MHC: Khi gã thợ săn trở thành con mồi

(NDH) Là doanh nghiệp chủ động huy động vốn để sẵn sàng thực hiện đầu tư tài chính vào các công ty cùng ngành nhưng chính MHC lại đang trở thành đối tượng bị thâu tóm. Buổi họp sắp tới sẽ lấy ý kiến cổ đông cho phép STG mua 65% vốn MHC mà không cần chào mua công khai.

Từ kế hoạch đầu tư tài chính chuyên ngành…

Các doanh nghiệp logistics được đánh giá sẽ là đối tượng hưởng lợi từ tiến trình hội nhập của Việt Nam nhưng cũng đồng thời phải đối diện với thách thức cạnh tranh khi các doanh nghiệp ngoại đổ bộ vào ngành. Một trong các chiến lược cũng đang được doanh nghiệp logistics nội tích cực thực hiện đó là liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành.

Cuối năm 2014, MHC đã phát hành cổ phiếu tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 135,5 tỷ đồng lên 271 tỷ đồng. Đợt phát hành tăng vốn khá thành công khi có tới 86% cổ phần được chào bán cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số cổ phần phát hành cuối cùng đã được phân phối hết. Mục tiêu ban đầu là sử dụng vốn thu được để nâng cấp hệ thống kho bãi làm dịch vụ logistics phía sau hệ thống cảng khu vực Hải An, mua sắm xe tải, xe nâng và bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên sau đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, MHC đã thay đổi mục đích sử dụng vốn, chuyển sang đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp ưu tiên hoạt động trong lĩnh vực logistics và bổ sung vốn lưu động.

Tính tới đầu tháng 9/2015, nửa năm sau đợt phát hành, MHC đã rót hơn 22 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Hải Minh (mã HMH - HNX) qua đó trở thành cổ đông lớn nắm giữ hơn 8% vốn của doanh nghiệp này. Sắp tới, MHC sẽ đề xuất trình cổ đông thay đổi mục đích sử dụng vốn một lần nữa. Toàn bộ vốn sẽ được chuyển sang để đầu tư tài chính chuyên ngành.

Mặc dù lượng tiền mặt còn khá “rủng rỉnh”, nhưng MHC lại tiếp tục lên kế hoạch huy động vốn để đầu tư tài chính chuyên ngành, mua nắm giữ tỷ lệ lớn để kiểm soát doanh nghiệp.

MHC dự kiến phát hành 13,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 2:1. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị phủ quyết. Một cổ đông cá nhân đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 50% cổ phần cho rằng việc tăng vốn là chưa cần thiết. Trước khi buổi Đại hội này được diễn ra, cơ cấu cổ đông của MHC đã có những thay đổi lạ.

… trở thành đối tượng bị thâu tóm

Từ một doanh nghiệp không cổ đông lớn (thời điểm cuối năm 2014), hàng loạt tổ chức đã mua vào và thông báo trở thành cổ đông lớn của MHC. Đầu năm 2015, sau khi MHC phát hành tăng vốn, công ty có hai cổ đông lớn là CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB (12,56%) và Quỹ Japan Asia MB Capital (8,74%). MB Capital hiện đã không còn là cổ đông của MHC.

Cổ phiếu MHC đã có phiên giao dịch bất thường vào ngày 21/9 khi hơn 46% cổ phần MHC được giao dịch thỏa thuận giá trần. Danh sách cổ đông lớn từ đó đến nay đã có sự xuất hiện của hàng loạt tên mới như CTCP Chứng khoán IB (trở thành cổ đông lớn từ tháng 7/2015 và tăng sở hữu lên hơn 19% từ 21/9), CTCP Kho vận miền Nam (STG) cùng một số cổ đông mới Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (SCI) và CTCP SCI (S99).

STG cũng là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Hai thành viên HĐQT của STG hiện đã tham gia vào HĐQT của MHC. ĐHĐCĐ tới đây, MHC sẽ đề xuất cổ đông thông qua việc lựa chọn STG làm đối tác chiến lược và chấp thuận cho Công ty Cổ phần Kho vận Miền nam được mua thêm số cổ phần của cổ đông hiện hữu để sở hữu đến 65% vốn mà không phải thực hiện việc chào mua công khai.

Nếu mua được số cổ phần trên, STG sẽ là công ty mẹ của MHC. Mải mê với kế hoạch đầu tư tài chính chuyên ngành, dường như chính MHC lại trở thành đối tượng thâu tóm của các doanh nghiệp cùng ngành. Bản thân STG trong năm 2015 cũng có hàng loạt thay đổi sau cuộc thoái lui của cổ đông lớn nhất SCIC (sở hữu gần 48% vốn).

