M&A DNNN: Nên "nới room" trên 51%

"Nguồn cung các thương vụ quy mô nhỏ trong khối tư nhân khá nhiều, nhưng do nhu cầu giữa người mua và người bán chưa khớp nhau nên chưa có nhiều thương vụ thành công", ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, nhận định về hoạt động M&A tại Việt Nam.

* Năm 2015 được dự báo sẽ bùng nổ mua bán và sáp nhập (M&A). Hiện đã qua nửa đầu năm, ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường này?

- Hiện số liệu M&A 5 tháng đầu năm chưa được cập nhật, nhưng theo quan sát của chúng tôi, mặc dù kết quả của nhiều thương vụ chưa được công bố, nhưng thị trường vẫn chuyển động khá đều.

Những tin tức về những thương vụ lớn với quy mô hàng trăm triệu USD như của Metro cuối năm ngoái và mới đây là Keangnam, dù chưa hoàn thành nhưng cũng đã khiến thị trường thức tỉnh và cũng là minh chứng cho những chuyển động trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Một lý do nữa là các kết quả cũng thường được thông báo vào nửa cuối năm nên vẫn có thể hy vọng một kết quả tốt cho năm 2015 này. Thực tế cho thấy năm 2014, giá trị thương vụ tăng 25% so với năm 2013.

* Liên quan đến M&A khu vực doanh nghiệp nhà nước, ông nhận xét thế nào?

- Khu vực này đang quá trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo kế hoạch của Chính phủ.

Trao đổi với chúng tôi, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, tín hiệu tích cực nhất mà họ thấy là cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thúc đẩy cổ phần hóa và đặc biệt là chủ trương mở rộng các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Ví dụ, hiện nay Việt Nam đã có kế hoạch cổ phần hóa những doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, cảng hàng không... Điều này chắc chắn làm cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước thấy có nhiều lựa chọn hơn.

Tất cả các nỗ lực trên của Nhà nước sẽ tạo tiền đề tốt, tạo hàng để thúc đẩy hoạt động M&A nói chung.

* Một loạt ngân hàng đã và đang thực hiện M&A song tình hình không sôi động như mong đợi. Theo ông, tại sao vậy?

- Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều đặc thù vì gắn liền với chương trình tái cơ cấu ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, so với các ngành hay lĩnh vực khác, hoạt động M&A ngân hàng có đặc thù riêng và xu hướng về chất hơn là về lượng.

* Những văn bản pháp lý vừa được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực trong năm nay, theo ông, sẽ tác động như thế nào đến thị trường M&A?

- Luật Doanh nghiệp sửa đổi có nhiều điều khoản tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp thực hiện M&A.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đánh giá cao nhất về danh mục ngành nghề hay lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ, vì quy định này sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư khi Nhà nước thoái vốn.

Một số ví dụ như trước đây, khi cổ phần hóa, Nhà nước chỉ bán cho nhà đầu tư chiến lược 10 - 20% nhưng bây giờ có thương vụ lên tới 51%, hoặc có thể thoái vốn 100% khi cổ phần hóa.

Những trường hợp minh chứng cho điều này là cổ phần hóa Công ty Triển lãm và Hội chợ Việt Nam hay sắp tới là Tổng công ty Rau quả - Nông sản.

Điều đó tốt hơn cho thị trường, bởi nếu bán 10 - 20% mọi người chỉ mua với tính chất đầu tư còn thực sự M&A phải trên 51%.

* Những yếu tố đó mang đến những tích cực cho thị trường, song với các nhà đầu tư, độ mở như vậy đã đủ chưa, thưa ông?

- Đó chỉ là điều kiện cần, còn đủ thì nó phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa.

Thực ra trong mấy trăm doanh nghiệp nhà nước không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp với nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ chọn mua một số ngành, lĩnh vực hiệu quả, cho nên bán những doanh nghiệp đang gặp khó khăn là không dễ.

Bản thân các doanh nghiệp cũng là một loại hàng hóa và khả năng tiêu thụ phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa đó và nhu cầu của các nhà đầu tư.

* Cảm ơn ông!