M&A 2015: Khi doanh nghiệp Việt tập trung vào chiều sâu

(NDH) Cùng với sự bùng nổ của các giao dịch M&A trên toàn thế giới năm 2015, Việt Nam cũng ghi nhận hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập, đặc biệt giữa các doanh nghiệp trong nước cùng ngành kinh doanh.

Mua bán sáp nhập (M&A) trở thành một mảng sáng nổi bật trong tình hình kinh tế toàn cầu năm 2015. Trên toàn thế giới, giá trị các thương vụ M&A ước tính đạt 4.600 tỷ USD vượt qua mức đỉnh năm 2007. Làn sóng mua bán sáp nhập tại châu Á cũng ghi nhận một kỷ lục với hơn 1.0000 tỷ USD giá trị giao dịch trong năm 2015.

Tại Việt Nam, năm 2015 được nhận định là khoảng giữa của làn sóng M&A thứ 2 (giai đoạn 2014 – 2018) 20 tỷ USD. Hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp Việt Nam đã được thực hiện trong năm qua ở nhiều ngành nghề lĩnh vực. Đây là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cùng với đó, làn sóng cổ phần hóa và thoái vốn đã gia tăng đáng kể nguồn cung cho các giao dịch M&A.

Khó khăn: Cơ hội và động lực của các thương vụ M&A 2015

Với những dấu ấn rõ nét của NHNN, công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện riết ráo nhất trong 4 năm tái cấu trúc. Có tới ba ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ngân hàng TMCP GPBank được NHNN mua lại trong năm nay với giá 0 đồng. Các ngân hàng này khi được NHNN mua lại 100% vốn đều đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ sau khi trích lập hàng nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng.

Cùng với đó, bằng nhiều tác động về chính sách, NHNN đã thúc đẩy các cuộc hôn nhân giữa ngân hàng TMCP trong nước và công ty tài chính. Nhận về tấm Giấy phép, ngân hàng TMCP có thể tham gia vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng vốn đang bị hạn chế cấp mới giấy phép. Đổi lại đó là việc “rước” các Công ty tài chính về cùng một nhà dù các công ty này không hoàn toàn tốt khi xét về tình hình kinh doanh, nợ xấu. Làn sóng mua lại công ty tài chính vốn đã xuất hiện từ các năm trước. Tiếp tục đã có thêm bốn thương vụ được thực hiện trong năm nay bao gồm Maritimebank mua CTTC cổ phần Dệt may Việt Nam, CTTC cổ phần Hóa chất Việt Nam về tay Techcombank, MBBank mua lại CTTC Cổ phần Sông Đà và gần đây nhất SHB cũng đã chính thức mua lại 100% vốn của CTTC Vinaconex Viettel vào cuối tháng 10/2015.

Bên cạnh ngân hàng, lĩnh vực chứng khoán cũng ghi nhận sự nở rộ của các thương vụ hợp nhất khi đây là năm đầu tiên có tới 2 thương vụ CTCK “về chung nhà”. Cụ thể, Chứng khoán Hải Phòng (HPC) hợp nhất với Chứng khoán Á Âu (AAS) và mới đây là cuộc hôn nhân giữa Phú Hưng và An Thành. Đây đều là các CTCK đang gặp khó khăn với số lỗ lũy kế ăn mòn không ít vốn điều lệ. Ước tính sẽ phải mất rất nhiều năm kinh doanh mới có thể hết lỗ nên phương án hợp nhất để làm sạch bảng CĐKT đã được các CTCK này lựa chọn để giải quyết khó khăn.

Ở lĩnh vực bất động sản, các dự án, công ty dự án gặp khó khăn khi có quỹ đất nhưng không thể thực hiện tiếp tục trở thành cơ hội của các ông lớn. Trong năm 2015, Vincom Retail , đơn vị thành viên của đại gia bất động sản Vingroup đã chi 2.149 tỷ đồng để thâu tóm CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi Sao Xanh (Blue Star JSC), chủ đầu tư dự án HH Khu Đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng. Tiếp tục nhắm tới khu Tây Hà Nội, Vingroup chi thêm 560 tỷ đồng để mua 67% cổ phần CTCP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì, khu đất có quy mô 32 ha và cách không xa khu đất HH mà Vincom Retail mua trước đó.

Không chỉ Vingroup, M&A giữa các doanh nghiệp bất động sản còn có sự xuất hiện của một cái tên khá mới CTCP Đầu tư Xây dựng Nhà Khang Điền. KDH đã thâu tóm hơn 57% vốn CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), một DN nắm lợi thế về đất, nhưng lại khá chậm chạp trong việc triển khai các dự án. Ngược lại với BCI, KDH lại có nguồn vốn khá dồi dào từ các kênh cổ phiếu và trái phiếu trong khi quỹ đất vẫn còn khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở quận 9. Sở hữu những tài sản tốt nhưng không đủ nguồn lực để hiện thực hóa lợi thế, hoặc do doanh nghiệp gặp khó khăn, nhu cầu vốn của bản thân cổ đông là các lý do khiến những “con cá lớn” có cơ hội mua lại không ít doanh nghiệp.

