Công ty Cổ phần công nghiệp Cao su Miền nam – Casumina được thành lập từ năm 1976 với các sản phẩm săm lốp xe đạp, xe máy, ô tô mang thương hiệu Casumina, Euromina đã quen thuộc với người sử dụng Việt Nam và các nước trong khu vực.
Là một số ít trong những cổ phiếu Blue chips ngành sản xuất, có sản phẩm chất lượng được thừa nhận, có hệ thống phân phối và thị phần cao nhất trong số các doanh nghiệp săm lốp nội địa với 33% thị phần, CSM có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định và lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn 20-25% tương ứng với suất cổ tức 7-9%/năm khiến cho nhiều nhà đầu tư hài lòng và xem như là “của để dành”.
Thế nhưng, tính từ đầu năm đến nay, nước ngoài đã bán ròng gần 400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu CSM, theo đó giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 27% xuống còn chưa đầy 12%. Việc NĐT NN bán ròng liên tục trong năm nay đi kèm với giá cổ phiếu giảm không khỏi tạo nên những quan ngại về tiềm năng tăng trưởng của CSM trong thời gian sắp tới.
Lợi nhuận sụt giảm và mối lo cạnh tranh
“Dù có triển vọng dài hạn khả quan, trong ngắn hạn có lẽ chưa có thông tin nổi bật để tạo tác động tích cực lên giá cổ phiếu CSM”, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Căn cứ vào nhưng kết quả kinh doanh gần đây cho thấy, nhận định này của BVSC là có cơ sở. Quý III/2015, doanh thu thuần của CSM đạt 834 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 4%; lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, giảm mạnh 32% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ phía CSM, việc lợi nhuận giảm trong quý III so với cùng kỳ một phần từ giá vốn hàng bán tăng 45,5 tỷ đồng do hạch toán giá vốn sản phẩm xí nghiệp lốp radial toàn thép. Bên cạnh đó, việc chi phí tài chính tăng thêm 14,3 tỷ đồng đến từ việc lỗ chênh lệch tỷ giá do phần lớn khoản vay của CSM là ngoại tệ.
BVSC cũngdự báo lợi nhuận quý IV/2015 của CSM sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Cụ thể, doanh thu quý IV dự báo đạt 841 tỷ đồng (giảm 7,4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 78 tỷ đồng (giảm 7,1% so với cùng kỳ). Như vậy cả năm 2015, CSM có thể đạt tổng doanh thu 3.620 tỷ đồng (tăng 14% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng (giảm 10,3% so với năm trước).
Nhìn chung, các chỉ số tài chính của CSM vẫn đang khá tốt và ổn định so với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, hiện nay CSM phải trích lượng khấu hao lớn từ việc đầu tư vào nhà máy sản xuất lốp Radial. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, luỹ kế đến quý III, CSM đã trích khấu hao 125 tỷ đồng làm giảm lợi nhuận, hiện số khấu hao vẫn còn gần 1.400 tỷ đồng sẽ được hạch toán vào thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ suất lãi gộp giảm từ mức 27% năm 2013 và 26% trong năm xuống còn 22% trong năm nay là một chỉ báo xấu. Lợi nhuận sụt giảm làm cho các chỉ số ROE và ROA giảm theo là điều tất yếu.
Nhiều chuyên gia nhận định, áp lực cạnh tranh từ các DN FDI là rất lớn do họ không chỉ đầu tư nhà máy công suất lớn với công nghệ hiện đại, các nhà đầu tư ngoại còn phát triển dịch vụ phân phối, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.
Sự xuất hiện của những cái tên như tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) đầu tư 1,224 tỷ USD, Công ty Săm lốp Kumho Tire (thành viên của Tập đoàn Kumho Asiana - Hàn Quốc) đã đầu tư thêm 100 triệu USD (vốn ban đầu 200 triệu USD), Michelin của Thái Lan thì tăng cường hoạt động phân phối. Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, Kenda - nhà đầu tư đến từ Đài Loan đã nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất vỏ, ruột xe thứ 2 tại Việt Nam với vốn đầu tư 160 triệu USD tại KCN Giang Điền (Đồng Nai).
