MobiFone sẽ nhảy vào bán lẻ, truyền hình

Tổng công ty Viễn thông MobiFone xác định 4 lĩnh vực lớn, sẽ tập trung kinh doanh trong thời gian tới là Di động, Truyền hình, Bán lẻ và Đa phương tiện.

MobiFone, Bộ TT&TT
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại sự kiện. Ảnh: T.S

Chiến lược này vừa được công bố tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone lần thứ nhất, diễn ra sáng nay, 27/7.

Bên cạnh đó, đại hội đã tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2010-2015, phân tích đánh giá, biểu dương nhiều tập thể và cá nhân có đóng góp cho Tổng Công ty MobiFone trong thời kỳ qua. Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để rút ra những kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2010-2014, MobiFone đã có những kết quả kinh doanh ấn tượng, như Tổng doanh thu đạt hơn 191.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 8%/năm), tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 33.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 6%/năm) và tổng số nộp ngân sách gần 23.000 tỷ đồng.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV thẳng thắn cho rằng, Tổng công ty đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ 2015-2020, đòi hỏi từ Ban lãnh đạo cho đến toàn bộ nhân viên đều phải "nhìn thẳng vào sự thật", "nêu cao tinh thần trách nhiệm", "đoàn kết đồng lòng".

Mục tiêu của MobiFone trong nhiệm kỳ 2015-2020 được xác định là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, đến năm 2020 đạt doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế bình quân hàng năm tăng 3-5%, nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 5%/năm, năng suất lao động bình quân tăng 6%/năm; Thực hiện cổ phần hóa MobiFone theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Đại hội cũng xác định cần nhanh chóng xây dựng hệ thống kênh phân phối rộng về quy mô, chất lượng; Tiếp tục giữ vững và tăng thị phần của MobiFone. Đồng thời, MobiFone cũng mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài bằng phương thức phù hợp trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá cao những thành tựu mà MobiFone đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015 như vừa hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng cao, có tỷ trọng đóng góp lớn về doanh thu và lợi nhuận, vừa tái cơ cấu mạnh mẽ, cơ bản ổn định tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định đây là một minh chứng thành công lớn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

"Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu, tách Công ty Thông tin di động ra thành một nhà mạng độc lập với Tập đoàn VNPT, thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone và đưa Tổng công ty đi vào hoạt động với tư cách pháp nhân mới, với Điều lệ mới, với ngành nghề hoạt động được mở rộng hơn trước - tương đồng với ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn VNPT và Viettel cũng góp phần quan trọng vào việc hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh với 3 doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trên phạm vi toàn quốc và từng bước vươn ra thế giới", ông phân tích.

Nhưng cũng đồng quan điểm với Chủ tịch HĐTV Lê Nam Trà, Bộ trưởng khuyến nghị rằng nhiệm vụ phía trước của MobiFone còn rất nặng nề. "Cùng với nhiều thời cơ, thuận lợi mới thì có cả những thách thức lớn đang chờ", để có thể tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, để xứng đáng là một Tổng công ty Viễn thông hạng đặc biệt, để thực sự trở thành một trong 3 trụ cột của thị trường viễn thông Việt Nam.

Tập trung vào giải pháp

Cụ thể, về công tác chiến lược sản xuất - kinh doanh: Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng đề nghị Đảng bộ cần quan tâm hàng đầu đến việc "chỉ đạo xây dựng chiến lược, định hướng đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ, đảm bảo có trọng tâm trọng điểm để dần tạo ra được dấu ấn riêng trên thương trường so với các đối thủ cạnh tranh. Củng cố tổ chức bộ máy, sắp xếp, bồi dưỡng nguồn nhân lực, mở rộng đầu tư phát triển mạng lưới, hạ tầng kỹ thuật sao cho tương xứng với quy mô hiện tại, với yêu cầu cạnh tranh bình đẳng cùng các Tập đoàn trong ngành".

MobiFone, Bộ TT&TT
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty MobiFone Lê Nam Trà. Ảnh: T.S

Có thể nói, đây là một một thách thức lớn đối với MobiFone sau khi tách ra hoạt động độc lập, với nguồn lực hạn chế hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Do vậy, Tổng công ty rất cần xác định chính xác thứ tự ưu tiên trong đầu tư phát triển và Đảng bộ cần đầu tư thời gian thích đáng để lãnh đạo, tạo được sự đồng thuận cao nhất trong toàn Đảng bộ, trước hết trong Hội đồng thành viên, trong Ban Tổng Giám đốc điều hành để nhiệm vụ khó khăn nhưng cấp bách này đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với vấn đề nhân sự, cơ cấu tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho rằng việc đổi mới tổ chức SXKD là việc cần làm thường xuyên ở bất kỳ doanh nghiệp năng động nào. Nhưng bên cạnh đó, MobiFone còn cần đầu tư và phát triển nhiều hạ tầng, dịch vụ mới, mở rộng quy mô trong thời gian tới. "Đảng bộ cần quan tâm chỉ đạo, thường xuyên đánh giá sự phù hợp của cơ cấu tổ chức bộ máy với tình hình thực tế để luôn đảm bảo sự tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, tạo ra sự năng động và chủ động cho cấp thực thi, cấp cơ sở".

Thứ ba, về cơ chế điều hành: Đảng bộ cần quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt các Quy chế làm việc của Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về phân công, phân cấp trách nhiệm và quyền hạn trong tổ chức hoạt động của Tổng công ty. Bảo đảm minh bạch, rõ ràng, hiệu quả mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đàng uỷ, chỉ đạo của Hội đồng thành viên và công tác điều hành của Ban Tổng giám đốc.

Thứ tư, về công tác cổ phần hóa, Bộ trưởng tái khẳng định cần được triển khai chặt chẽ, thận trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Liên quan đến các chỉ tiêu và các giải pháp sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng đánh giá Dự thảo Báo cáo chính trị hầu như chưa đề cập nhiều đến các giải pháp tối ưu hóa chi phí; nâng cao hiệu quả đầu tư; tạo hệ sinh thái dịch vụ tạo nguồn doanh thu, nuôi dưỡng nguồn thu,….. đây là những nội dung mà Đảng ủy Tổng công ty cần nghiên cứu, bổ sung vào Nghị quyết Đại hội để đảm bảo sự phát triển bền vững cho MobiFone trong nhiệm kỳ mới.

Đối với các khâu quản trị doanh nghiệp, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, MobiFone cần chủ động hơn trong R&D, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp và SXKD để tăng năng suất lao động; Tiếp tục đổi mới cơ chế đánh giá và đãi ngộ người lao động để tạo động lực làm việc; Công tác tuyển dụng, bố trí công việc cần thực hiện công khai minh bạch....