Làm thế nào một công ty QLQ vốn 25 tỷ kiểm soát danh mục gấp 20 lần vốn điều lệ?

Làm thế nào một công ty QLQ vốn 25 tỷ kiểm soát danh mục gấp 20 lần vốn điều lệ?

Một công ty QLQ quy mô vốn 25 tỷ hoàn toàn có thể xây dựng được hệ thống hiệu quả, cho phép quản lý danh mục có quy mô lớn gấp nhiều lần.

Một báo cáo của UBCK vào cuối năm 2014 cho thấy số lượng các công ty quản lý quỹ còn hoạt động đến cuối năm 2014 là 43 công ty, quản lý hơn 200 hợp đồng với tổng giá trị ủy thác đạt trên 100 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 6/2015, số công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường chỉ còn có 41 công ty. Như vậy, hoạt động tái cấu trúc đã thu hẹp gần 20% số lượng các công ty quản lý quỹ.

Theo số liệu được công bố trong báo cáo tài chính của các công ty quản lý quỹ, tính đến ngày 30/6/2015, trong 15 công ty quản lý quỹ có danh mục ủy thác lớn nhất thị trường, quản lý danh mục gần 33.740 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm trong đó riêng quản lý quỹ Bảo Việt danh mục ủy thác lên tới hơn 26.900 tỷ, tăng 14% đầu năm.

Các công ty quản lý quỹ có danh mục ủy thác tăng mạnh so với đầu năm cóQLQ Bảo Việt (tăng 3.200 tỷ, gần 14%), Vietinbank Capital (tăng 300 tỷ, 19,3%), SGI (tăng 307 tỷ, gấp 6 lần đầu năm), QLQ Vietcombank (tăng 129 tỷ, 13,4%),MB Capital (146 tỷ, tăng 29%), PVIAM (mới thành lập, quản lý quỹ 384 tỷ),IPA (tăng nhẹ, quản lý quỹ 376 tỷ).

Trong khi đó một số công ty quản lý quỹ có danh mục ủy thác giảm mạnh như SHF (giảm 100 tỷ, 66%), liên doanh BIDV - Vietnam Partners, số vốn của các quỹ do công ty quản lý đã giảm hơn 400 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2015, từ 1.255 tỷ xuống còn 837 tỷ.

SSIAM quản lý 1.453 tỷ, tuy nhiên theo nguồn tin của chúng tôi con số ngoại bảng trên báo cáo tài chính không phản ánh hết số vốn của SSIAM quản lý, quỹ này thực tế có thể quản lý số vốn gấp 3 lần số trong báo cáo tài chính. Hay như Vinafund quản lý các quỹ VF1, VF2, VF4 vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Quản lý quỹ Bảo Việt đang quản lý danh mục cho Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Việt Nhân Thọ, danh mục cho công ty nhiệt điện Phả Lại, Vinare, Bảo Việt Tokio Marine và quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED).

Bà Nguyễn Kim Thúy - Giám đốc Phân tích Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt cho biết, việc phân bổ tài sản trong danh mục của công ty QLQ rất đa dạng và phụ thuộc vào đặc thù từng danh mục như: khẩu vị rủi ro, mục tiêu đầu tư và hạn chế đầu tư của khách hàng. Tổng tài sản quản lý của BVF là hơn 1 tỷ USD. Với số tài sản quản lý lớn như vậy, hiện nay BVF đầu tư cả vào các lớp tài sản lãi suất cố định (fix income) và cổ phiếu, trong đó danh mục cổ phiếu chiếm 700 tỷ, danh mục trái phiếu gần 19.500 tỷ, tiền gửi có kỳ hạn gần 6.700 tỷ.

Thực tế cho thấy trong 16 công ty quản lý quỹ được đánh giá có số vốn điều lệ 1.790 tỷ đồng (trong đó riêng vốn của Vietinbank Capital là 950 tỷ, chiếm hơn một nửa), các công ty này đang quản lý danh mục ủy thác lên tới 34.400 tỷ, tương đương gấp 19,2 lần vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của các công ty quản lý quỹ tính đến 30/6/2015

Quản lý danh mục ủy thác gấp 20 lần vốn điều lệ

Khi chúng tôi đặt câu hỏi làm thế nào các công ty quản lý quỹ có quy mô vốn rất bé (từ 25-50 tỷ đồng) song quản lý một danh mục ủy thác khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ, bà Nguyễn Kim Thúy - Giám đốc Phân tích Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt cho rằng quy mô vốn của công ty quản lý quỹ không/ít liên quan đến quy mô của danh mục ủy thác. Vốn của công ty quản lý quỹ được sử dụng chủ yếu để đầu tư hệ thống phần mềm, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật...

Bà Thúy phân tích một công ty QLQ quy mô vốn 25 tỷ hoàn toàn có thể xây dựng được hệ thống hiệu quả, cho phép quản lý danh mục có quy mô lớn gấp nhiều lần. Có thể nói, việc các công ty quản lý quỹ có thể quản lý danh mục quy mô vốn lớn của khách hàng là dựa trên uy tín của công ty quản lý quỹ; tính chặt chẽ của các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng ủy thác; quyền giám sát của khách hàng hoặc phân cấp của khách hàng cho công ty QLQ tùy mức độ; chính sách quản lý rủi ro theo quy định áp dụng cho mỗi danh mục; Các cơ quan giám sát tuân thủ chặt chẽ.

Áp lực huy động quỹ mới

Theo bà Nguyễn Lệ Hằng, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ FPT (FPT Capital), khó khăn lớn nhất của các công ty quản lý quỹ trong thời điểm hiện nay là huy động vốn ủy thác từ các nhà đầu tư.

Nguyễn Lệ Hằng, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ FPT
Hiện tại danh mục quản lý của nhiều công ty quản lý quỹ phần lớn đều là danh mục quản lý của công ty mẹ hoặc các đơn vị có mối quan hệ khách hàng truyền thống từ lâu đời như SSI AM hiện đang quản lý một lượng lớn danh mục tự doanh cho công ty mẹ là công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI). Một số các công ty quản lý quỹ khác cũng đã phát hành thành công chứng chỉ quỹ mở, nhưng thực chất cũng là do vốn của công ty mẹ bỏ vào.

Bà Hằng cho biết, đối với FPT Capital, ngoài hoạt động quản lý Quỹ trong đó chủ yếu là vốn từ Tập đoàn SBI, cổ đông lớn nhất của FPT Capital, công ty còn đang quản lý danh mục ủy thác cho các khách hàng cá nhân và tổ chức lớn, bao gồm cả tổ chức nước ngoài như quỹ mở NewS FPT Capital Trust Vietnam Balanced Fund được thành lập tại Cayman.

Đánh giá về Nghị định 60 có hiệu lực về việc khối ngoại được mua 100% vốn của công ty quản lý quỹ, bà Hằng cho biết Nghị định này sẽ tạo động lực để các công ty quản lý quỹ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến chất lượng dịch vụ cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Những công ty hoạt động yếu kém chắc chắn sẽ bị đào thải hoặc được nhà đầu tư nước ngoài mua lại toàn bộ.

Đây cũng là áp lực buộc các công ty phải củng cố năng lực tài chính cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh nếu không muốn bị thâu tóm. Kiểm soát rủi ro là vấn đề chính đối với bất kỳ công ty quản lý quỹ nào trong quá trình quản lý vốn ủy thác cho khách hàng.