Có vẻ như CSM đang gặp phải khó khăn từ sự cạnh tranh đối với dòng sản phẩm Radial mà công ty này đã đầu tư mạnh trước đó. Bằng chứng là giá bán bình quân trong quý III/2015 giảm 8%; sản lượng Radial chỉ đạt 18.300 lốp khá thấp so với kỳ vọng.
Trao đổi với NDH, ông Vũ Quốc Anh – Trưởng phòng tài chính CSM cho biết, hiện nay công ty đang chủ yếu gặp sự cạnh tranh mạnh nhất từ hàng Trung Quốc. “Đi đâu cũng có hàng Trung Quốc từ nội địa đến thị trường xuất khẩu, giá của họ rẽ hơn nên được chọn mua nhiều hơn. Về phần sản lượng bán Radial chỉ đạt 18.300 lốp là do sản phẩm mới với thị trường nên chưa bán được nhiều”, ông Quốc Anh lý giải.
Lạc quan vẫn ở phía trước
Thị trường Việt Nam đang được đánh giá là rất thuận lợi cho ngành sản xuất lốp xe như nguồn cao su nguyên liệu dồi dào, giá lao động rẻ và sự tăng trưởng của thị trường ô tô. Quy định tăng tỷ trọng xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng cho tiêu thụ săm lốp trong nước.
Năm 2014, CSM đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất lốp xe tải toàn thép Casumina Radial ở Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư3.380 tỷ đồng, được xây dựng theo 3 giai đoạn: giai đoạn I đạt công suất 350.000 lốp xe/năm; giai đoạn II (đến cuối năm 2015) nâng công suất lên 600.000 lốp xe/năm; giai đoạn III (từ cuối năm 2015 đến năm 2017) nâng công suất lên 1 triệu lốp xe/năm. Theo tính toán của CSM, khi toàn bộ nhà máy hoànthành, công ty sẽ có thêm 5.000 tỷ đồng doanh thumỗi năm.
Rõ ràng, với việc tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất lốp Radial, khi thị trường trong nước chỉ mới sử dụng khoảng 10% so với thế giới là 90% cho thấy dư địa tăng trưởng là rất lớn nếu CSM duy trì được sức cạnh tranh của mình.
Theo công ty chứng khoán PHS, CSM đang hoàn tất công tác thoái vốn tại các dự án đã đầu tư trước đó. Cụ thể, tại mặt bằng 146 Nguyễn Biểu Q5, Mặt bằng xí nghiệp Bình Lợi và Việt Hưng tai Thủ Đức, 180 Nguyễn Thị Minh Khai, 504 Nguyễn Tất Thành. HPS dự báo việc thoái vốn này sẽ giúp CSM tập trung hơn vào ngành nghề cốt lõi mà công ty này có thế mạnh.
Ông Quốc Anh cho biết, CSM vẫn có tiềm năng nhờ vào giá trị thương hiệu mạnh và sản phẩm được thị trường chấp nhận. Gần đây, CSM đã ký thoả thuận trở thành nhà cung cấp độc quyền sản phẩm Casumina Radilal cho đối tác US Tirex sau khi vượt qua các tiêu chuẩn của bộ giao thông vận tải Hoa Kỳ. Với giá trị hợp đồng 57 triệu USD sẽ giúp doanh thu tăng trưởng trong tương lai.
Doanh thu từ xuất khẩu tăng hơn 9% so với cùng kỳ là tín hiệu cho thấy sự tin tưởng của thị trường nước ngoài đối với sản phẩm của CSM. Ngoài ra, CSM cũng có sự thay đổi tích cực trong quản trị tồn kho, là hệ số vòng quay hàng tồn kho giảm từ mức 164 ngày 2014 còn 107 ngày trong 9 tháng đầu năm.