Bài toán kinh tế
Là đơn vị cung cấp ống nhựa cho các dự án lớn như Ecopark, cảng Đình Vũ – Hải Phòng, đảo Cát Bà, sân bay Đồng Nai, ống đẩy thức ăn nuôi cá tại biển Na Uy… có thể thấy được uy tín của Công ty Mai Thanh tại thị trường xây dựng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên nhìn lại 10 năm trước có lẽ nhiều người không thể hình dung được những khó khăn và vất vả mà CEO Nguyễn Thị Thanh cùng tập thể công ty Mai Thanh đã trải qua.
CEO Nguyễn Thị Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh (Ảnh 1)
Thời kỳ đầu tiên, khi bà Thanh bắt đầu tham gia vào thị trường cung ứng vật tư ngành nước để phục vụ nhu cầu của những người dân thôn quê. Trong bối cảnh hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, bà đã phải đi tìm từng “đầu dây, mối rợ” để có được nguồn hàng chất lượng nhất, sau đó lại đích thân đi đến từng hộ dân để thuyết phục về chất lượng và giá thành sản phẩm của mình để họ lựa chọn sử dụng.
Rồi đến năm 2010, khi những ống nhựa Phú Mỹ Tân đầu tiên ra “lò”, bà lại cùng anh chị em nhà máy thức trắng đêm.
“Thời gian đó, nhiều đêm tôi và anh em công nhân phải căng mắt nhìn từng milimet ống nước đầu tiên xuất hiện trên giàn máy với bao háo hức, niềm vui và cả sự hồi hộp. Có những mẻ hàng phải làm đi làm lại nhiều ngày đêm mới đạt yêu cầu, nhưng tất cả đều nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm hoàn hảo nhất”
Nhiều người băn khoăn về bài toán kinh tế mà CEO Nguyễn Thị Thanh đã đặt ra. Vì bà đã phải bỏ nhiều công sức, mất nhiều tiền bạc, lợi nhuận so với mặt bằng chung lại không cao. Tuy nhiên nữ doanh nhân này có những lý lẽ của riêng mình:
“Mình xác định phải luôn đặt tâm thế mình là người tiêu dùng, mình cũng truyền đạt tư tưởng đó cho anh chị em trong công ty. Ai mà chẳng muốn mua được đồ bền, đồ tốt. Mình còn là người kỹ tính, nên khi nhập hàng giai đoạn đầu tiên hay sản xuất sau này mình đều chọn lựa chi tiết, cẩn thận như làm cho gia đình mình vậy. Đúng là bài toán kinh tế trong ngắn hạn thì có hạn chế nhưng nó lại bền vững và lâu dài”
Bằng sự tận tâm đó, bà đã thuyết phục được những khách hàng của mình sử dụng và đặt trọn niềm tin vào sản phẩm Phú Mỹ Tân. Và cũng chính họ lại là kênh truyền thông hiệu quả nhất khiến uy tín của Mai Thanh ngày càng được nâng tầm.
Khơi nguồn nước sạch
Trong 10 năm tận tâm với vật tư ngành nước, nhìn bà con Nghĩa Hưng, Nam Định phải dùng nước giếng khoan, CEO Nguyễn Thị Thanh không khỏi xót xa. Làm thế nào để mang nước sạch về cho bà con luôn là câu hỏi trăn trở hàng đêm của người phụ nữ này.
“Nguồn nước không đảm bảo dễ phát sinh bệnh tật nên vấn đề về nguồn nước lúc nào cũng canh cánh bên mình. Có những đêm nằm nghĩ mãi mà không tài nào ngủ được bởi Nghĩa Hưng, Nam Định chính là nơi mình sinh ra và lớn lên.”
Bà Thanh trong buổi họp dự án cùng cán bộ, công nhân viên Mai Thanh
Khi tỉnh Nam Định có chủ trương đưa nước sạch về nông thôn, vận động các doanh nghiệp tư nhân xã hội hoá. Mai Thanh là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký và được chấp thuận xây dựng nhà máy với vốn 100% của doanh nghiệp.
