Đã có tới10 loại phụ phí vô lý. Phụ phí tăng tới 20% mỗi năm. Triệt tiêu hay giảm mức thu phụ phí đã được đặt lên bàn nghị sự tại Hội nghị của Cục Hàng hải Việt Nam với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh, Hiệp hội chủ tàu, các doanh nghiệp… tổ chức ngày 10-9, nhằm tìm ra hướng giải quyết tối ưu nhất.
Tại Hội nghị, các đơn vị liên quan đã chỉ danh các phụ phí hiện nay mà các DN Việt phải trả cho các chủ tàu nước ngoài như: Phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container (CIC hoặc CIS), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí kho bãi… Trên nguyên tắc, các phụ phí này không nằm trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, không phải bây giờ mới có những khoản phụ phí hết sức vô lý như vậy. Sự phát sinh trong quá trình vận hàng, tập kết hàng đã "nảy” ra những phụ phí khiến chủ hàng thiệt thòi. Ví dụ như phí cảng, có những trường hợp do vắng khách, các cảng hạ giá. Các chủ tàu thu tiền chủ hàng không thay đổi nhưng cứ cảng nào rẻ thì nhảy vào. Từ đó, các loại phụ phí ăn chêch lệch nảy sinh, xảy ra câu chuyện rối loạn phụ phí. "Hiện nay, bản thân các chủ hàng trả tiền mà họ không biết rằng các hãng tàu trả cho cảng bao nhiêu, ăn chênh lệch như thế nào. Nhà nước biết nhưng vẫn buông lỏng với tư duy: Họ thỏa thuận phí, thỏa thuận đơn hàng họ phải tự lo lấy. Rõ ràng, đây là thiếu sót trong chính quản lý nhà nước. Nảy sinh "sân chơi” biến tướng các loại phụ phí hiện nay”, theo ông Sơn.
Đồng tình quan điểm này, ông Phan Thông- Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng nhấn mạnh, hàng chục năm nay các chủ hàng Việt rất thiếu sự bảo vệ. Hiệp hội chủ hàng và VCCI gần như chưa phát huy được vai trò của mình khi các công cụ trong tay còn thiếu và yếu. Rất nhiều phụ phí vô lý, ví dụ như phí dịch vụ container. Phí này do chủ hàng trả trực tiếp cho chủ tà. Tuy nhiên, mức thu của cảng là 35 - 46 USD/ container 20 feet nhưng chủ tàu thu tới 90-110 USD/container 20 feet để ăn chênh lệch. Chủ hàng Việt biết nhưng phải chịu. Thực tế cho thấy, chủ tàu nước ngoài hiện đang vận tải tới 80% lượng hàng đi/đến Việt Nam. Chính vì vậy, họ đang có "quyền” tạo áp lực, bắt chẹt chủ hàng Việt.
Tại Hội nghị, có nhiều ý kiến cho rằng, có một số tuyến hiện nay, cước phí còn thấp hơn phụ phí rất nhiều lần. Chính từ sự vô lý ấy, các đơn vị liên quan cần rà soát ngay với chủ tàu nước ngoài. Cần phải đăng ký tuyến vận tải, phí theo tuyến công khai, rõ ràng. "Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được điều này khi có trong tay Luật Cạnh tranh, Luật Hàng hải. Phải cầm gậy trong tay mới hy vọng chấm dứt được những phụ phí vô lý”, ông Thông nêu quan điểm.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, số lượng DN thực tế có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng trên 50.000, trong đó lượng hành hóa xuất nhập khẩu bằng container của 3 ngành dệt may, da giày, chế biến chiếm gần 40% sản lượng. Chính từ con số ấy, tiền phụ phí của riêng da - giày Việt Nam đã rơi vào khoảng 110 triệu USD. Con số phụ phí lạm thu thực tế sẽ rơi vào khoảng… 1 tỷ USD, vào các chủ tàu nước ngoài thay vì những DN trong nước.
Rõ ràng ở đây buộc phải cần có vai trò điều tiết của nhà nước. Bởi lẽ, các DN Việt chịu gánh nặng về phí sẽ "bổ” lên đầu người dân, và nhân dân mới chính là người chịu đắng cuối cùng. Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, sự vô lý ấy cần phải triệt tiêu hoặc một số phụ phí sẽ giảm xuống cho đúng với thực tế. Chính vì vậy, Cục Hàng hải tới đây sẽ làm việc với các cảng biển, các cảng vụ và các chủ tàu nước ngoài nhằm xử lý các phụ phí. "Song cũng cần nhấn mạnh về trách nhiệm xử lý phụ phí khi chưa rõ ràng. Do VCCI hay Cục Hàng hải ? Có "gậy” trong tay mới có thể đề xuất với Bộ GTVT, Chính phủ để triển khai thực hiện tránh kéo dài, gây bức xúc, thua thiệt cho DN, chủ hàng”, ông Nhật nhấn mạnh.
Được biết, sẽ có 3 loại phí vô lý sẽ được loại bỏ ngay, là phí vệ sinh container, phí sửa chữa container và phí đặt cọc container lạnh. Các loại phí khác sẽ được giảm giá, giảm phí cho phù hợp với điều kiện tại các cảng Việt Nam. Cục Hàng hải sẽ tổ chức Ban xử lý phụ phí để gỡ khó cho DN. Cụ thể có sự tham gia của các đơn vị: Cục Hàng hải , Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội chủ hàng, Hiệp hội ngành hàng… Dự kiến, Ban sẽ thành lập ngay trong tháng 9-2014.
>>
Oằn lưng cõng phí
Theo Tuấn Việt