Về phía STG, công ty này vừa mới thực hiện xin ý kiến ĐHĐCĐ và đã được chấp thuận đề xuất đầu tư vào công ty con có ngành nghề kinh doanh phù hợp với tổng mức đầu tư tối đa là 800 tỷ đồng.

STG cũng đã lên kế hoạch huy động từ tổ chức hoặc cá nhân và phát hành trái phiếu không chuyển đổi với tổng giá trị tối đa 400 tỷ đồng, trong khi vốn của STG đến nay còn khá mỏng. Vốn điều lệ của công ty đến cuối quý II chỉ khoảng 145 tỷ đồng.

Thay máu HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, chỉ 1 thành viên cũ ở lại

Sau những biến động lớn về cơ cấu cổ đông, HĐQT của MHC cũng liên tục thay mới. HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020 mới được MHC bầu cách đây hơn nửa năm. Sau vỏn vẹn vài tháng, khi còn ‘chưa ấm chỗ’, các thành viên HĐQT đã lần lượt xin từ nhiệm.

Hiện chỉ còn duy nhất Chủ tịch HĐQT Chu Nguyên Bình là thành viên HĐQT do ĐHĐCĐ bầu còn đang tại vị. Bốn thành viên mới gồm hai nhân sự do VIX đề cử gồm ông Đặng Tiến Thành, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Timescom Toàn Cầu và Timescom Khiết Phong và ông Phạm Văn Nguyên. Cùng với đó, có 2 nhân sự từ CTCP Kho vận miền Nam tham gia vào HĐQT của MHC là ông Lê Bá Thọ và ông Đỗ Hoàng Phương. Hai thành viên HĐQT của STG tham gia vào HĐQT của MHC cũng là những người mới, thế chân cho vị trí thành viên HĐQT của SCIC trước đây.

Ngoài ra, một thành viên HĐQT khác mới được bầu vào ngày 3/11 là ông Vũ Thanh Hải. Trước khi tham gia vào MHC, ông Hải cũng là thành viên HĐQT của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) do là đại diện phần vốn góp của CTCP Đầu tư và Vận tải Hải Hà.

Cùng với nhân sự HĐQT, vị trí Tổng giám đốc, người đứng đầu Ban điều hành, cũng đã được thay đổi. Ông Hoàng Duy Anh sau khi từ nhiệm HĐQT cũng đã không còn đảm nhận vị trí TGĐ từ ngày 3/11/2015 và giao lại vị trí trên cho ông Đặng Tiến Thành.

MHC có gì?

Tính tới thời điểm hiện tại, MHC chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015. Tuy nhiên, theo BCTC quý II, tổng tài sản của MHC đạt hơn 369 tỷ đồng. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi của MHC thời điểm này còn tới hơn 103 tỷ đồng.

Gần 33% tài sản của MHC là khoản đầu tư tài chính vào Vận tải và Xếp dỡ Hải An. HAH cũng là khoản đầu tư tài chính lớn của MHC. Đây là khoản đầu tư có hiệu quả của công ty. Cổ tức từ HAH cũng là nguồn đóng góp lớn vào lợi nhuận của MHC các năm gần đây.

Ở giai đoạn 2003-2009, MHC đã trực tiếp đầu tư phương tiện vận tải, container, xe nâng, xà lan, thuê tàu đẻ kinh doanh vận tải kho bãi. Tuy nhiên, những khó khăn trong ngành vận tải biển đã khiến MHC phải thực hiện tái cơ cấu, thanh lý và chuyển nhượng toàn bộ đội tàu để tránh rơi vào tình trạng phá sản. Thay vào đó, MHC chọn hướng đi đầu tư vào cảng Hải An thông qua góp vốn thành lập HAH vào năm 2010.

Với khối tiền lớn đang nắm giữ cùng các khoản đầu tư tài chính, đặc biệt là khoản đầu tư vào Hải An, MHC có sức hấp dẫn của riêng mình. Bên cạnh HAH, MHC còn đang sở hữu những công ty khác gồm Marina Hải Phòng (cung cấp dịch vụ vận tải bộ, khai thác cảng), Marina Logistics (cung cấp dịch vụ đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận hàng hóa). Các công ty này có kết quả kinh doanh khá tốt.

Tuy vậy một số công ty liên kết của MHC lại gặp khá nhiều khó khăn, báo lỗ trong năm 2014 như Công ty Quản lý và Kinh doanh BĐS (HPM), công ty do MHC nắm giữ 45,05% vốn, hiện đang cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà Ocean Park (số 1 Đào Duy Anh, Hà Nội) và Cty TNHH Hàng Hải Wallem Việt Nam.