Việc Fed khởi động chu kỳ tăng lãi suất - đặc biệt lại là lần đầu tiên kể từ tận ngày 29/6/2006 – chắc chắn sẽ gây ra nhiều biến động và lo ngại cho thị trường.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng thị trường chứng khoán đã không giảm sau hành động của Fed. Thực tế, thị trường chứng khoán đã tăng trong các thời kỳ Fed tăng lãi suất.
Trong 6 chu kỳ tăng lãi suất trong quá khứ tính từ năm 1983, có 3 lần chỉ số Standard & Poor 500 đã giảm trong ngày Fed tăng lãi suất lần đầu tiên của chu kỳ. Lần giảm mạnh nhất là vào tháng 2/1994, khi chỉ số S&P giảm 2,3%. Trong khi đó, chỉ số này đã tăng 2,3% trong ngày đầu tiên Fed tăng lãi vào tháng 1/1987 và tăng 1,6% trong ngày tăng lãi suất vào tháng 6/1999.
Điều đáng lo ngại ở chu kỳ này là Fed đã không tăng lãi trong gần một thập kỷ qua và đã giữ lãi suất ngắn hạn gần mức 0% trong thời gian dài đến nỗi các nhà đầu tư và thị trường đã trở nên nghiện với cái gọi là “tiền rẻ”.
Một số chuyên gia đánh giá mức lãi suất thấp đã trở thành động lực chính thúc đẩy cổ phiếu trong 6 năm rưỡi qua - giai đoạn mà thị trường Mỹ đã tăng gấp hơn 3 lần về giá trị.
Nhưng với sự dịch chuyển từ chính sách siêu lỏng sang chính sách bớt lỏng, từ giai đoạn lãi suất suy giảm và thấp kỷ lục sang giai đoạn tăng lãi suất, kết hợp với việc các nhà đầu tư gần đây đang trở nên thận trọng sau lần điều chỉnh 10% của thị trường chứng khoán lần đầu tiên kể từ năm 2011, cộng với dấu hiệu về sự giảm tốc đáng kể của kinh tế Trung Quốc, sự cảnh giác trên Wall Street đã lên cao.
Một số người lo sợ việc rút lại các biện pháp hỗ trợ khỏi nền kinh tế sẽ gây rối loạn cho thị trường chứng khoán. Những người khác cho rằng kịch bản đó không đến nỗi tệ như vậy.
Theo một chiến lược gia của hãng Nuveen Asset Management, các dấu hiệu mới nhất gắn với việc chứng khoán điều chỉnh giảm hay đang chuyển sang một “thị trường con gấu” là Fed bắt đầu tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu tăng lên, nhưng lịch sử lại không cho thấy kịch bản như vậy.
Dữ liệu lịch sử trong 6 chu kỳ thắt chặt chính sách của quá khứ đang ủng hộ quan điểm của ông. Tuy 2 trong số 6 chu kỳ tăng lãi suất chứng khoán đều giảm sau 1 năm tăng lãi suất lần đầu, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn đạt mức tăng trung bình trong cả 6 chu kỳ đó là 2,6%. Và sau 2 năm kể từ bắt đầu tăng lãi suất, thị trường đã tăng bình quân 14,4%.
Theo hãng BMO Capital Markets, nếu thị trường chứng khoán giảm khi Fed tăng lãi suất, đợt giảm này có thể không kéo dài và nên được coi là cơ hội mua vào. Việc tăng lãi suất nên được hoan nghênh chứ không phải bài bác.
Dữ liệu của BMO Capital Markets cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế của Mỹ và chỉ số S&P 500 đều trở nên tốt hơn bình thường trong 5 chu kỳ tăng lãi suất trong quá khứ vì những chu kỳ thắt chặt chính sách này thường xảy ra khi nền kinh tế đang hoạt động tốt.
Điều có thể làm giảm biến động trong chu kỳ này là Fed đã nói rằng họ sẽ tăng lãi suất từ từ để giảm thiểu sự xáo trộn cho thị trường. Tóm lại, tốc độ thắt chặt chính sách mới là điều quan trọng nhất.
Chu kỳ tăng lãi suất hiện tại của Fed cũng bắt đầu với việc lợi suất trái phiếu (hiện ở mức 0-0,25%) thấp hơn nhiều so với khi Fed bắt đầu các chu kỳ thắt chặt quá khứ. Trong 6 chu kỳ tăng lãi suất trước đó, lãi suất chủ chốt của Fed trung bình là gần 5%. Nếu như vậy, lãi suất còn rất nhiều dư địa để tăng trước khi trở thành một yếu tố chính kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Maury Harris, nhà kinh tế toàn cầu của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, cho rằng nỗi sợ hãi đối với Fed hiện nay là thái quá.
Ông đưa ra một vài lý do giải thích tại sao các nhà đầu tư không nên lo sợ như thế. Thứ nhất, chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ dài, nghĩa là tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ không bị ảnh nhiều trong ngắn hạn. Thực tế, tăng trưởng lại có xu hướng tăng tốc ngay khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt.
Thứ hai, giai đoạn giữ lãi suất gần 0% của Fed có thể sẽ được tiếp nối bằng một chu kỳ tăng lãi suất chậm chưa từng có. Vì vậy, ông Harris lập luận rằng trừ khi lạm phát tăng vọt và khiến Fed phải hành động mạnh tay hơn, nền kinh tế và thị trường sẽ vẫn hoạt động tốt bất chấp việc tăng lãi suất.
Ông Harris cho biết thông thường thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động mạnh chỉ sau khi Fed tăng lãi suất liên tục. Nhưng trong thực tế, những chu kỳ tăng lãi suất mạnh tay hơn bắt đầu vào các tháng 3/1998, tháng 6/1999 và tháng 6/2004 cuối cùng lại dẫn đến suy thoái.
Dù Fed có thể gây ra cuộc suy thoái và khiến chứng khoán rơi vào một “thị trường con gấu” bằng việc tăng lãi suất, điều đó chỉ xảy ra khi FED đang tích cực chống lạm phát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, không hề có dấu hiệu nào cảnh báo về lạm phát.