Giá dầu giảm, lợi nhuận vẫn tăng
Xu hướng biến động của giá dầu thế giới thời gian qua đã tác động tới nhiều ngành kinh doanh, đặc biệt tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp dầu khí. Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu cũng chứng kiến sự lao dốc của doanh thu so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo báo cáo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại có xu hướng ngược với đà giảm của doanh thu.
Lợi nhuận của các DN kinh doanh xăng dầu như Petrolimex, Comeco, Saigon Fuel đều tăng trưởng mạnh mẽ và vượt kế hoạch đề ra năm 2015. Điểm chung giữa các doanh nghiệp là tỷ suất lợi nhuận gộp đều tăng so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Petrolimex, doanh thu quý III/2015 giảm 30,8% so với cùng kỳ. Nhưng giá vốn giảm mạnh đã giúp biên lãi gộp tăng 2,26 lần, qua đó tăng lợi nhuận gộp từ 1.994 tỷ đồng lên 3.122 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng 9 tháng đạt 112.895 tỷ đồng, giảm 29%. Biên lãi gộp tăng cao, xấp xỉ 7,9%.
Chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều tăng. Đáng kể là chi phí tài chính. Petrolimex lỗ khá lớn do chênh lệch tỷ giá, xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Dù vậy, lợi nhuận của Petrolimex vẫn tăng khá. Trong riêng quý III, lợi nhuận sau thuế đạt 557 tỷ đồng. Lãi ròng 9 tháng đầu năm đạt 2.135 tỷ đồng, trong đó cổ đông công ty mẹ lãi gần 1.900 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Petrolimex đã vượt 7,6% kế hoạch đề ra.
Ở quy mô nhỏ hơn, cơ sở kinh doanh xăng dầu thương hiệu Comeco cũng có kết quả tương tự ông lớn Petrolimex. CTCP Vật tư - Xăng dầu Comeco (mã COM-HoSE) cũng đã cải thiện đáng kể biên lợi nhuận từ 3% lên 5,72%. Lãi gộp quý III nhờ đó đã tăng 69% dù doanh thu giảm 12%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Comeco đạt 80 tỷ đồng, gấp 2,84 lần cùng kỳ. Với kết quả này, lợi nhuận 9 tháng cao gấp 2,6 lần kế hoạch. Cổ đông Comeco nhờ đó cũng thu được khoản cổ tức lớn. Mặc dù đặt ra kế hoạch trả cổ tức tối thiểu 15% nhưng sau 2 đợt chi trả cổ tức, tổng cộng Comeco đã tạm ứng cổ tức năm 2015 lên tới 55%
CTCP Nhiên liệu Sài gòn (mã SFC-HoSE) sau 9 tháng cũng đã hoàn thành vượt 12,56% kế hoạch được ĐHĐCĐ giao đầu năm. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể. Do cùng kỳ năm 2014, SFC thu được khoản lãi bất thường nên trong quý III này lợi nhuận của SFC giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá 28%. EPS 9 tháng đầu năm đạt 3.048 đồng.
Tổng lợi nhuận của ba doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng trưởng 19% trong quý III và 86,8% lũy kế 9 tháng đầu năm. Trong khi đó, doanh thu của các DN này giảm 31% trong quý III và giảm 25,2% trong 9 tháng.
Cũng kinh doanh các mặt hàng chế phẩm từ dầu mỏ (nhựa đường, dầu mỡ nhờn), lợi nhuận của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex- CTCP (mã PLC-HNX) cũng tăng vọt bất chấp giá dầu thế giới giảm. Nguyên nhân nhờ biên lãi gộp tăng từ 14,6% lên 19,4%. Doanh thu dù giảm nhẹ 5,3% nhưng lợi nhuận gộp tăng 25,7%, đạt 328 tỷ đồng. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm đạt 274 tỷ đồng tăng 44% so với cùng kỳ và cũng đã cán đích kế hoạch đề ra sau 9 tháng.
Tỷ suất lợi nhuận tăng nhờ giải phóng lượng tồn kho giá cao
Theo chuyên gia phân tích của một CTCKhàng đầu, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ dầu mỏ được cải thiện so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do thời gian trước giá dầu thế giới bất ngờ giảm mạnh khiến hàng các doanh nghiệp còn trữ lãi một lượng lớn tồn kho giá cao. Sau khi giải phóng lượng tồn kho này cùng việc thay đổi chính sách tồn kho đã giúp biên lãi gộp được cải thiện.
Tồn kho của các doanh nghiệp đều có xu hướng giảm so với đầu năm 2015. Trong khi ở chiều ngược lại, tiền mặt được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tích giữ nhiều hơn.