Trước các thông tin tích cực về việc đàm phán TPP cũng như KQKD quý I/2015 của các công ty dệt may đã công bố. Mặc dù không phải là mùa kinh doanh cao điểu nhưng phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) khá so với cùng kỳ, trừ TCM với LNST được công bố giảm 10,2%, NPS giảm 96,7% và KMR với khoản lỗ gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Dù hoạt động kinh doanh cốt lõi có phần kém tích cực nhưng LNST của TET lại có sự tăng trưởng đột biến, lên tới 2.347,6% nhờ khoản lợi nhuận khác 12,6 tỷ đồng.
Do đặc thù ngành hàng (các sản phẩm quilting, padding dùng cho các loại áo ấm) nên LNST quý I hàng năm của KMR thường kém khả quan. Dù vậy, VDSC kỳ vọng KQKD quý II/2015 có thể tích cực hơn nhờ hoạt động kinh doanh bước vào mùa cao điểm (tháng 4 đến tháng 10).
Bên cạnh đó, nhà máy Bình Dương được nâng cấp máy móc và nhà máy Hưng Yên được lắp đặt thêm các thiết bị mới với khả năng tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt và biên lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, khả năng đạt được chứng nhận Bluesign (dự kiến đạt được trong tháng 6/2015) có thể giúp KMR thu hút các đơn hàng từ các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
Do giá sợi tiếp tục giảm mạnh theo giá bông trong khi mảng sợi chiếm tới 40-50% cơ cấu doanh thu nên doanh thu và LNST quý I/2015 của TCM đều có phần kém tích cực hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là Công ty đã chủ động sử dụng hết lượng bông tồn kho giá cao từ quý IV/2014 và giá sợi cũng đang có sự hồi phục khá tốt nên biên LN mảng sợi có thể cải thiện nhẹ từ quý 2/2015.
Ở chiều ngược lại, TNG tiếp tục là điểm sáng khi doanh thu và LNST ghi nhận mức tăng trưởng khá, lần lượt 45,5% và 179,9% so với cùng kỳ. Dù vậy, do kỳ nghỉ lễ dài, số lượng đơn hàng dang dở lớn nên doanh thu và LNST quý I/2015 mới lần lượt đạt 17% và 15% kế hoạch năm 2015.
Tuy nhiên, VDSC vẫn đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2015 dựa vào các yếu tố như đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Canada, Mexico,… ổn định, đảm bảo hoạt động sản xuất đến hết quý 3/2015.
Nhà máy Đại Từ (hoạt động từ cuối quý 1/2015) với công suất ban đầu 11 chuyền may sẽ đóng góp nhiều vào doanh thu từ quý 2/2015, tăng cường năng lực sản xuất, đáp ứng đơn hàng của đối tác, không phụ thuộc vào các nguồn gia công bên ngoài. Việc gia tăng tỉ trọng đơn hàng FOB lên 70% thay vì 50% như năm 2014, đem lại biên lợi nhuận cao hơn.
Khi việc ký kết các hiệp định thương mại đang đến gần, cơ hội phát triển cho ngành dệt may càng được mở rộng. Tuy nhiên, những công ty có năng lực sản xuất lớn và đang tiến tới giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị ngành dệt may như TCM, GMC và TNG được kỳ vọng hưởng lợi nhiều hơn từ các cơ hội này.