“Suốt một năm ròng, mình phải đi tìm hiểu các nhà máy nước ở khắp mọi nơi. Từ trong nước như các nhà máy ở Quảng Nam, Hà Nội, TP HCM. Rồi mình sang cả nước ngoài như Singapore, Israel để học hỏi công nghệ và cách triển khai của họ. Càng đi nhiều mình thấy không thể sử dụng công nghệ lạc hậu được, chỉ đầu tư những gì những gì tốt nhất mới bền vững và mang lại giá trị cho người dân”
Tính toán sơ bộ đầu tư dự án công suất 3.500m3/ngày đêm chỉ đủ phục vụ cho xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định, tổng mức đầu tư đã lên tới 45 tỷ đồng, một bài toán kinh tế không hiệu quả. Nhiều người dân đã lo ngại, Mai Thanh sẽ không đầu tư với bài toán kinh tế đó.
“Lúc đó mình cũng lo lắng vì số vốn khá lớn, doanh nghiệp phải bỏ 100% nhưng dự án nước sạch này mình đã ấp ủ từ rất lâu, đây là cơ hội để hiện thực hoá. Tuy nhiên, ngay khi bắt tay vào làm thì lại phát sinh ra nhiều vấn đề…” bà Thanh chia sẻ.
Nguồn nước tại Nghĩa Hưng, Nam Định bị xâm mặn quá nhiều, nếu muốn đầu tư nhà máy nước thì công nghệ phải thay đổi, đường ống nước cũng phải thay đổi, tổng vốn đầu tư lên tới 124 tỷ đồng. Nếu Mai Thanh chỉ cung cấp nước cho xã Nghĩa Sơn thì hàng năm sẽ phải bù lỗ lớn. Nhiều người đã khuyên CEO Nguyễn Thị Thanh nên từ bỏ.
“Khó khăn chồng chất, đúng là nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng nước sạch chưa về tới Nghĩa Hưng thì mình chưa thể dừng lại. Mình gửi đơn đề nghị lãnh đạo tỉnh cho xây nhà máy cấp nước cả huyện Nghĩa Hưng thay vì chỉ có xã Nghĩa Sơn để giảm thiểu bù lỗ.” bà Thanh nhớ lại.
Với quyết tâm vững vàng của mình, một lần nữa đề nghị của Mai Thanh lại được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận. Năm 2016, nhà máy nước chính thức khởi công, khơi nguồn nước sạch cho bà con huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.
Trong lần tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1, bà cũng hào hứng chia sẻ về dự án nước sạch đã hoàn thành giai đoạn 1, đã cung cấp nước sạch cho khoảng 5000 hộ dân xã Nghĩa Sơn, cuối năm 2017 sẽ cung cấp thêm cho hai xã nữa và đến năm 2020 thì các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình đều được sử dụng nước sạch.
Bà Thanh tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 (Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng Gia Media Group và Tập đoàn Novaland thực hiện)
Các chuyên gia đánh giá cao sự tận tâm của người CEO này. Bởi dự án nước sạch phải đầu tư số tiền rất lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi phải bù lỗ. Tuy nhiên, giá trị mà dự án thu được chính là uy tín, thương hiệu của CEO và doanh nghiệp của mình.
Jack Ma đã từng nói: “Ngày nay, kiếm tiền rất đơn giản. Nhưng kiếm tiền bền vững, trong khi có trách nhiệm với xã hội và cải thiện thế giới thì rất khó.” CEO Nguyễn Thị Thanh đã chọn con đường khó đó, nhưng có lẽ những nụ cười của người dân Nghĩa Hưng khi nước sạch về, những gia đình yên tâm sử dụng sản phẩm Phú Mỹ Tân là món quà lớn nhất, giúp chị tiếp tục vững bước và tận tâm với con đường đã chọn.