Cuộc đua giữa các "ông lớn"
Nhờ lãi suất thấp và những nhận định lạc quan của giới CEO mà hoạt động M&A trong hai năm qua tăng trưởng ổn định, đạt gần mức trước thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Đáng chú ý trong số đó là các vụ giao dịch với giá trị khổng lồ.
Đầu tháng 4/2015, công ty dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell của Hà Lan đã chi 70 tỷ USD mua lại hãng đối thủ BG Group PLC (Anh); công ty truyền hình cáp lớn thứ 4 tại Mỹ - Charter đã bỏ ra 55 tỷ USD mua lại Time Warner Cable; hãng công nghệ bán dẫn Avago Technologies Ltd mua lại Broadcom Corp với giá 37 tỷ USD...
Những thương vụ "khủng" đó đã đẩy giá trị M&A toàn cầu chỉ trong quý II năm nay tăng vọt lên 34,6%, đạt 1,33 nghìn tỷ USD (tính đến ngày 26/6) - thấp hơn một chút so với con số 1,41 nghìn tỷ USD vào quý II/2007.
Gary Posternack - Giám đốc bộ phận M&A toàn cầu tại Barclays Plc cho biết: "Trong tình hình các vụ hợp nhất đang diễn ra ngày càng nhiều thì việc trở thành người ngoài cuộc cũng đồng nghĩa với việc công ty sẽ bị giành mất thị trường".
"Các công ty hiện đang từng bước mở rộng "lãnh thổ" của mình trên bản đồ kinh doanh, bằng cách tập trung vào những thương vụ lớn giúp công ty thành người dẫn đầu rồi sau đó mới dốc sức tiến hành M&A", Posternack nói thêm.
Quy trình này thường được bắt đầu sau khi công ty đã thăm dò tình hình kinh doanh của đối thủ và sau đó thúc đẩy, buộc họ phải hành động.
Ví dụ, tại Mỹ, công ty bảo hiểm y tế Humana hiện đang được các hãng bảo hiểm lớn như Aetna, Anthem, Cigna và UnitedHealth ráo riết "săn đón" mặc dù công ty này đã thuê ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tìm kiếm đối tác sáp nhập.
Đó là chưa kể đến vòng luẩn quẩn khi UnitedHealth mở lời mua lại Aetna, Anthem tăng giá mua lại Cigna, và Cigna thì đang để mắt đến Humana, theo The Wall Street Journal.
Tuy nhiên, cũng có một số vụ thâu tóm lớn bị thất bại mà Cigna là ví dụ điển hình khi hãng này từ chối lời đề nghị trị giá 53,8 tỷ USD của Anthem, mặc cho trước đó công ty này đã liên tục tăng giá mua cổ phiếu và gây sức ép lên Hội đồng quản trị thông qua các cổ đông của Cigna.
Kế đến là công ty ống dẫn dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của Mỹ - Williams Cos cũng đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 53,1 tỷ USD từ công ty năng lượng Energy Transfer Equity LP; tập đoàn công nghiệp dược phẩm Teva cũng thất bại trong việc thâu tóm công ty Mylan với giá 50 tỷ USD sau khi Mylan mua lại công ty đối thủ Perrigo với giá 35 tỷ USD.
Robin Rankin - Giám đốc bộ phận M&A toàn cầu tại Credit Suisse Group AG chia sẻ: "Thị trường hiện nay thường dễ chấp nhận việc công ty này nắm quyền kiểm soát công ty khác theo nhiều cách linh hoạt, ngay cả khi các mục tiêu này không hề muốn M&A".
Liệu tăng trưởng có bền vững?
Sự khác biệt lớn giữa các vụ M&A bùng nổ trong thời gian gần đây so với thời điểm năm 2007 khi các cuộc mua bán được thực hiện chủ yếu nhờ vào việc mua lại cổ phần từ nguồn vốn vay (của tư nhân), trái ngược với những giao dịch mang tính chiến lược diễn ra trong năm nay.
Luigi Rizzo - Giám đốc bộ phận M&A tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Ngân hàng đầu tư Bank of America cho biết: "Đối với các nhà đầu tư góp vốn tư nhân, một trong những khó khăn lớn hiện nay là họ bị giới hạn về nguồn vốn. Những người này tuy có tiền để đầu tư nhưng họ lại khó cạnh tranh với các đối thủ lớn khác, chưa kể đến việc gặp bất lợi khi tìm kiếm nguồn tiền".
Bên cạnh đó, mặc dù số vụ M&A gia tăng nhưng lại chứa không ít giá trị ảo, khi các công ty đều cam kết sẽ đưa ra những chiến lược phát triển mạnh mẽ vào thời điểm "chào hàng".
Stephen Arcano - Trưởng bộ phận M&A của hãng luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP cho biết: "Thực tế, các cuộc thảo luận trong công ty thường không nhắc đến tình trạng "bong bóng" tài chính hay thời gian tồn tại xu hướng M&A, mà chỉ xoay quanh về những vấn đề đang xảy ra trong tổ chức của họ và các công ty đối thủ có giá trị bao nhiêu".
Đồng thời, theo Bob Eatroff - người đứng đầu bộ phận M&A của Morgan Stanley tại Mỹ, "Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những công ty có sức tăng trưởng cao và không tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh doanh. Nếu họ tìm thấy một công ty phù hợp với chiến lược đầu tư của mình, cho dù nó ở châu Á hay trên một thị trường mới nổi nào đó trên thế giới thì họ vẫn sẽ tiến hành".
Robert Leitão - Trưởng bộ phận tư vấn tài chính toàn cầu của Rothschild cho hay: "Thực tế, thị trường châu Âu hiện nay tuy phát triển thuận lợi nhưng lại ổn định một cách bất thường, khiến các nhà đầu tư lo ngại thị trường này chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn mà họ chưa phát hiện ra".
Trên thực tế, những vấn đề kinh tế vĩ mô như khủng hoảng nợ ở Hy Lạp hay việc Trung Quốc thay đổi chính sách lãi suất không tác động nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư vào các vụ M&A trong thời gian qua.