Đến thời điểm hiện tại, đã có khá nhiều CTCK công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán quý I/2015 đã có những diễn biến khá tiêu cực nên hoạt động kinh doanh của nhiều CTCK đã không đạt được như kỳ vọng, tuy vậy, vẫn có những điểm sáng về lợi nhuận của các CTCK này.
* SSI và VCSC mới chỉ công bố BCTC của công ty mẹ
Thống kê khoảng 20 CTCK lớn cho thấy, tổng doanh thu quý I/2015 của các công ty này đạt hơn 1.543,4 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt hơn 442,68 tỷ đồng, giảm mạnh 51,7% so với quý I/2014.
Trong cơ cấu doanh thu của 20 CTCK lớn này, doanh thu môi giới và doanh thu tự doanh quý I/2015 giảm lần lượt 17,5% và 51,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu khác lại tăng 15,2% và đạt trên 691,6 tỷ đồng.
Việc khoản doanh thu môi giới và tự doanh cũng như lợi nhuận của các CTCK sụt giảm mạnh trong quý I/2015 được cho là do diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam không được thuận lợi, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đã có những biến động tiêu cực, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh và chỉ nằm trong khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi phiên, trong khi đó, ở quý I/2014 đợt cao điểm thanh khoản thị trường liên tục ở trên mức 5.000 tỷ đồng. Như vậy, với việc dòng tiền không chảy vào thị trường thì lợi nhuận của các CTCK suy giảm là điều dễ hiểu.
Quý I/2015, mặc dù mới chỉ công bố BCTC công ty mẹ, nhưng SSI vẫn tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận, với mức LNTT và LNST lần lượt là hơn 230,4 tỷ đồng và 185,5 tỷ đồng. Lợi nhuận quý I/2015 của SSI còn lớn hơn cả tổng lợi nhuận của ba CTCK đứng sau là HCM, ACBS và VNDS.
Được biết, trong quý I, SSI đứng đầu thị phần môi giới cả 3 sàn với thị phần nắm giữ tại sàn HoSe, HNX, Upcom lần lượt là 12,24%, 8,58% và 16,88% trong đó thị phần sàn UpCOM của SSI gấp đôi thị phần của CTCK đứng số 2.
Trong số 20 CTCK lớn mà NDH đã thông kê, chỉ có 5 CTCK là KIS, VPBS, MBKE, PSI và BVS có tăng trưởng lợi nhuận dương, trong khi có tới 25 CTCK tăng trưởng lợi nhuận âm.
Đáng chú ý nhất phải kể đến trường hợp của KLS, trong số 20 CTCK nói trên thì KLS là thành viên duy nhất báo lỗ ở quý I/2015. Cụ thể, quý I/2015, KLS báo lỗ tới hơn 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, công ty lãi trên 91,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân việc thua lỗ nặng trong quý I/2015 được KLS đưa ra là do quý này, công ty phải trích tăng chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 50,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, công ty được hoàn nhập hơn 21,8 tỷ đồng.
Về tăng trưởng lợi nhuận quý I/2015, KIS bất ngờ lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng, gấp 27 lần cùng kỳ năm 2014. Trong quý I/2015, doanh thu của KIS tăng 76% và đạt hơn 23,8 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của KIS, khoản doanh thu khác chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt hơn 16,5 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Việc doanh thu khác tăng mạnh là nhờ vào lãi tiền gửi ngân hàng tăng do tăng vốn và khách dùng dịch vụ tăng.