Nhiều nhận đinh cho rằng thị trường thép 2015 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, con số nhập siêu ngành thép vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Nếu như năm 2013 nhập siêu của ngành thép đạt trên 5 tỷ USD, thì qua 2014 vượt hơn 6 tỷ USD. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép cả nước nhập về là 2,88 triệu tấn, trị giá là 1,72 tỷ USD, tăng 30,7% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Trước thực trạng này, nhiều nhà máy thép trong nước buộc phải giảm công suất, có nơi giảm tới 60%; thậm chí có nhà máy thép không đủ sức cạnh tranh đã phải giải thể hoặc đóng cửa.
Quý I/2015 nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh một số doanh nghiệp ngành thép đã có thể thấy được những khó khăn lớn mà ngành này tiếp tục phải trải qua.
Thông kê khoảng 16 doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho thấy, tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp này đạt hơn 18.192 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, tổng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 41,7% và chỉ đạt hơn 711 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành thép hiện nay là CTCP Tập Đoàn Hòa Phát (mã HPG - HOSE) và CTCP Tập Đoàn Hoa Sen (mã HSG - HOSE) tỏ ra quá vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Trong đó, HPG cho thấy quy mô vượt trội của mình khi chiếm tới 32% và 91% tổng doanh thu và lợi nhuận của 26 doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, HSG cũng chiếm 23,9% doanh thu, nhưng lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 16%.
Cụ thể, quý I/2015, trong 26 doanh nhiệp thép kể trên, HPG dẫn đầu cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Theo đó, HPG đạt 5.838 tỷ đồng doanh thu thuần và 650,39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, kết quả doanh thu và lợi nhuận sau thuế ở trên của HPG đều giảm mạnh 10,4% và 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc lợi nhuận giảm mạnh được HPG cho biết là do quý I/2014 công ty ghi nhận phần lớn doanh thu từ dự án Madarin Garden, tuy nhiên quý I/2015, doanh thu từ dự án này còn rất nhỏ.
Tương tự, HSG có doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều đứng thứ hai trong số 26 doanh nghiệp thép nói trên, đạt lần lượt 4.355 tỷ đồng và 115,54 tỷ đồng. Giống với HPG, doanh thu và lợi nhuận sau thuế (quý II/2015 niên độ tài chính 2015 từ 1/1 đến 31/3/2015)của HSG đều giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí, mức giảm còn mạnh hơn so với HPG, đạt lần lượt 50,3% và 52%.
Tiếp ngay sau HPG và HSG, CTCP Thép Pomina (mã POM - HOSE) và CTCP Thép Nam Kim (mã NKG - HOSE) với mức doanh thu cũng khá cao, đạt lần lượt 2.164,5 tỷ đồng và 1.176,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về lợi nhuận thì NKG chỉ đạt hơn 20,4 tỷ đồng, trong khi POM lỗ tới gần 34 tỷ đồng.
Về tăng trưởng lợi nhuận quý I/2015, trong số 16 doanh nghiệp Thép nói trên, chỉ có 6 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương. Chiều ngược lại, có tới 10 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm, trong đó có 3 doanh nghiệp chuyển từ lãi (quý I/2014) thành lỗ quý (I/2015) là CTCP Sản Xuất & Kinh Doanh Kim Khí (mã KKC - HNX), CTCP Thép Việt Ý (mã VIS - HOSE) và CTCP Đầu Tư Thương Mại SMC (mã SMC - HOSE).
Bên cạnh đó, có duy nhất CTCP Thép Pomina (mã POM - HOSE) là tăng lỗ. Cụ thể, quý I/2015, POM lỗ sau thuế gần 34 tỷ đồng, tăng mạnh 506,4% so với mức lỗ 5,6 tỷ đồng của quý I/2014.
Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận chỉ đạt hơn 18,5 tỷ đồng, nhưng CTCP Quốc Tế Sơn Hà (mã SHI - HOSE) lại là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận quý I/2015 lớn nhất, đạt 1.211,3% (gấp 13 lần cùng kỳ) do lợi nhuận quý I/2014 của SHI chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1,4 tỷ đồng.