Lộ đối tác Pháp của siêu Tổng công ty Cảng hàng không

Nếu được chọn là cổ đông chiến lược, đối tác đến từ Pháp chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm cho Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thời hậu cổ phần hóa.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Aeroport de Paris là ai?

Đúng 48 giờ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp) rất nhanh chóng gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng xác nhận quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này. Không chỉ vậy, Aeroport de Paris cũng cam kết sát cánh hỗ trợ ACV tiến hành cổ phần hóa thành công.

Theo ông Frederic Dupeyron, Tổng giám đốc Aeroport de Paris, trong nhiều tháng qua, Tập đoàn đã cùng các tư vấn của mình dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho quá trình trở thành đối tác chiến lược của ACV khi phương án cổ phần hóa được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.

CEO Aeroport de Paris cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng để làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải nhằm đạt mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của ACV theo đúng lộ trình cổ phần hóa được Chính phủ Việt Nam thông qua, mà trước mắt là việc tiếp cận ngay các thông tin dữ liệu của doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng hiểu được rằng, tìm được một đối tác chiến lược tốt sẽ ngay lập tức làm gia tăng sự thành công của IPO trong nước, đồng thời sẽ có tác động quan trọng tới quá trình huy động vốn và phát triển cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành", ông Federic Dupeyron chia sẻ.

Là tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp hàng không, Aeroport de Paris đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu như: Paris - Charles de Gaulle và Paris - Orly. Năm 2014, các cảng hàng không tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ do ADPM vận hành đã phục vụ hơn 220 triệu hành khách, đạt doanh thu 3 tỷ EUR.

Các thành công mới nhất của Tập đoàn này là việc nhượng quyền cảng hàng không Zagred - Croatia năm 2013); Santiago de Chile năm 2015 và các cảng hàng không Madagascar năm 2015.

Được biết, Aeroport de Paris là nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm sớm nhất trong việc trở thành đối tác chiến lược của ACV. Những cuộc tiếp xúc với Bộ Giao thông - Vận tải, ACV của Aeroport de Paris được ghi nhận ngay từ đầu năm 2014 đã cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư Pháp.

Nhiều điểm tương đồng

Ngoài tiềm lực tài chính, kinh nghiệm 70 năm vận hành các cảng hàng không quốc tế, đối tác đến từ Pháp có lịch sử hình thành khá giống với ACV, nên đây có thể xem là một lợi thế không nhỏ của Aeroport de Paris.

Cụ thể, phải mãi đến tháng 6/2006, Aeroport de Paris mới hoàn thành việc IPO với 32% cổ phần được bán ra, trong đó 30% bán cho nhà đầu tư tư nhân, cá nhân; 2% cho công nhân viên. Từ năm 2008 tới nay, Chính phủ Pháp đã có 2 đợt thoái vốn tiếp với tổng cộng lượng cổ phần sở hữu nhà nước được bán ra chiếm 19% vốn điều lệ. Mặc dù vậy, hiện Chính phủ Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát trong Tập đoàn với 51% vốn điều lệ.

Cần phải nói thêm rằng, ngoài Aeroport de Paris, kế hoạch cổ phần hóa ACV đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập 3 tổng công ty cảng hàng không (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, 3 công ty con. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.

Trên thực tế, ACV cũng là một trong những doanh nghiệp liên tục làm ăn có lãi trong ngành giao thông - vận tải, với "hai con gà đẻ trứng vàng" là Sân bay Nội Bài và Sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của ACV đạt 8.586 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, ACV công bố mức lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng ước đạt hơn 400 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù chịu tác động rất lớn của những bất ổn về địa chính trị trên thế giới, an ninh hàng không diễn biến phức tạp, nhưng lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV vận hành trong năm 2015 dự kiến vẫn đạt 54 triệu lượt, tăng 22%; hàng hóa bưu kiện đạt 902.000 tấn, tăng 15% so với năm 2014.

Năm 2015, ACV được giao chỉ tiêu kế hoạch như sau: doanh thu và thu nhập khác là 9.810,5 tỷ đồng, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 1.307,6 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 7,9%.