Lúng túng xử lý nợ BHXH tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

Lúng túng xử lý nợ BHXH tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

Vấn đề xử lý, khoanh nợ, tính lãi chậm đóng của các DN bỏ trốn trên thực tế cũng rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tình trạngnợ BHXH, BHYT vẫn phổ biến, không chỉ nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài mà bao gồm nợ của các đơn vị khu vực DN nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại DN.

Theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố tính đến quý I/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT là gần 11,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,28% kế hoạch thu. Cụ thể, số tiền nợ BHXH, BHYT của các DN là gần 8,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,5 % tổng số nợ. Số tiền ngân sách nợ là gần 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, nợ của các DN ngừng hoạt động, chủbỏ trốnđang gây khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ). Theo báo cáo, nợ BHXH, BHYT của DN ngừng hoạt động là 613 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng số nợ; trong đó có 179 DN có chủ là người nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ là do cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, hiện tại Luật BHXH, BHYT và các văn bản hướng dẫn Luật BHXH, BHYT chưa quy định cụ thể vấn đề quản lý nợ BHXH, BHYT; chế tài chưa đủ mạnh, lãi suất chậm đóng thấp; công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT của các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

Đặc biệt, tổ chức BHXH chưa có chức năng thanh tra nên không phát hiện kịp thời những sai phạm về đóng BHXH, BHYT của các đơn vị tham gia BHXH. Mặt khác, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT thì không được xử lý vi phạm hành chính mà kiến nghị các cơ quan chức năng để kiểm tra, thanh tra và xử phạt. Đây là hạn chế và là khó khăn đối với tổ chức BHXH trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Việc chậm xử lý tài sản doanh nghiệp bỏ trốn khiến quyền lợi người lao động bị treo

Việc chậm xử lý tài sản doanh nghiệp bỏ trốn khiến quyền lợi người lao động bị treo

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ các biện pháp thu hồi, xử lý nợ BHXH, BHYT, điển hình là BHXH TP HCM đã quyết liệt khởi kiện DN nợ của BHXH, góp phần hạn chế tối đa DN có số nợ lớn…Việc giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho NLĐ tại các DN bỏ trốn nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Hiện nay, BHXH các tỉnh, thành phố đang giải quyết chế độ theo đúng thời gian chốt đóng ghi trên sổ BHXH của người lao động.

Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, giải quyết như vậy khó đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Vấn đề xử lý, khoanh nợ, tính lãi chậm đóng của các DN bỏ trốn trên thực tế cũng rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể. Đại diện Tổng LĐLĐ Việt kiến nghị cần xây dựng một giải pháp mang tính khoa học, chặt chẽ hơn; Luật Kinh doanh, Luật Hình sự, Luật BHXH cần phải có quy định ngăn chặn triệt để tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, trốn đóng BHXH; các quy định rằng buộc trách nhiệm của DN phải chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt phải mạnh hơn.

Tiếp thu ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh yêu cầu các Ban nghiệp vụ tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tình hình nợ và kiến nghị đề xuất xử lý nợ BHXH, BHYT; cập nhật lại số nợ BHXH, BHYT mới nhất; rà soát lại các quy định, chế tài pháp lý xử lý DN bỏ trốn, nêu rõ hướng đề xuất giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ tại các DN này.

Báo cáo này sẽ được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành trước khi trước khi trình Chính phủ. Phó Tổng Giám đôc Đỗ Văn Sinh cũng mong rằng, các Bộ, ngành sẽ chủ động cho ý kiến, đề xuất cụ thể vào báo cáo khi BHXH Việt Nam xin ý kiến, qua đó nhanh chóng trình Chính phủ, sớm đưa ra phương án giải quyết cụ thể, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động.

>>  Hà Nội công bố 10 doanh nghiệp FDI vắng chủ

Theo A.Khánh