Một tháng sau quyết định nới room, chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới

(NDH) Quyết định nới room của Chính phủ vào cuối tháng 6/2015 đã thúc đẩy mạnh khối lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp Việt Nam vươn lên đứng đầu danh sách các thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Giao dịch tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn tháng 7/2015. Ảnh NDH.VN

Khối ngoại mua ròng tăng đột biến

Tròn 1 tháng sau khi Chính phủ đưa ra Nghị định 60/2015/NĐ-CP về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, họ đã liên tiếp mua vào cổ phiếu trên thị trường niêm yết của Việt Nam với khối lượng tăng vọt.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, trong 20 phiên giao dịch của 1 tháng qua, khối ngoại đã mua ròng 17 phiên trong khi chỉ bán ròng 3 phiên, tính chung cho cả 2 sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Phiên mua ròng nhiều nhất đạt giá trị 457,2 tỷ đồng, ghi nhận ngày 26/6/2015 – đúng ngày công bố Nghị định 60.

Tổng khối lượng mua ròng trong kỳ đạt 2.008,5 tỷ đồng, tương đương 92,7 triệu USD tính theo tỷ giá hiện tại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trung bình 100,4 tỷ đồng/ngày trong giai đoạn từ ngày 26/6 đến 26/7, cao gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình 41,1 tỷ đồng/ngày ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.

Con số này cũng cao hơn mức trung bình hàng ngày của tất cả các tháng từ đầu năm, cho thấy quyết định của Chính phủ đang có tác động lan tỏa thực sự đến các nhà đầu tư quốc tế.

VN-Index tăng mạnh nhất thế giới

Chỉ số VN-Index khép lại tuần trước ở mức 631,26 điểm. Như vậy, chỉ số này đã giành được 7,4% kể từ khi Chính phủ quyết định bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành nghề.

Theo số liệu của Indexq, tính giá trị của các chỉ số chứng khoán thế giới trong vòng 1 tháng (từ 24/6 đến 24/7), chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 7%, đưa Việt Nam trở thành thị trường tăng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn trên, xếp trên thị trường Đan Mạch, Séc và Thụy Sĩ.

Xét trong vòng 3 tháng qua, VN-Index cũng có mức tăng mạnh nhất, đứng trên các thị trường Mông Cổ, Trung Quốc và Abu Dhabi.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng 15,7%, gần gấp 2 lần mức tăng 8,1% của năm 2014 và đang giúp chứng khoán Việt Nam hướng tới năm thứ ba tăng trưởng liên tiếp.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 58

Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, được ban ngày 26/6/2015. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2015, trong đó có nhiều điểm mới so với Nghị định 58 như sau:

- Quy định room và nới room cho ĐTNN ở công ty đại chúng: tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng phụ thuộc vào (i) Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, (ii) Pháp luật về đầu tư liên quan, hoặc (iii) Nếu không thuộc các trường hợp trên thì tỷ lệ sở hữu là không hạn chế trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.

- Quy định room ĐTNN ở các Công ty chứng khoán: NĐT có vốn nước ngoài được thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp để sở hữu KHÔNG HẠN CHẾ vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Nghị định cũng quy định điều kiện các tổ chức nước ngoài có thể sở hữu trên 51%. Với các trường hợp không đáng ứng đủ điều kiện thì chỉ được sở hữu dưới 51%. Nghị định cũng quy định các điều kiện để công ty chứng khoán đáp ứng khi cung cấp chào bán chứng quyền có bảo đảm là nhằm bước đầu triển khai loại hình sản phẩm chứng khoán phái sinh.

- Quy định chi tiết về nội dung phát hành riêng lẻ: Nghị định 60 sẽ tăng tính minh bạch của TTCK, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thông qua việc quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn.

- Quy định phát hành ra công chúng: Công ty sau khi cổ phần hóa hoặc chào bán ra công chúng phải đăng ký lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCom. Công ty Nhà nước cổ phần hóa sớm thực hiện việc đưa cổ phiếu lên giao dịch, tạo thanh khoản cho cổ phiếu sau khi IPO, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tăng quy mô của TTCK niêm yết.

(Theo BSC Research)