Lafooco: Chuyển mình để lớn lên

(NDH) Sau cú vấp ngã năm 2012 bằng khoản lỗ gần bằng vốn điều lệ và suýt bị hủy niêm yết, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) giờ đây đang gượng dậy bằng những bước đi chậm rãi nhưng bền vững hơn.

Trong 15 năm niêm yết - bằng với lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam – Lafooco đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm. Lợi nhuận của công ty lúc cao lúc thấp, đặc biệt là công ty có 2 năm bị lỗ suýt mất hết vốn điều lệ

Lần “sẩy chân” gần đây nhất của Lafooco diễn ra từ quý IV/2011 đến quý IV/2012, khi công ty bị lỗ 5 quý liên tiếp, và riêng trong năm 2012 lợi nhuận bị âm 152 tỷ đồng. Cổ phiếu LAF đã bị Sở GD chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo, và rơi xuống dưới ngưỡng 4.000 đồng/ cổ phiếu lần đầu tiên, kể từ sau đợt sụt giảm của thị trường chung năm 2008-2009.

Trước đó, công ty cũng đã từng bị lỗ vào năm 2012 nhưng chỉ hơn 13 tỷ đồng

Theo giải trình của công ty trước UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ năm 2012 mà hậu quả vẫn còn dai dẳng đến hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu nhất là do lãnh đạo công ty lúc đó có dự báo sai về diễn biến thị trường giá cả.

“Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ cuối năm 2008 kéo dài. Mùa vụ điều của Việt Nam và thế giới bị mất mùa các năm 2010, 2011 và đặc biệt là năm 2012. Giá nhân điều cuối năm 2010 tăng liên tục đến cuối tháng 9/2011. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều đều đạt lợi nhuận rất cao. Đến tháng 9/2011, Lafooco lãi hơn 60 tỷ đồng. Từ tháng 10/2011 đến thời điểm thu hoạch điều thô (tháng 2/2012) giá nhân điều giảm xuống mức rất thấp so với năm 2011. Hàng thô nguyên liệu điều còn tồn kho từ năm 2011 ở mức giá cao, các doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Năm 2012, mùa vụ điều Việt Nam kết thúc rất sớm (đầu tháng 4) so với trước, giá nhân tăng tương tự như đầu năm 2011. Hiệp hội Điều Việt Nam, các doanh nghiệp và Lafooco có cùng nhận định là giá nhân điều sẽ phục hồi. Mặt khác giá hàng thô giảm khoảng 30% so với năm 2011, các doanh nghiệp đã mạnh dạn tiếp tục mua vào. Thực tế diễn ra trái ngược với nhận định chung của các doanh nghiệp, dẫn đến các doanh nghiệp tiếp tục bị lỗ với nguyên liệu vụ mới.” – LAF lý giải nguyên nhân thua lỗ năm 2012

Với gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động và luôn là 1 trong 10 công ty hàng đầu về xuất khẩu hạt điều, vụ thua lỗ nặng do quyết sách sai lầm về dự trữ hàng tồn kho này quả là đáng tiếc.

Nhận thức được bài học thất bại đó, công ty quyết định vừa khi bán bớt tài sản để thanh toán nợ cũng đồng thời thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng không dự trữ nguyên liệu điều thô để sản xuất giáp vụ năm sau, cân đối các hợp đồng mua bán, không mở rộng quy mô thu mua nguyên liệu thô mà tập trung phát triển về chất, phát huy lợi thế của thương hiệu Lafooco.

Kết quả là hoạt động kinh doanh của Lafooco đã dẫn ổn định trở lại, khi công ty đều có lãi trong năm 2013 và 2014 với mức lần lượt là 33,6 tỷ đồng và 11,6 tỷ đồng.

Trong quá trình hồi phục của mình, cơ duyên đã đến với Lafooco khi gặp CTCP Xuyên Thái Bình (PAN), một công ty đang chuyển hướng sang đầu tư bài bản vào nông nghiệp và thực phẩm. PAN đã mua lại hơn 23% cổ phần từ Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và trở thành công ty liên kết của Lafooco.

Việc đầu tư của PAN vào Lafooco bắt nguồn từ việc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đầu tư vào công ty này trước đó. SSI và PAN có cùng 1 chủ tịch và thường chọn những công ty có tiềm năng phát triển tốt, cơ sở vững chắc làm công ty con hoặc công ty liên kết, đồng thời cũng tìm cách giữ gìn thương hiệu sản phẩm của Việt Nam. Với kinh nghiệm quản trị từ PAN và đặc biệt là SSI – một công ty nhiều năm được đánh giá là ngân hàng đầu tư hàng đầu Việt Nam, Lafooco có điều kiện và cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có của mình.

PAN đã tham gia sâu hơn vào việc điều hành Lafooco khi ngày 19/9/2014, HĐQT Lafooco đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Khải – Quyền Tổng giám đốc của PAN - làm Tổng giám đốc Lafooco từ đầu tháng 10/2014 thay cho ông Nguyễn Văn Chiểu lúc đó đang kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Theo chia sẻ của ông Khải, PAN chuyên đầu tư vào những công ty có bộ máy quản lý tốt và tình hình kinh doanh hiệu quả, và cũng sẵn sàng xem xét đầu tư vào những công ty không có ưu điểm như vậy nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai, và Lafooco nằm trong trường hợp đó.

Sản phẩm hạt điều Osca của LAF

Theo thông tin mới nhất, công bố ngày 30/7/2015, PAN đã thông qua công ty con là PAN Food chào mua thêm 33% cổ phần của Lafooco, nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,03% và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp sản xuất hạt điều này.

Với sự trợ giúp của PAN, Lafooco đang được kỳ vọng sẽ sớm chuyển mình để phát triển theo đúng tiềm năng trong ngành, đặc biệt là khi ngành xuất khẩu hạt điều đang có sự tăng trưởng tốt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 184 nghìn tấn hạt điều, thu về 1,34 tỷ đồng, tăng 11,8% về khối lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây là thành tích đáng chú ý trong bối cảnh xuất khẩu phần lớn các sản phẩm nông sản khác của Việt Nam đang giảm sút.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2015, Lafooco đặt kế hoạch đạt doanh thu 868,9 tỷ đồng và lợi nhuận 21,12 tỷ đồng.