ sò, ốc thì giá xuất khẩu lại bị khách hàng "ép giá" do hàng có nguồn gốc từ phế liệu.

Đây thực sự là khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc đàm phán giá với khách hàng. Thực tế cho thấy, các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới không hề muốn sản phẩm của mình có chi tiết nào làm từ phế liệu.

Bên cạnh việc bị giảm giá trị xuất khẩu thì quy định xếp vỏ sò, ốc vào danh mục phế liệu cũng làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan.

Đối với các công ty nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đang được điều chỉnh bởi Thông tư 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 của Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã phát sinh thêm các thủ tục liên quan đến lĩnh vực hải quan và tài nguyên - môi trường.

Chẳng hạn, doanh nghiệp phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Theo đó, doanh nghiệp phải làm hồ sơ nộp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở cũng phải cử đoàn cán bộ đi thẩm định tại cơ sở. Nếu không may, chỉ do một sai sót nhỏ về mặt hành chính, giấy tờ, thì doanh nghiệp sẽ không được cấp Giấy chứng nhận.

Hơn nữa, doanh nghiệp còn bị điều chỉnh bởi Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Theo đó, doanh nghiệp vẫn phải làm báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Đối với lĩnh vực hải quan, khi nhập phế liệu thì ngoài các giấy tờ theo quy định của ngành Hải quan, doanh nghiệp còn phải bổ sung các giấy tờ theo Điều 9 của Thông tư 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT. Để thông quan còn phải tuân thủ quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

Vì thế, để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Hiệp đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại tính chất vật lí, hóa học của vỏ sò, ốc biển mà đưa vỏ sò, ốc ra khỏi danh mục là phế liệu, không nên xếp vỏ sò chung với các loại phế liệu khác.

Cổng TTĐT Chính phủ đã chuyển phản ánh trên đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, trả lời theo quy định và sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này khi nhận được phản hồi cơ quan chức năng.