Nội dung nổi bật:
+ Hiện có rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ô tô mở rộng quy mô thông qua M&A
+ Hai thương vụ lớn của ngành ô tô đầu năm 2015: HHS mua lại công ty Hoàng Giang và TMT mua Vinamotor.
Các hoạt động M&A đã diễn ra rất sôi động trên nhiều lĩnh vực trong vài năm qua, tuy nhiên với ngành ô tô thì M&A vẫn còn là điều lạ lẫm. Cơ hội đối với ngành ô tô trong những năm tới vẫn còn rất lớn và bây giờ là thời điểm thích hợp để một số doanh nghiệp trong ngành ô tô nghĩ đến câu chuyện M&A.
Thị trường ô tô Việt Nam hiện nay khá phân mảnh với hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn nhập khẩu, lắp ráp, phân phối; trong số này có rất ít doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả kinh doanh cao. Trong giai đoạn thị trường phát triển rất nhanh như hiện nay, để thích ứng được với tình hình, các doanh nghiệp ô tô buộc phải gia tăng quy mô nếu không muốn bị tụt hậu. Và M&A là một lựa chọn tốt.
Với một chiến lược M&A hợp lý, quy mô của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhanh. Điều này đã được minh chứng từ một số trường hợp như Masan Group, Thủy sản Hùng Vương…
Cơ hội M&A hiện càng rõ nét hơn một loạt doanh nghiệp nhà nước trong ngành ô tô như Vinamotor, Cơ khí Ô tô 3-2, Transinco, Tracimexco… đã IPO trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp trong số này có tên tuổi, vị thế lớn trên thị trường nhưng vì nhiều lý do mà kết quả kinh doanh vẫn còn khiêm tốn.
Ngoài ra, cơ hội M&A còn đến từ việc khá nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện được định giá rất thấp. Savico, doanh nghiệp có doanh số lớn nhất trong ngành bán lẻ ô tô, hiện có vốn hóa chưa tới 500 tỷ đồng.
Vốn hóa thị trường của các cổ phiếu ngành ô tô đang niêm yết
Những thương vụ lớn đầu tiên
CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) đã mở màn cho làn sóng M&A ngành ô tô năm 2015 khi công bố phương án mua lại 99,78% cổ phần của CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang. Việc hợp nhất sẽ giúp HHS gia tăng vị thế trên phân khúc khúc kinh doanh xe tải hạng trung và hạng nặng với các thương hiệu Dongfeng, Sinotruk và xe đầu kéo Freightliner.
Theo dự tính mà ban lãnh đạo HHS đưa, việc hợp nhất sẽ giúp doanh thu năm 2015 của công ty đạt xấp xỉ 3.400 tỷ và LNST 283 tỷ đồng (số liệu trên cơ sở giả định hợp nhất từ 1/1/2015).
Một cái tên khác được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam - Vinamotor. Đợt IPO cách đây gần 1 năm của Vinamotor hầu như không nhận được sự tâm do tình hình kinh doanh kém hấp dẫn và tỷ lệ nắm giữ dự kiến của nhà nước vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, khi Bộ Giao thông vận tải muốn thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor (97,7% cổ phần) thì đã có ít nhất 2 doanh nghiệp muốn mua lại toàn bộ là CTCP Ô tô TMT và CTCP Đầu tư Phát triển Sacom.
Trong khi phía Sacom chưa có công bố chính thức về việc mua cổ phần của Vinamotor thì TMT đã có nhiều động thái chuẩn bị cho thương vụ này. Theo đó, TMT đã lên kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn lưu động và chuẩn bị cho việc mua cổ phần của Vinamotor.
Tổng giám đốc TMT Bùi Văn Hữu khá tự tin về khả năng sẽ mua lại được Vinamotor và cho rằng "Vinamotor vốn có tiềm lực nhưng bị "kìm kẹp" bởi cơ chế, nếu "về tay" TMT, việc tái cơ cấu nhất định sẽ thành công". Hiện tại, Vinamotor đang sở hữu 21,9% cổ phần của TMT.
Trong một thương vụ ít được chú ý, doanh nghiệp kinh doanh ô tô Thái Lan Chairatchakarn đã chi ra khoảng 3 triệu USD để mua 22,6% cổ phần của CTCP Kỹ thuật ô tô Trường Long (HTL) - một đại lý lớn của Hino Motors Vietnam.