Ngày 16/3/2015, HNX đã tổ chức 3 phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Xí nghiệp Vận tải Du lịch Hà Nội, Nhà máy Viha thuộc Công ty TNHH MTV Thống Nhất và Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh.
Trong phiên đấu giá của Xí nghiệp Vận tải Du lịch Hà Nội, 6% số cổ phần đem ra đấu giá được bán cho 17 nhà đầu tư. Với Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh, cũng chỉ có 2,2% vốn điều lệ được bán. Cùng ngày, 100% cổ phiếu của Xí nghiệp Viha thuộc Công ty TNHH MTV Thống Nhất được bán cho 4 nhà đầu tư, nhưng giá bán chỉ 10.300 đồng/cổ phần…
Ngược lại, phiên IPO Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất ngày 17/3, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết cho 4 nhà đầu tư, trong đó có 3 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức, với giá đấu thành công bình quân là 42.383 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt gần 243,8 tỷ đồng, cao hơn 185 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Việc nhà đầu tư chê cổ phiếu này nhưng lại hồ hởi với cổ phiếu khác đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc định giá cổ phần tại DNNN.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, trong năm 2014 và 2015 sẽ có khoảng 432 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được cổ phần hóa. Như vậy, bình quân 1 ngày sẽ có hơn 1 DN thực hiện IPO. Ngoài ra, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đối với các DN đã cổ phần hóa hoặc đầu tư ra các lĩnh vực ngoài ngành cũng được triển khai nhanh trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa là một lượng cung hàng hóa lớn được đưa ra thị trường trong thời gian tới. Vậy liệu thị trường trong nước có tiêu hóa hết được nguồn hàng hóa khổng lồ này hay không?
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (UBCKNN) cho rằng, xét về mặt tích cực, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm tốt. Mặt khác, nếu sức cầu không được cải thiện thì có thể dẫn tới cung vượt cầu và dẫn đến quá trình IPO các DNNN không thành công; hoặc giá bán không phản ánh được giá trị DN. Chính vì vậy, IPO tập đoàn, DNNN vừa là niềm vui cho nhà đầu tư, nhưng kèm với đó là nỗi lo, là áp lực lên các tập đoàn, DNNN và cả cơ quan quản lý.
Nhưng nỗi lo chung vẫn là câu chuyện đấu giá có được hay không, hết hay không, thành công hay không hoặc nếu thành công thì giá có hợp lý hay không… Những câu hỏi này tựu trung lại là câu chuyện của hai vấn đề lớn là vừa giải quyết cung-cầu hàng hóa trên thị trường, vừa một mặt là xử lý bài toán đẩy mạnh quá trình IPO các tập đoàn, DNNN.
Thực tế diễn biến cổ phần hóa DNNN thời gian qua cho thấy có DN đưa ra giá ban đầu thấp, nhưng bán được giá rất cao như Điện cơ Thống Nhất. Tuy nhiên, lại có DN đưa ra giá bán thấp nhưng cũng không bán được như Xí nghiệp Vận tải Du lịch Hà Nội hay Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh…
Các chuyên gia cho rằng, đây là câu chuyện “muôn thuở”, bởi một bất cập lớn nhất hiện nay liên quan đến định giá tài sản của DN, trong đó đất đai là tài sản của Nhà nước. Nói là của Nhà nước, nhưng lại giao cho cá nhân quản lý. Nhà nước muốn lấy mà trả giá không theo giá thị trường thì câu chuyện lại là của cá nhân. Cho nên, quá trình xác định giá trị DN là rất khó.
Tại sao nhiều DN niêm yết, vốn điều lệ chỉ một vài chục tỷ đồng, giao dịch giá cũng chỉ từ 10-15 nghìn đồng/cổ phiếu nhưng người ta vẫn mua với giá 30 - 40 nghìn đồng/cổ phiếu. Lý do là vì nhà đầu tư nhìn thấy DN có đất mặt tiền, nếu mua được sẽ thâu tóm, xây vài chục tầng thì giá trị tài sản sẽ khác. Hay việc xác định giá trị thương hiệu của DN đến nay vẫn rất khó khăn và hạch toán chưa khẳng định được thương hiệu được bao nhiêu tiền. Đây cũng chính là lý do vì sao DN đưa ra giá khởi điểm thấp nhưng bán được giá cao. Tuy nhiên, đây lại là câu chuyện rất khó có thể xử lý được trong ngày một ngày hai.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia phân tích Nguyễn Tuấn (ABS) cho rằng, nếu DN làm ăn tốt, lành mạnh thì điều này là rất tốt. “Tôi có thể là cổ đông suốt đời của DN cũng được, nhưng DN phải được niêm yết để nhà đầu tư nắm được các thông tin”, ông Tuấn nói.