Khép lại ngày 26/8, chỉ số chứng khoán VN-Index đóng cửa ở mức 545,89 điểm, giảm 6,2% so với cùng thời điểm 2 tháng trước – khi Chính phủ đưa ra Nghị định 60 về việc nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mới cách đây 1 tháng, VN-Index vẫn còn ngất ngưởng ở gần mức đỉnh của năm nay là trên 635 điểm, đồng nghĩa với việc chỉ số này tăng hơn 7% so với thời điểm thông tin về nới room được công bố, và theo thống kê của World Market Indices (Indexq) lúc đó thì VN-Index đang là chỉ số tăng mạnh nhất thế giới trong vòng 1 tháng đó.
Tuy nhiên, những thành quả đó đã không giữ được khi chỉ trong vòng 1 tháng qua thị trường đã bay mất 14% giá trị.
Thống kê của Indexq cho thấy trong 1 tháng qua (tính đến ngày 26/8), thị trường hoạt động tốt nhất thế giới là Abu Dhabi và Israel cũng chỉ tăng 0%, tức là đi ngang.
Nhưng nếu xét trên bản đồ thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong top các thị trường hoạt động tốt nhất 3 tháng qua, dù chỉ số VN-Index giảm 3,76%. Điều này cho thấy thị trường thế giới đang trải qua một đợt sóng gió lớn.
Không phải nói rằng quyết định bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành nghề của Chính phủ Việt Nam không có tác dụng tích cực, mà nguyên nhân chính khiến thị trường giảm mạnh thời gian qua chủ yếu lại đến từ thị trường thế giới.
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm đặc biệt mạnh kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, bắt đầu từ ngày 11/8, khiến giới đầu tư lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này được phản ánh tại chính thị trường chứng khoán Trung Quốc, nơi chỉ số chủ chốt Shanghai Composite Index ngày 25/8 chính thức thủng mốc 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2014 , và giảm 8,34% so với đầu năm – xóa sạch mức tăng mạnh đạt được trước đó trong năm.
Hiệu ứng dây chuyền khiến chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh, với chỉ số S&P 500 ngày 25/8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Với Việt Nam, vốn hóa trên 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã bay mất 7,8 tỷ USD chỉ 2 tuần sau khi Trung Quốc phá giá tiền tệ.
Đánh giá về sự bất ổn trên thị trường thế giới thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Bình – Phó giám đốc Khối phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - cho rằng Trung Quốc là “tâm bão” của đợt xáo trộn này.
“Đó là câu chuyện tỷ giá, nhưng tỷ giá chỉ là hệ quả. Nó phản ánh bất ổn của kinh tế vĩ mô cũng như nền kinh tế Trung Quốc nói chung,” ông chia sẻ với phóng viên NDH.
Ngay khi chỉ số Shanghai Composite Index thủng đáy 3.400 điểm, đã cảnh báo về những tác động có thể có từ tổng cầu của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Bình cho rằng chính kinh tế Trung Quốc mới là cái thế giới đang lo ngại, và “thị trường Mỹ chỉ là phản ánh theo những lo ngại đó, giống như Việt Nam.”
Tuy nhiên, mặc dù thị trường thế giới vẫn chi phối sự biến động trên thị trường Việt Nam giai đoạn này, nhưng ông Bình cho rằng “mức độ phản ánh của thị trường Việt Nam đối với các tín hiệu tiêu cực của thế giới đã nhẹ dần, đang miễn nhiễm dần.”
Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam thường giảm theo thị trường thế giới. Tuy nhiên, sự song hành này có vẻ đang đứt đoạn. Các chỉ số của Việt Nam đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại từ phiên trước, trong khi thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm, các thị trường Châu Á khác diễn biến trái chiều, còn đa số các thị trường Châu Âu vẫn giảm.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng thị trường trước mắt vẫn chưa được hỗ trợ nhiều khi danh sách mở room của nhóm ngành sở hữu nước ngoài sẽ phải chờ thêm thời gian từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.