Xuống dốc cùng đà bán mạnh của khối ngoại
Không khó để nhận thấy đà trượt dốc của MSN gắn liền với diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi chạm đỉnh tại mức 96.500 đồng vào ngày 15/7, cổ phiếu MSN đã trả lại hết những gì đã giành được từ đầu năm chỉ 5 tuần sau đó. Không chỉ có vậy, MSN còn rơi tiếp xuống tận mức 69.000 đồng vào ngày 27/11, và chặng rơi này gắn liền với việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Thống kê của NDH cho thấy nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu liên tục bán ra cổ phiếu MSN kể từ ngày 19/8, một ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá sau vụ bất ngờ phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, khiến khối ngoại thường xuyên bán ròng sau đó.
Tính từ ngày 19/8 đến ngày 9/12, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng khoảng 1.508 tỷ đồng giá trị cổ phiếu MSN. Trong 80 phiên giao dịch này có tới 70 phiên nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Nếu tính chung từ đầu năm đến ngày 9/12, khối ngoại mới chỉ bán ròng 800 tỷ đồng cổ phiếu MSN, đồng nghĩa với việc lượng bán ròng kể từ tháng 8 đến nay đã áp đảo lượng mua ròng trong nửa đầu của năm.
Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MSN thì con số bán ròng trên chưa đáng kể gì. Tính đến ngày 9/12, khối ngoại vẫn còn nắm giữ 32,74% cổ phần tại MSN, giảm nhẹ so với mức 35,38% ghi nhận ngày 19/8.
Theo một chuyên gia phân tích cấp cao của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có một số quỹ nước ngoài đã chủ động giảm tỷ trọng nắm giữ tại MSN, nhưng áp lực đến nay đã giảm bớt do có một lượng thỏa thuận lớn cho khối đầu tư trong nước. Ông cho biết các nhà đầu tư trong nước trong vài phiên trở lại đây có dấu hiệu mua đỡ giá, giúp MSN hồi phục phần nào.
Thực tế cho thấy, dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tiếp bán MSN kể từ đầu tháng 12 đến nay, nhưng giá cổ phiếu mới chỉ giảm 1 phiên.
Tại kết quả kinh doanh?
Theo ý kiến của một số chuyên gia phân tích, việc khối ngoại liên tục bán ròng MSN có thể là do họ đang thất vọng với kết quả kinh doanh của MSN trong quý III vừa qua.
Theo báo cáo tài chính của công ty, trong quý III/2015, doanh thu thuần của MSN đạt 8.715 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 493 tỷ đồng, đều tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, MSN đạt 19.129 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước; và đạt 1.166 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng này có vẻ ấn tượng, nhất là đối với một công ty vốn đã có quy mô khổng lồ như Masan. Tuy nhiên, kết quả này đạt được chủ yếu nhờ sự đóng góp từ một công ty con mới nhất của tập đoàn, chứ không phải từ lĩnh vực kinh doanh chính.
Theo phân tích của một công ty chứng khoán, công ty con mới hợp nhất Masan Nutri-Science (MNS) đã đóng góp 45% doanh thu thuần và 65% lợi nhuận sau thuế của Masan trong 9 tháng đầu năm 2015.
Trong khi đó, mảng thực phẩm và đồ uống (chiếm 47% doanh thu thuần 9 tháng) có tốc độ tăng trưởng doanh thu thấp hơn, chỉ ở mức 1% so với cùng kỳ; còn lợi nhuận ròng giảm 15%,chủ yếu do thu nhập lãi thuần và lãi cho vay trên số dư tiền mặt thấp.
Trong phân khúc thực phẩm và đồ uống, mảng sản xuất bia đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu mảng gia vị đi ngang, doanh thu mảng thực phẩm tiện lợi tăng nhẹ và doanh thu từ Vinacafe Biên Hòa giảm 9% so với cùng kỳ.
Doanh thu mảng khoáng sản giảm 14% so với cùng kỳ trong 9 tháng do giá quặng vonfram giảm khoảng 35%. Tuy nhiên, mảng này vẫn có lợi nhuận nhờ khả năng sinh lời cải thiện và khoản lãi ngoại hối đáng kể.
Lợi nhuận từ công ty liên kết Techcombank được ghi nhận cao hơn theo chuẩn mực kế toán mới vì Masan không còn phải khấu hao lợi thế thương mại từ khoản đầu tư vào ngân hàng này nữa.
Nợ dài hạn của Masan vẫn duy trì ở mức cao là 28 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 30 nghìn tỷ đồng ghi nhận cuối quý II/2015 do tập đoàn đã thanh toán khoản nợ vay 175 triệu USD cho JP Morgan và hiện giờ không còn khoản vay ngoại tệ dài hạn nào.
Theo công ty chứng khoán VPBS, doanh thu mảng thực phẩm và đồ uống chủ chốt của Masan hiện tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức dự báo 22% của công ty chứng khoán này.
Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) cũng quyết định hạ triển vọng lợi nhuận của Masan. Theo đó, lợi nhuận ròng cho cổ đông công ty mẹ của Masan được dự báo sẽ đạt khoảng 1.135 tỷ đồng trong cả năm 2015, tăng 5% so với năm trước, nhưng thấp hơn 24,7% so với dự báo lần trước của SSI Research. EPS của MSN theo đó sẽ đạt 1.520 đồng năm 2015.
Một số chuyên gia phân tích khác cũng lên tiếng lo ngại về triển vọng của MSN. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối phân tích của công ty chứng khoán BVSC, đánh giá MSN đang chịu tác động rất lớn bởi giá hàng hóa thế giới giảm, gây ảnh hưởng đến mảng hoạt động liên quan đến dự án Núi Pháo của công ty. Giá quặng giảm sẽ tác động đến triển vọng của MSN.
Có cùng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán BSC, cho rằng giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh nên kết quả kinh doanh của Masan có vẻ không được như ý. Ngoài ra, Việt Nam thường xuất thô khoáng sản, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, trong khi kinh tế Trung Quốc lại đang suy yếu, nên những ngành như khoáng sản khó có cơ hội.
Ông Khoa cũng cho rằng lĩnh vực kinh doanh chính là hàng tiêu dùng của Masan có vẻ đang bão hòa, nên việc giá cổ phiếu MSN giảm là do yếu tố cơ bản hơn là yếu tố thị trường.
Từ phương diện nhà đầu tư, ông Phùng Sơn Tùng – một nhà đầu tư tại Hà Nội – nêu ra 3 lý do khiến cổ phiếu MSN không còn được ưa thích.
Thứ nhất, Masan không tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình mà đang đầu tư dàn trải. Đây đều là những khoản mới đầu tư nên sẽ chưa mang lại lợi nhuận ổn định ngay trong 1 vài năm tới.
Thứ hai, Tập đoàn Kinh Đô (KDC) đang lấn sân sang mảng sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm. Với tiềm lực và kinh nghiệm của ban quản trị KDC, tập đoàn này hứa hẹn sẽ là một đối thủ cạnh tranh, đe dọa đến thị phần của Masan. Hơn nữa, thị giá của KDC hiện tại vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với MSN.
Thứ ba, nhà đầu tư nước ngoài đang thoái vốn rất mạnh ở MSN cũng như một số cổ phiếu bluechip khác, một mặt do Fed sắp nâng lãi suất, mặt khác do MSN không chia cổ tức bằng tiền trong nhiều năm gần đây dù lãi sau thuế chưa phân phối rất nhiều. Đây là điều nhiều nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhất, nhưng MSN lại không đáp ứng được.