Lương tối thiểu vùng: Bảo vệ ông chủ hay lao động?

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra mức dự kiến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng khoảng 11%. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói doanh nghiệp (DN) còn khó khăn, chưa chốt được mức đề xuất.

Dự kiến ngày 20/7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ nhóm họp phiên đầu tiên để bàn thảo phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Bộ LĐ-TB&XH vẫn “dè dặt” công bố đề xuất mức tăng của mình.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) tiết lộ, đơn vị này đề nghị tăng lương tối thiểu vùng 2017 từ 250 - 400 nghìn đồng/tháng (tùy theo vùng), tăng khoảng 11% so với năm 2016. Nếu xét về con số tuyệt đối, mức tăng này bằng mức tăng của năm 2016. “Mức đề xuất này chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, vừa đảm bảo cân đối giữa điều kiện DN và mức sống người lao động (NLĐ)”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, NLĐ luôn mong muốn lương cao để có cuộc sống tốt hơn, DN muốn ngược lại.

Ông Quảng dẫn khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐVN cho thấy, chỉ 20% NLĐ có mức thu nhập đủ sống, 8% có tích lũy, còn lại (72%) phải rất dè sẻn mới đảm bảo được cuộc sống. Dù chia sẻ khó khăn với DN, nhưng theo ông Quảng, lộ trình tăng lương để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ đã lùi nhiều lần, không thể lùi hơn nữa.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, DN đang rất khó khăn. Các DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, thủy sản… đều kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm tới. “Phải giãn tiến độ tăng lương để DN sống nữa chứ, năm nào cũng tăng thì DN vất vả lắm. Có những DN họ nói chỉ cần tăng lương 3-4% là chết chắc, nói gì cao hơn. Chưa kể, các khoản phí bảo hiểm, công đoàn đều ở mức rất cao”, ông Phòng nói. Hiện VCCI đang tiếp tục khảo sát, thu thập ý kiến các DN, phương án đề xuất tăng lương của đơn vị đại diện giới chủ sẽ có vào cuối tháng 7 này.

Về phía chủ sử dụng lao động, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, công ty ông có trên 9.000 lao động. Theo ông An, tăng lương để NLĐ sống tốt hơn, nhưng thực tế ngược lại. Ông tính toán, hiện DN trả chi phí cho NLĐ khoảng 6 triệu đồng/tháng (tính cả phí bảo hiểm, công đoàn), khi tăng lương các khoản phí cũng tăng theo, nên tiền lương thực nhận sẽ giảm xuống, chưa kể giá cả hàng hóa sẽ tăng theo lương.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện các DN gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu, các DN chế biến thủy sản đang chịu gánh nặng tăng lương, bảo hiểm, công đoàn… Do vậy, ông Nam kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2017. Đây cũng là đề xuất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

Mức tăng ra sao?

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, năm nay mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 giữa các bên sẽ không quá chênh lệch như năm 2015, 2016. Trước khó khăn của DN, ông Huân dự báo, mức tăng lương tối thiểu vùng tới sẽ thấp hơn năm 2016 (năm 2016 tăng 12,4%).

Ông Huân cho biết, từ đầu năm 2016 tới nay, ông đã gặp một số DN sử dụng nhiều lao động, không ít DN đề xuất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm tới, có DN đề xuất mức tăng thấp, trong khi NLĐ lại muốn tăng cao. Theo ông Huân, lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đã có nên phải tăng, nhưng mức tăng bao nhiêu có thể cân đối theo tình hình kinh tế, xã hội, biến động thị trường giá cả.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, năm nay hội đồng sẽ cải tiến hơn, việc xét tăng lương sẽ xét rộng hơn. Hội đồng không chỉ đánh giá thu nhập của lao động có quan hệ lao động (có hợp đồng lao động), năm nay sẽ xét cả thu nhập của lao động ở khu vực phi chính thức, lao động khu vực nhà nước. Đồng thời, mức tăng lương cũng phải xét tới yếu tố năng suất lao động, khả năng cạnh tranh quốc gia, sức phát triển DN... “Khi có cái nhìn tổng quan, chính sách ban hành ra sẽ cân bằng hơn”, ông Huân nói. Chỉ khi DN phát triển mới có khả năng mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và trả lương cũng cao hơn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, hiện tượng lương đang dựa vào chỉ số giá tiêu dùng và nhu cầu sống của NLĐ. Trong khi đó, đáng ra tiền lương tăng lên phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động, trên nguyên tắc bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động. Ngoài ra, luật quy định các thành phần kinh tế bình đẳng. Nhưng thực tế, bảng lương của DN nhà nước khác với bảng lương các thành phần kinh tế khác. Theo ông Lợi, hiện lương tối thiểu vùng tính trên cơ sở tháng do Chính phủ ban hành hằng năm, cách tính này các nước trên thế giới ít dùng, thay vào đó là tính lương tối thiểu theo giờ, nên Việt Nam cũng cần học hỏi để đảm bảo lương phản ánh đúng công sức lao động.

Theo kế hoạch, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng trong tháng 7 hoặc 8, để trình Chính phủ xem xét ký ban hành. Thời gian áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sẽ từ ngày 1/1/2017. Năm 2016, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng từ 250 - 400 nghìn đồng/tháng tùy theo vùng (tăng bình quân khoảng 12,4%).