Môi giới chứng khoán Mỹ tìm đường đến Việt Nam

Sau 6 năm làm việc tại New York và Hong Kong, Patrick Mitchell bỏ công việc vừa vất vả, hoa hồng lại đang giảm để tìm đến công ty mà hầu hết đồng nghiệp chưa bao giờ nghe đến - Công ty chứng khoán VinaSecurities.

Anh hiện là trưởng bộ phận khách hàng tổ chức của công ty, sống trong một biệt thự ít nhất cũng phải to gấp 5 lần căn nhà ở Hong Kong (Trung Quốc). Nhiệm vụ của anh là giúp quản lý dòng vốn nước ngoài đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm liên tiếp 3 năm qua.

"Tôi muốn làm con cá to trong cái ao nhỏ. Khi còn ở Hong Kong, tôi biết có khoảng 100 người nước ngoài nữa cũng làm môi giới như mình, nhưng chỉ đủ sống chứ chẳng tiết kiệm được gì", anh cho biết trên Bloomberg. Mitchell năm nay 30 tuổi, sinh ra tại Chicago (Mỹ), từng làm việc cho Cantor Fitzgerald & Co và Reorient Financial Markets.

Tại Việt Nam, Mitchell có nhiều cơ hội hơn. Ít nhất 5 công ty môi giới đang tìm kiếm lãnh đạo nước ngoài. Và ít nhất 5 công ty khác đã dùng giám đốc ngoại trong 8 năm qua.

chung-khoan-6353-1423621496.jpg

Chứng khoán Việt Nam đã thu hút nhiều nhân lực ngoại trong thời gian qua. Ảnh: Bloomberg

Nhu cầu nhân lực ngoại đã phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của nhà đầu tư quốc tế. Họ đã mua ròng cổ phiếu Việt Nam suốt 9 năm qua và sẽ tăng tỷ lệ sở hữu nếu Chính phủ nới lỏng quy định hiện tại.

Nnhân viên môi giới từ phương Tây sẽ tạo được mối quan hệ tốt hơn với các giám đốc quản lý quỹ nước ngoài, do sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa, ông Nguyễn Lâm Dũng - CEO công ty chứng khoán VPBank cho biết. Năm ngoái, công ty này cũng đã tuyển người nước ngoài vào vị trí lãnh đạo bộ phận khách hàng tổ chức.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất mới mẻ so với các nơi khác. Dù các ứng cử viên trong nước cũng khá giỏi, họ lại thường thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, ứng viên từ các nước phát triển có lợi thế hơn", ông nhận xét.

VNDirect là công ty môi giới chứng khoán lớn thứ 4 Việt Nam. Họ đã tìm lãnh đạo nước ngoài hơn 7 tháng nay, nhằm hiện thực hóa mục tiêu doanh thu từ mảng khách hàng tổ chức đóng góp 20% tổng trong 2 năm tới. Tỷ lệ này năm ngoái chỉ là 5%.

"Chúng tôi thích các nhân viên môi giới nước ngoài. Vì họ thường chuyên nghiệp và kinh nghiệm hơn. Quản lý danh mục đầu tư của khách hàng tổ chức chưa bao giờ là việc đơn giản", ông Nguyễn Hoàng Giang - CEO VNDirect cho biết.

VN-Index đã tăng 5,3% năm nay. Còn tính từ cuối năm 2011, mức tăng này là 63%. Đây là tốc độ khá cao so với 26% của MSCI Frontier Markets (cho các thị trường sơ khai) và MSCI World Index (cho các thị trường phát triển).

Dù vậy, giá trị giao dịch trên sàn vẫn còn thấp so với các nước láng giềng. Con số này tại sàn TP HCM là trung bình 2.200 tỷ đồng (103 triệu USD) một ngày năm ngoái. Trong khi đó, sàn Hong Kong là 8,9 tỷ USD. Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam năm 2014 là 136 triệu USD, cũng khá thấp so với 3,76 tỷ USD của Indonesia và 1,25 tỷ USD của Philippines.

Bên cạnh đó, thị trường nhỏ hơn cũng có nghĩa thu nhập sẽ không bằng. Đây là thách thức với các công ty Việt Nam muốn tuyển nhân viên ngoại, ông Giang cho biết. Những người này thường yêu cầu mức lương khoảng 100.000 USD mỗi năm, hơn gấp đôi nhân viên trong nước.

"Con số đó là quá nhiều. Chúng tôi sẵn sàng trả lương cao, nhưng sẽ không cao đến chuẩn mực quốc tế mà họ kỳ vọng, vì thanh khoản tại đây làm sao so với các thị trường khác được", ông Giang cho biết. Để bù lại, ông đã dùng thêm quyền chọn cổ phiếu để trả cho nhân viên.

Dòng tiền vào Việt Nam có lẽ sẽ tăng tiếp khi nới lỏng các quy định đầu tư của khối ngoại, ông Đặng Trần Hải Đăng - Giám đốc Nghiên cứu tại công ty chứng khoán Maritime Bank cho biết. Việt Nam đang xem xét đề nghị nâng trần sở hữu nước ngoài với cổ phiếu có quyền biểu quyết tại các công ty niêm yết từ 49% lên 60%, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tháng 12 năm ngoái. Một dự thảo được đưa lên website của cơ quan này tháng trước cũng cho biết nhà đầu tư ngoại có thể đầu tư không hạn chế vào cổ phiếu không có quyền biểu quyết.

Tại công ty chứng khoán MB,doanh thu từ dịch vụ môi giới đã tăng lên 120,5 tỷ đồng năm ngoái, từ 6,9 tỷ năm 2013, theo báo cáo tài chính đăng tải trên website. Họ đã tuyển một nhân viên môi giới ngoại vào vị trí trưởng bộ phận khách hàng tổ chức tại TP HCM từ năm ngoái, và đang tìm một ứng viên tương tự cho vị trí tại Hà Nội, Chủ tịch công ty - bà Cao Thị Thúy Nga cho biết.

Còn với Mitchell, thu nhập thấp tại Việt Nam hoàn toàn có thể bù đắp được, do chi phí sinh hoạt thấp và tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Một buổi tối dạo chơi ở Hong Kong có thể khiến anh tiêu tốn 200 USD, nhưng ở TP HCM thì chỉ mất một phần mười.

"Thu nhập tổng không thể so với mức lương 6 chữ số tại các thị trường phát triển được. Nhưng làm việc tại thị trường sơ khai chính là chúng tôi đang đặt cược vào sự phát triển kinh tế ở đây trong tương lai", Mitchell cho biết.