So với mức "đỉnh" năm 2011 (thời điểm lãi suất cho vay ở mức 17-25%/năm), lãi suất cho vay hiện giảm tương đối sâu, còn khoảng 7-11%/năm. Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại với ngành ngân hàng mới đây, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lãi suất cho vay hiện vẫn quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và so với tỷ lệ lạm phát, khiến 60% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi.
Rất nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, tuy lãi suất đã giảm, nhưng tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp hiện giảm mạnh so với trước đây, cho nên, với mức lãi suất hiện nay, doanh nghiệp chỉ đủ sức cầm cự, chứ chưa có lãi.
Thêm vào đó, một trong những kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn trước mắt là hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết sẽ mở ra cơ hội lớn. Thế nhưng, cơ hội này có thể trở thành nguy cơ một khi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ở thế yếu so với doanh nghiệp các quốc gia khác. Đơn cử, so với các nước trong Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) hay các nước tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), lãi suất cho vay ở Việt Nam đang cao gấp 3-4 lần. Với mức lãi suất này, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đang bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Lẽ ra ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp phải dồn sức đầu tư nhà máy, mua sắm trang thiết bị, mở rộng quy mô… để chuẩn bị cho AEC, TPP và hàng loạt FTA khác, nhưng lãi vay trung và dài hạn quá cao đang khiến họ dè dặt đầu tư. Ở chiều ngược lại, khối doanh nghiệp FDI lại rất hào hứng tăng đầu tư vào Việt Nam. Với lợi thế vốn rẻ, lại đi trước một bước, khối doanh nghiệp FDI ngày càng vượt xa doanh nghiệp nội trong cuộc đua chuẩn bị tận dụng lợi thế từ các FTA.
Để giúp nền kinh tế phục hồi vững chắc và có sức đột phá, trước hết, doanh nghiệp phải mạnh. Muốn làm được điều này, Chính phủ phải có giải pháp mạnh tay hơn nhằm kéo giảm lãi suất xuống ở mức cạnh tranh so với các nước đối thủ của Việt Nam, nhất là các nước tham gia TPP.
Trước mắt, có thể thông qua các hình thức như tái cấp vốn hay các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất dành cho công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, nông nghiệp… để giúp doanh nghiệp tăng tốc trong cuộc đua tăng sức cạnh tranh với các đối thủ. Theo đó, lãi suất của các gói vay trung, dài hạn nên ở mức 5 - 6%/năm và ổn định trong 5 - 10 năm, khi đó doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn đầu tư nhà máy. Về lâu dài, các doanh nghiệp cũng phải nâng cao tính minh bạch và tính chuyên nghiệp, qua đó có thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu, từ các quỹ đầu tư… thay vì chỉ trông chờ vào tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, để giảm mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục quan tâm tới vấn đề tỷ giá. Việc điều hành linh hoạt tỷ giá khiến NHNN gặp khó khăn khi thực hiện mục tiêu giảm lãi suất, nhưng một khi TPP được ký kết, bài toán tỷ giá sẽ càng khó vì theo cam kết, Việt Nam sẽ không thể tận dụng công cụ chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh với các nước. Chính vì vậy, "chống đô la hóa" cũng là công việc mà NHNN phải rốt ráo thực hiện trước khi TPP có hiệu lực.