Logistics - Sức hút năm 2015

Nếu nhóm CP dầu khí đứng trước áp lực bán ra từ NĐT do giá dầu suy giảm, nhóm CP logistics lại là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu.

Tuy nhiên, tùy từng loại hình vận tải và đặc thù hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, sự biến động giá dầu sẽ có tác động khác nhau.

Kể từ tháng 6 đến nay, giá dầu liên tục giảm mạnh và tiếp tục xu hướng đi xuống. Giá dầu thô Brent châu Âu và WTI của Hoa Kỳ giao tương lai đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ mức sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày đã làm giá dầu tuột dốc.

Động thái này đã bắc thang cho dòng CP logistics trên toàn thế giới nhờ kỳ vọng chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận tăng đột biến, thậm chí đủ để xoay chuyển tình thế ở một số công ty đã thua lỗ nặng trong thời gian giá dầu leo thang giai đoạn trước.

Trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào CP Vietnam Airlines được tổ chức vào cuối tháng 10, lãnh đạo hãng hàng không này cho biết mỗi khi giá nhiên liệu giảm 1USD Vietnam Airlines tiết kiệm được từ 150-160 tỷ đồng/năm.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã giảm 13 lần với mức giảm tổng cộng 26,1% và 25% lần lượt đối với xăng RON 92 và dầu Diesel 0,25S. Từ khi giá dầu thô Brent mất mốc 100USD/thùng, TTCK Việt Nam chứng kiến các mã CP logistics với khối lượng giao dịch lớn tạo ra một cơn sóng tăng giá. Cụ thể, tính từ ngày 12-9 đến 23-12, giá dầu đã giảm 38%, tương ứng với mức tăng 14,5% của chỉ số giá CP logistics.

Theo phân tích của CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), tùy từng loại hình vận tải và đặc thù của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà sự biến động giá dầu sẽ có tác động khác nhau.

Hiện có khoảng 36 công ty thuộc ngành logistics đang niêm yết trên 2 sàn giao dịch, chủ yếu bao gồm: khai thác cảng, vận tải dầu khí, vận tải thủy hàng rời và container, vận tải đường bộ và dịch vụ logistics. Cụ thể, nhóm ngành khai thác cảng không chịu nhiều ảnh hưởng do chi chi phí nhiên liệu thường chiếm tỷ trọng 30-40% trong tổng chi phí.

Tuy nhiên, theo xu hướng hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua sử dụng các thiết bị chạy bằng điện như: CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) và CTCP Container Việt Nam (VSC), với chi phí nhiên liệu chỉ chiếm 7-8%. Do đó, mặc dù giá nhiên liệu giảm mạnh, biên lãi gộp của các doanh nghiệp này chỉ tăng nhẹ và tác động là không đáng kể. Ngược lại, mối lo ngại lớn nhất của các cảng này là các thông báo tăng giá điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các công ty vận tải hàng rời và container là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu giảm bao gồm: CTCP Đại lý liên hiệp và Vận chuyển (GMD), CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA). Những công ty này đều có tỷ lệ tàu chạy chuyến tuyến cao, tức là công ty phải chịu toàn bộ chi phí nhiên liệu.

Đơn cử trường hợp như VOS. Doanh nghiệp này hiện có 17/20 tàu chạy chuyến tuyến, dẫn đến chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% tổng chi phí và 50% doanh thu vận tải. Trong những năm trước, VOS đã phải chật vật duy trì hoạt động khi chi phí tăng mạnh theo giá dầu. Thực tế, VOS đã ghi nhận lỗ trong 2 năm liên tiếp 2012 và 2013 do mảng vận tải kinh doanh thua lỗ.

Tuy nhiên, giá dầu giảm trong những tháng cuối năm chưa thể giúp doanh nghiệp hết lỗ trong 9 tháng năm 2014 nên vẫn phải tái cơ cấu, bán những tàu thiếu hiệu quả và già cỗi, tái cơ cấu các khoản vay nợ để giảm chi phí lãi vay. Một thí dụ điển hình khác là GMD, vận tải thủy chiếm phần lớn trong mảng logistics, trong khi các hoạt động logistics khác như: cho thuê kho, vận tải đường bộ, dịch vụ logistics 3 bên (3PL) có biên lợi nhuận gộp lớn, thì mảng vận tải thủy vẫn ì ạch gắng gượng khi bối cảnh toàn cầu khó khăn.

Do các tàu của GMD hầu như đều chạy chuyến tuyến nên giá dầu giảm sẽ là cú hích cho biên lợi nhuận gộp của mảng này và giúp GMD sinh lợi nhiều hơn trong năm 2015.

Nhóm những công ty vận tải dầu khí trên sàn bao gồm 5 công ty: Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT), CTCP Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (GSP), CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP), CTCP Vận tải xăng dầu VITACO (VTO) và CTCP Vận tải xăng dầu đường thủy Petrolimex (PJT). Các doanh nghiệp này hầu hết đều có tỷ lệ cho thuê tàu định hạn hoặc thuê tàu trần cao.

Nghĩa là các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng rất ít khi có sự biến động về giá dầu, mà phần nhiều chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu vận chuyển dầu. Trong thời điểm giá dầu xuống, nhu cầu tiêu thụ dầu của các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc tăng lên đáng kể. Do đó, các tàu chạy tuyến châu Á sẽ được hưởng lợi rõ ràng.

Giá dầu giảm mang lại kỳ vọng lợi nhuận cho nhóm logistics.


Trong dài hạn, giá cước vận tải sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm giá dầu. Tuy nhiên, vì mặt bằng giá cước chung vẫn đang thấp do ngành vận tải biển ở Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn, trước mắt lợi ích từ chi phí đầu vào giảm là rất lớn.

Thêm vào đó, thời điểm cuối năm thường là lúc các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như lượng hàng hóa nội địa tiêu thụ nhiều hơn nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng. Kết hợp với yếu tố chi phí giảm, kỳ vọng kết quả kinh doanh của nhóm các công ty này là khả quan cho thời điểm cuối năm 2014 và cả năm 2015.