Cùng với đó, cạnh tranh gay gắt hơn trong ngành cũng là nguyên nhân các doanh nghiệp tìm đến nhau. Tình trạng cung đã vượt cầu khiến cạnh tranh trong ngành xi măng Việt Nam diễn ra ngày càng khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã chấp nhận về một nhà với Vicem. Trong tháng 11/2015, hai ông lớn vốn nước ngoài ngành xi măng là Holcim Việt Nam và Lafarge Việt Nam đã thực hiện M&A. Sự hợp sức của hai ông lớn này càng khiến DN xi măng trong nước càng gặp khó. Sẽ không lạ khi xu hướng sáp nhập giữa các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này nở rộ thời gian tới.

Ghi nhận trong năm 2015, hơn 96% vốn điều lệ của Xi măng Sông Lam 2 (PXI) đã được Tập đoàn Hoàng Phát Vissai mua lại từ Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA), doanh nghiệp này đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong ba năm gần đây. Xi măng Hoàng Long, một doanh nghiệp xi măng từ tỉnh Hà Nam mới đây cũng thông báo đã hoàn tất mua 31% vốn điều lệ của Xi măng Sài Sơn (SCJ) ở Sài Sơn, Hà Nội.

Hai thương vụ M&A trong ngành đường giữa BHS-NHS và SBT-SEC cũng đã chính thức hoàn tất trong năm 2015. SBT sau thương vụ sáp nhập này đã tăng vốn lên 1.856 tỷ đồng, đồng thời dự kiến chiếm lĩnh tới khoảng 11,1% toàn ngành đường Việt Nam.

Ở ngành kho bãi – tiếp vận (logistics), hoạt động đầu tư tài chính vào doanh nghiệp cùng ngành được nhiều doanh nghiệp coi là chiến lược kinh doanh. Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, khi mở cửa hội nhập, logistics nhìn chung sẽ hưởng lợi. Nhưng các DN Việt sẽ gặp cạnh tranh lớn hơn từ DN ngoại khi cuộc chơi trở nên “công bằng hơn”. Gia tăng hạ tầng , mở rộng độ phủ, liên kết với các doanh nghiệp trong ngành là những điều doanh nghiệp logistics có thể làm để tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập cận kề. Ngay từ đầu năm, Transimex Saigon (TMS) đã lên kế hoạch thâu tóm 51% Vinafrieght nhưng kế hoạch này vẫn chưa thành công do thanh khoản cổ phiếu này trên TTCK rất khiêm tốn. Sotrans (STG) dự kiến tới đây sẽ nắm giữ 65% cổ phần MHC…

Nông nghiệp – thực phẩm cũng là lĩnh vực chứng kiến hàng loạt các thương vụ M&A trong năm nay. Điển hình là sự xuất hiện của ông lớn PAN Group, một doanh nghiệp định vị lại ngành chính của mình sang lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2015, Tập đoàn này đã liên tục gia tăng sở hữu tại các doanh nghiệp nông nghiệp – thực phẩm lớn đang niêm yết trên sàn, qua đó trở thành công ty mẹ của Vinaseed (NSC), Southern Seed, XNK Thủy sản Bến tre (ABT) và Chế biến Hàng XK Long An (LAF). Kế hoạch sử dụng vốn của PAN Group trong đợt phát hành mới đây cũng là nhằm rót vốn để M&A và hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Một DNNY khác cũng đang có những bước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua M&A là GTN với dự định thâu tóm 4 DN thuộc diện cổ phần hóa. Hiện GTN đã nắm giữ 75% Tổng công ty Chè Việt Nam. Công ty này cũng đang trong giai đoạn 1 đầu tư mua 12% vốn Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico) và 35,4% vốn Công ty Lâm nghiệp Sài gòn (Forimex).

Ăn theo làn sóng cổ phần hóa, thóai vốn nhà nước

Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được nhận định là một trong các động lực chính cho làn sóng M&A Việt nam giai đoạn này. Dù chưa đạt được kế hoạch IPO đề ra nhưng yếu tố này đã tạo ra nguồn cung đáng kể cho các giao dịch M&A. Không chỉ GTN, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang nhắm tới DNNN đang chuẩn bị IPO. CTCP XNK Quảng Bình (QBS) đã lên kế hoạch tăng sở hữu tại một DN cùng ngành phân bón là Vinachimex lên 51%. Cổ phần tại nhiều doanh nghiệp đã được các Bộ ngành, Tổng công ty bán ra trong năm nay như gần đây là Gelex, Du lịch Kim Liên và Vinamotor cùng nhiều doanh nghiệp khác thời gian tới đây… Kéo theo đó là cơ hội mua vào để thâu tóm các doanh nghiệp này.

Thông qua IPO, cũng đã có rất nhiều đại gia đã nhanh chóng thâu tóm các doanh nghiệp mục tiêu như Vingroup nắm giữ 80% vốn tại CTCP Trung tâm Hội chợ Triển Lãm Việt Nam (VEF), bầu Hiển qua các công ty của mình đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối tại Cảng Quảng Ninh, Bệnh viện GTVT, Tổng công ty Rau quả Nông sản...

Ăn theo làn sóng cổ phần hóa, thóai vốn nhà nước, số lượng giao dịch của các thương vụ M&A nhờ đó đã tăng mạnh. Dự kiến, thời gian tới đây, khi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được thực hiện ráo riết cùng với chính sách rộng cửa hơn với nhà đầu tư nước ngoài, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh. Tuy nhiên, cuộc chơi khi đó sẽ thu hút được nhiều sự tham gia hơn đặc biệt là các tập đoàn lớn nước ngoài với nguồn vốn lớn cùng tham vọng gia nhập nhanh chóng vào thị trường Việt Nam.