Kết quả kinh doanh tháng đầu năm 2014 của CTCP Xuyên Thái Bình (mã PAN - HOSE) rất khả quan. Doanh thu đạt 383 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ vệ sinh chỉ tăng 8%, tuy nhiên, mảng kinh doanh thủy sản của Công ty tăng trưởng gần 5 lần, đạt 219 tỷ đồng, giúp Công ty đạt doanh thu ấn tượng trong nửa đầu năm. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng hơn 3 lần giúp LNST của Công ty đạt 57 tỷ đồng, tăng 171% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ được cải thiện nhờ thực hiện việc sáp nhập với NSC
PAN đã phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu thông qua đợt phát hành riêng lẻ và đợt chia cổ phiếu thưởng, qua đó nâng vốn điều lệ của Công ty lên hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này đã được Công ty sử dụng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) từ 50% lên thành 62%, và nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) lên trên 50% để biến NSC trở thành công ty con của PAN kể từ tháng 9.
Công ty dự kiến phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu bán cho dưới 100 nhà đầu tư, giá chào bán không dưới 30.000 đồng/cổ phiếu trong quý 4 năm nay, nhằm huy động thêm 750 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Công ty thực hiện chiến lược đầu tư, mua lại cổ phiếu của các công ty trong ngành chế biến thực phẩm tiêu dùng. Lượng cổ phiếu mới này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
PAN dự kiến phát hành 1,3 triệu trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1.000.000 đồng nhằm huy động tối đa 1.300 tỷ đồng. Trái phiếu được phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ, ký hạn 3-5 năm với lãi suất tối thiểu 3%/năm. Giá chuyển đổi không thấp hơn 30.000 đồng/cp.
Đầu năm 2015, Công ty cũng dự kiến phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1 và 1,2 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên của Công ty.
Công ty đang trong quá trình thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập nên doanh thu và lợi nhuận vẫn phụ thuộc nhiều vào tiến độ các thương vụ mua bán sát nhập này.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty chỉ đạt 25% kế hoạch cả năm, tuy nhiên doanh thu trong những quý cuối năm sẽ được cải thiện nhờ PAN thực hiện việc sáp nhập với công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC). Do đặt kế hoạch thấp, LNST của Công ty đã vượt 14% so với kế hoạch do HĐQT đề ra cho năm 2014.
Hai công ty con là NSC và ABT đều có chỉ số PB và PE rẻ hơn so với các công ty lớn cùng ngành, đồng thời có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất cao, cụ thể, tỷ lệ này của NSC là 32% và ABT là 18%.
PAN cũng đang có kế hoạch mở thêm room để cổ đông nước ngoài có thể sở hữu 49% cổ phần của Công ty, hiện cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 43,8%. Công ty cũng quyết định chi cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với lợi suất cổ tức 2,5% cho năm 2014.
Những thương vụ mua bán sáp nhập mới sẽ giúp PAN tạo được những khoản lợi nhuận lớn từ lợi thế thương mại
Việt Nam có ưu thế lớn trong lĩnh vực nông nghiệp do sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, đất đai màu mỡ, điều kiện khí hậu thuận lợi. Tuy nhiên chưa có 1 doanh nghiệp nào đủ lớn để tạo được một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Nắm bắt được cơ hội này, HĐQT đã tạo ra định hướng giúp Công ty trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thực phẩm và nông nghiệp trong nước và trở thành nhà cung cấp lớn trên thế giới.
Ngành nuôi trồng nông sản và thủy sản của Việt Nam đang có tín hiệu tốt trên trường quốc tế, với việc Nga đang muốn nhập 1 số lượng lớn thủy sản và nông sản của Việt Nam sau khi có lệnh cấm nhập khẩu hoa quả từ EU. Mảng ngành Dịch vụ, vệ sinh công nghiệp cũng đạt được sự tăng trưởng rất tốt, song hành với sự phát triển của kinh tế nước nhà.
Với chính sách huy động vốn, mua bán sát nhập những công ty trong ngành nông nghiệp thực phẩm, PAN phần nào trở thành 1 công ty đầu tư tài chính. Chủ tịch HĐQT của PAN là ông Nguyễn Duy Hưng, cũng là chủ tịch của công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI, là 1 người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.
VCSC tin rằng những thương vụ mua bán sáp nhập mới trong tương lai không những mang về cho PAN những khoản doanh thu và lợi nhuận đột biến, mà còn giúp Công ty tạo được những khoản lợi nhuận lớn từ lợi thế thương mại.