Đây là nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn.
Hết Quý 1-2015, SCIC đã bán thành công 22 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn Nhà nước tại 20 doanh nghiệp, bán bớt vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp, thu về 844 tỷ đồng trên giá vốn 253,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,3 lần. Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, SCIC thực hiện nắm giữ vốn gần 100 doanh nghiệp và phải bán vốn trên 200 doanh nghiệp.
Tính từ khi SCIC thành lập đến nay, số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công qua SCIC là 746 doanh nghiệp (trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 678 doanh nghiệp, bán bớt vốn nhà nước tại 68 doanh nghiệp), với doanh thu bán vốn đạt 7.202 tỷ đồng trên giá vốn 3.151 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,3 lần.
"Theo quy định tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước, SCIC được bán cổ phần tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thấp hơn mệnh giá. Cơ chế này tạo sự linh hoạt, dễ dàng hơn khi bán vốn. Nhưng khó khăn là rất lớn khi có doanh nghiệp, SCIC chỉ bán với giá có 500 đồng/cổ phần"- ông Hoàng Nguyên Học nói.
Mặt khác, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã giao cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực Ngân hàng, Bảo hiểm và mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp cổ phần hoá. Hiện đã có 12 tập đoàn, tổng công ty như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tổng công ty Hàng Hải, Tập đoàn Than- Khoáng sản...cung cấp thông tin để SCIC xem xét mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm. Ngoài ra, SCIC đang phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị để nghiên cứu tham gia mua cổ phần lần đầu trở thành cổ đông khi tiến hành cổ phần hoá cảng Cửa Việt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quyết định 51 về việc mua lại vốn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, SCIC đã gặp một số khó khăn như: Theo Quyết định 51, việc thoái vốn Nhà nước tại ngân hàng thương mại tập trung vào đầu mối Ngân hàng Nhà nước nên việc SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực ngân hàng là rất hạn chế. Là do SCIC chỉ có thể tham gia trong trường hợp ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước dưới 5%; Sau khi thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành, thoái vốn dưới giá trị sổ sách và dưới mệnh giá nhưng không thành công và được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận.
Ngoài ra, ông Hoàng Nguyên Học chỉ ra bất cập khi SCIC thực hiện quy định tham gia mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp cổ phần hoá như: Theo Quyết định 51, đối tượng SCIC tham gia mua cổ phần lần đầu rất rộng, bao gồm toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty và các công ty con thực hiện cổ phần hoá theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Nhưng thực tế doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hoá gặp khó khăn như: Không có nhà đầu tư chiến lược, bán không hết... và IPO không thành công thì Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp mới thông báo đề nghị SCIC xem xét mua lại. Do đó, phần lớn doanh nghiệp cổ phần hoá đề nghị SCIC mua lại có thể là những doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp và không có sức hút đối với thị trường.
Để giải quyết vướng mắc này, SCIC đề xuất Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để làm cơ sở cho SCIC xây dựng Quy chế tham gia mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp cổ phần hoá và mua lại vốn nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế bán vốn, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nên cho phép SCIC được áp dụng cơ chế không cần phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với phương thức bán cổ phần tại công ty đại chúng niêm yết. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng thương mại.