"Lao đao" vì trích lập dự phòng

(NDH) Năm 2014 ghi nhận kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết "lao đao" vì phải thực hiện trích lập dự phòng. Mới đây, OCH gây bất ngờ lớn khi báo lỗ gần 760 tỷ đồng cũng chỉ bởi nguyên nhân trên.

Từ doanh nghiệp

Cuối tháng 1/2015, CTCP Việt An (mã AVF- UpCom) gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi thông báo khoản lỗ khủng 736 tỷ đồng trong quý IV/2014, qua đó kéo khoản lỗ cả năm 2014 lên 892 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu bởi AVF phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, đồng thời kiểm kê, đánh giá lại giá trị thực thành phẩm tồn kho và chi phí dở dang vùng nuôi.... Chi phí của công ty tăng vọt khiến AVF đã bị âm vốn điều lệ tới 367 tỷ đồng.

AVF sau đó phải liên tục trì hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán với lý do cần thời gian để thống nhất với đơn vị kiểm toán, thực hiện tái cấu trúc toàn diện công ty. Cho đến thời điểm hiện tại, báo cáo kiểm toán của AVF vẫn chưa được công bố tới các nhà đầu tư. Do vi phạm công bố thông tin nên công ty này đã bị Sở GDCK Tp.HCM buộc rời sàn và đang giao dịch trên UpCom. Dự kiến, tháng 8 tới, AVF sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên.

Mới đây, CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (mã OCH - HNX) cũng vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán riêng công ty mẹ lỗ tới 757 tỷ đồng, trong theo báo cáo tài chính do công ty tự lập trước đó, lợi nhuận năm 2014 của công ty mẹ OCH lãi xấp xỉ 27 tỷ đồng. (Xem chi tiết kết quả kinh doanh công ty mẹ OCH sau kiểm toán)

Nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty mẹ OCH sụt giảm tới 784 tỷ đồng là do chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng mạnh. Công ty đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản phải thu của ông Hà Trọng Nam và khoản đầu tư vào CTCP dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển đầu tư.

Việc trích lập dự phòng này đã được các cổ đông OCH thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015. Ban đầu OCH trình và xin ý kiến cổ đông được trích lập 4 khoản mục gồm ứng ước tiền bán cho Viptour (40,6 tỷ đồng); gốc và lãi phải thu của ông Hà Trọng Nam (628 tỷ đồng); đầu tư tài chính dài hạn VNT (204 tỷ đồng) và đầu tư công ty con Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư IOC (173 tỷ đồng).

Hiện tại OCH chỉ mới cung cấp BCTC công ty mẹ, báo cáo tài chính hợp nhất vẫn chưa được công bố. Cũng vì lý do chậm trễ trong công bố thông tin, sau một thời gian bị kiểm soát, cổ phiếu OCH đã bị HNX yêu cầu tạm ngừng giao dịch từ ngày 13/7/2015.

CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC- HOSE) cũng "lao đao" khi khoản đầu tư vào OceanBank bỗng dưng mất trắng. Được biết, vào tháng 4/2015, phần vốn góp tại OceanBank của Tập đoàn Đại Dương được NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. BCTC năm 2014 phải trích lập khoản dự phòng toàn bộ đối với khoản đầu tư vào OceanBank lên tới 971 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính do OGC công bố tại ĐHĐCĐ thường niên lần thứ nhất, Tập đoàn này lỗ 1.370 tỷ đồng. So với con số lãi 300 tỷ đồng tạm tính (chưa gồm kết quả kinh doanh của OceanBank), lợi nhuận của OGC đã giảm 1.670 tỷ đồng. Sự biến động lớn trên cũng còn do công ty con OCH của OGC chuyển từ lãi sang lỗ.

OGC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần thứ hai vào ngày 13/7 tới do lần đầu không đạt tỷ lệ cổ đông tham gia cần thiết. Sau đó, vào ngày 14/7, OGC sẽ bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, chỉ giao dịch phiên chiều.

....tới các ngân hàng

Không chi các doanh nghiệp mà kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng lớn do phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu , đặc biệt trong bối cảnh áp lực phải đưa nợ xấu về dưới 3%.

Như trường hợp của Ngân hàng TMCP Eximbank (mã EIB- HOSE). Quý IV/2014, dự phòng rủi ro của ngân hàng này đã tăng vọt gấp gần 5 lần cùng kỳ, lên đến 589 tỷ đồng. Kinh doanh không gánh nổi chi phí, cùng khoản dự phòng lớn khiến cho Eximbank lỗ trước thuế quý 4 tới 878 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ đạt 69 tỷ đồng, tương đương gần 10% lợi nhuận năm 2013.

Cũng vì các khoản chi phí trích lập dự phòng rủi ro, một số ngân hàng phải gánh những khoản lỗ lớn năm 2014, thậm chí dẫn tới trường hợp âm vốn điều lệ, không đáp ứng đủ vốn pháp định sau đó được NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Rủi ro quản lý chất lượng tài sản

Các tài sản của doanh nghiệp khi bị giảm giá/nghi ngờ khả năng thu hồi/có tổn thất đầu tư... sẽ được các doanh nghiệp trích lập vào khoản mục Dự phòng tổn thất tài sản (theo thông tư 200). Chất lượng của các tài sản này (gồm hàng tồn kho, khoản phải thu, khoản đầu tư tài chính, chứng khoán kinh doanh...) sẽ được công ty tự đánh giá và cũng được tổ chức kiểm toán soát xét bán niên và kiểm toán hàng năm.

Tuy nhiên, việc giá trị tài sản của doanh nghiệp bỗng dưng "bay hơi", khiến công ty phải trích lập dự phòng với con số khổng lồ không khỏi khiến nhà đầu tư đặt nghi ngại trong vấn đề quản lý chất lượng tài sản của các doanh nghiệp.

Do là một khoản mục "dự phòng" nên việc trích lập không đồng nghĩa với việc công ty đã mất tài sản đó. Trong tương lai, nếu tài sản khôi phục giá trị, hoặc khoản phải thu quá hạn được thu hồi, công ty sẽ hoàn nhập lại khoản dự phòng.

Không rõ tương lai các khoản mục dự phòng các công ty này sẽ về đâu nhưng đến nay với sự chậm trễ trong công bố thông tin, AVF đã bị hủy niêm yết trên HoSE. OGC và OCH tới đây sẽ bị kiểm soát đặc biệt/tạm ngừng giao dịch.