Nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước đã có sự chủ động đối phó với sự thâm nhập của các nhãn hiệu riêng trong siêu thị . Ảnh: H.Dịu.
Trước tình cảnh như vậy, nhiều DN sản xuất trong nước đã phải lên phương án đề phòng thích hợp.
Tình thế bắt buộc
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tại và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ vẫn tiếp tục dẫn đầu. Tuy nhiên, TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra cảnh báo, nếu các DN bán lẻ của Việt Nam chỉ bị thay tên, đổi chủ thì đây thậm chí còn là việc tốt, nhưng vấn đề đáng lo ở đây là những người chủ mới này có bán hàng như cũ hay không, hay là sẽ đưa hàng hóa mang thương hiệu riêng, hàng hóa từ quốc gia họ sang để bày bán.
Nói thêm về vấn đề này, TS. Chí Anh cho rằng, ví dụ như Tập đoàn AEON của Nhật Bản khi vào Việt Nam, chắc chắn AEON sẽ bán đến một nửa lượng hàng hóa là thương hiệu riêng và sản phẩm đến từ Nhật Bản. Vậy thì lúc này, cánh cửa đưa sản phẩm vào siêu thị của các DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam bị thu hẹp lại, sẽ vướng nhiều rào cản hoặc thậm chí là mất hẳn thị phần.
Có một thực tế là nhiều DN cũng đã nhận thấy tương lai đầy khó khăn của thị trường bán lẻ đang đến rất gần. Nhưng với các DN lớn, họ đã có thương hiệu và chỗ đứng, hơn nữa, bên cạnh kênh phân phối qua siêu thị, kênh bán lẻ qua các đại lý, chợ truyền thống của nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam cũng rất phát triển, giúp DN ít có khả năng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc cung ứng toàn quốc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc (DN chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như mỳ tôm, nước giải khát…), các DN Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, thương hiệu ít có tên tuổi nên bắt buộc phải có phương án để chủ động và sẵn sàng khi có những biến động trên thị trường bán lẻ.
Chủ động
Trước tình hình như trên, TS. Phan Chí Anh đã nêu ra 3 giải pháp để DN có thể áp dụng để cứu mình. Một là tìm sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, nhưng cách thức này không phải DN nào cũng làm được và khó có thể dễ dàng giải quyết. Hai là các DN liên kết lại, cùng sản xuất kinh doanh, tạo thành chuỗi cung ứng để tăng sức cạnh tranh, tăng vị thế của sản phẩm trên các kệ hàng của siêu thị. Ba là DN nên liên kết với nước ngoài, tạo ra sản phẩm có yếu tố nước ngoài nhằm tạo sức mạnh nổi bật cho thương hiệu.
Chia sẻ về cách làm của DN mình, ông Nguyễn Đức Chính cho hay, để tạo uy tín cho sản phẩm, Công ty sử dụng phương án "license thương hiệu" (chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp) từ các thương hiệu nước ngoài uy tín. Với nhãn mác như vậy, không chỉ khách hàng mà những người nắm quyền phân phối trong các siêu thị cũng sẽ dễ bị thu hút hơn. Nói chung, nếu thương hiệu của DN mình còn yếu mà lại có thể đưa ra sản phẩm chất lượng tương đương thì cách dựa vào nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Chính vẫn cho rằng, các DN cần phải thay đổi mẫu mã sản phẩm và tư duy trong kinh doanh sản xuất, tránh kiểu làm việc nhỏ lẻ, thiếu ổn định. Các siêu thị bị M&A sẽ do người nước ngoài quản lý nên việc kiểm soát đầu vào sẽ nghiêm ngặt hơn, họ sẽ đặt ra nhiều rào cản để đẩy bớt DN Việt Nam và cho thương hiệu của họ vào. Do đó, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều các DN phải hướng tới.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng, tuy các thương vụ M&A diễn ra nhiều nhưng chúng ta vẫn còn nhiều siêu thị của người Việt, hơn nữa, có rất nhiều loại hàng hóa chỉ Việt Nam mới có thể sản xuất được để phù hợp với văn hóa của người Việt.
Tiêu biểu cho vấn đề trên, ông Vũ Đại Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần chè Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, Công ty muốn bán hàng, cạnh tranh và tạo dựng uy tín bằng thương hiệu của mình. Vì thế, bên cạnh những sản phẩm chè khô truyền thống đã được Công ty xử lý bằng công nghệ tiên tiến, đóng gói bao bì theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty đã nghiên cứu và cho ra mắt chè tươi đóng gói. Mặt hàng này cũng được xử lý theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, có thể bảo quản trong vòng một tháng. Đây là sản phẩm còn khá mới và rất hữu dụng với sở thích uống chè tươi của người Việt, nên Công ty rất hy vọng sản phẩm không những vào được siêu thị mà còn có thể trụ vững trước rất nhiều sản phẩm ngoại nhập.
Một điều đáng mừng là trong Hội nghị kết nối các DN sản xuất hàng tiêu dùng được tổ chức gần đây tại Hà Nội, nhiều DN đã mang đến giới thiệu những sản phẩm rất khác lạ và độc đáo, dựa trên những điều kiện thuận lợi đặc trưng của văn hóa, địa lý Việt Nam. Như vậy nếu hàng Việt biết cách phát triển và có những sự hỗ trợ để phát triển, những sản phẩm này có thể làm nguội đi "khí thế" của những thương hiệu riêng đến từ nước ngoài để buôn bán tốt tại bất kỳ siêu thị nào.