MBB: Rủi ro pha loãng nếu phải tăng vốn điều lệ lên gấp 2 lần

MBB: Rủi ro pha loãng nếu phải tăng vốn điều lệ lên gấp 2 lần

(NDH) Với tham vọng trở thành một trong năm ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trong vòng 5 năm tới, Ngân hàng TMCP Quân Đội - MBB có thể sẽ phải tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, do đó sẽ có rủi ro về pha loãng cổ phiếu MBB trong thời gian tới.

Lợi nhuận quý I giảm nhưng vẫn hoàn thành 25% kế hoạch năm

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (mã MBB - HOSE) giảm 1,5% so với cùng kì đạt 797 tỷ đồng trong quý I năm 2015 do trích lập dự phòng tăng mạnh (quý I/2015: tăng 49% so với cùng kỳ; quý I/2014: tăng 31% của cùng kỳ) mặc dù thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh (quý I/2015: tăng 29% so với cùng kỳ; quý I/2014: giảm 1% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, MBB vẫn hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015 (kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 3.250 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2014).

Có thể phải tăng vốn điều lệ lên gấp đôi

MBB đặt mục tiêu trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam. MBB có trích lập dự phòng lớn (tỷ lệ trích lập dự phòng trên dư nợ cao -2,3% và tỷ lệ dự phòng trên tổng nợ xấu là 90%) và lợi nhuận cao (cụ thể: ROAE của công ty đạt 15,8% nếu so với mức trung bình ngành chỉ đạt 6,4%).

Mặt khác, với tham vọng trở thành một trong năm ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trong vòng 5 năm tới, Ngân hàng có thể sẽ phải tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, do đó sẽ có rủi ro về pha loãng cổ phiếu MBB trong thời gian tới.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tăng lên

Giá cổ phiếu đã tăng lên đáng kể trong những phiên giao dịch gần đây, có thể do việc định giá lại cổ phiếu MBB khi so với mức tăng giá mạnh mẽ của các cồ phiếu trong ngành gần đây (mặc dù MBB luôn giao dịch với giá thấp hơn so với định giá của toàn ngành) và có khả năng tỷ lệ được phép sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên căn cứ trên kế hoạch tăng vốn điều lệ và những thay đổi có thể về tỷ lệ được phép sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng.

MBB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng trong năm tài chính 2015, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước từ mức 11.594 tỷ đồng trong năm 2014 thông qua 348 tỷ đồng cổ tức cổ phiếu (3% vốn điều lệ năm 2014), 152 tỷ đồng phát hành cổ phiếu ESOP (1,3% vốn điều lệ 2014) và 3.906 tỷ đồng phát hành cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước (33,7% vốn điều lệ 2014).

Như vậy, SSI Research ước tính sẽ có khoảng 40,6 triệu cổ phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua vào, dựa trên giả định toàn bộ 390,6 triệu cổ phiếu sẽ được mua bởi các nhà đầu tư trong nước. Thực tế, trong năm trước, ngân hàng đã không thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng từ mức 11.256 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có một số rủi ro nhỏ cho cổ phiếu MBB là áp lực bán ra cổ phiếu MBB do tác động của thông tư 36 (cụ thể: các ngân hàng không thể sở hữu quá 5% cổ phần của ngân hàng khác, trong khi Vietcombank và Maritime Bank đang nắm giữ tương ứng 9,59% và 9,95% cổ phần tại MBB vào cuối năm 2014), rủi ro pha loãng cổ phiếu sau kế hoạch tăng vốn điều lệ đầy tham vọng có thể làm giảm ROAE của ngân hàng.

Khuyến nghị MUA cổ phiếu MBB

Lợi nhuận trước thuế của MBB được ước tính đạt 3.275 tỷ đồng (tăng 3,2% so với năm 2014) trong năm 2015 với chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh (tăng 25,9% so với năm 2014, đạt 2.542 tỷ đồng).

Trong năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có thể sẽ tăng 24,2% so với năm 2015, đạt 4.068 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh (tăng 19% so với năm 2014) và chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng trưởng chậm lại (+8% so với năm 2014).

Cuối cùng, SSI Research khuyến nghị MUA cổ phiếu với giá mục tiêu 1 năm là 19.200 đồng/cồ phiếu (tăng 26,3% so với mức giá hiện tại).