Kinh tế Trung Quốc qua lăng kính mì ăn liền

Nhìn vào ngành sản xuất mì ăn liền Trung Quốc, chúng ta có thể chứng kiến hầu hết mọi khía cạnh của nền kinh tế số hai thế giới, từ tăng trưởng chóng mặt đến giảm tốc và trì trệ, từ vấn đề thực phẩm bẩn đến sự chấm dứt của quá trình đô thị hóa.

Kinh tế Trung Quốc qua lăng kính mì ăn liền - 1

Những ngày này, dường như thế giới đã quên mất Trung Quốc, khi mọi sự chú ý chỉ đổ dồn vào cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ hay giải pháp mới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản để kích thích tăng trưởng kinh tế của nước này. Thậm chí sự kiện khá nổi bật là việc đồng nhân dân tệ chính thức được đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ SDR vào ngày 1.10 cũng không được quá chú ý. Sự giảm tốc của nền kinh tế số hai thế giới đã gần như là điều chắc chắn, và có lẽ điều thế giới quan tâm hiện nay chỉ là nó sẽ diễn ra ở mức độ nào mà thôi. Để có một cái nhìn toàn cảnh về kinh tế Trung Quốc hiện tại để từ đó dự đoán tương lai của nó, không gì phù hợp hơn là nhìn vào một món ăn truyền thống của Trung Quốc và giờ đây đã trở thành một món phổ biến trong thế giới hiện đại – mì ăn liền.

Câu thành ngữ được nhiều người cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc – “nhìn vào một giọt nước sẽ thấy cả đại dương” – đang có vẻ đúng hơn bao giờ hết trong câu chuyện mối liên hệ của ngành sản xuất mì ăn liền Trung Quốc với nền kinh tế nước này. Sự phát đạt của ngành sản xuất mì ăn liền Trung Quốc gắn liền với quá trình tăng trưởng kinh tế chóng mặt của đất nước đông dân nhất hành tinh; theo thống kê trong giai đoạn 2003-2008 vốn là thời điểm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất, thì doanh số bán mì ăn liền ở nước này cũng tăng phi mã với tốc độ gần gấp đôi, từ mức 4,2 tỉ USD năm 2003 lên mức 7,1 tỉ USD năm 2008.

Hình ảnh tô mì ăn liền thậm chí trở thành biểu tượng của nền kinh tế Trung Quốc, khi hình ảnh tiêu biểu là một công nhân đang cầm tô mì vào giờ nghỉ ở công trường. Mì ăn liền trở thành đại diện cho sự hiện đại hóa ở Trung Quốc không chỉ trong ngành thực phẩm, với các ưu điểm nổi bật như nhanh, thuận tiện và nhất là giá rẻ. Một tô mì ăn liền ở Trung Quốc thường được các công nhân nước này ưa chuộng có giá trung bình chỉ khoảng 2 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi kể từ thời điểm kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng ba thập kỷ vào thời điểm cuối năm 2015 (chỉ đạt 6,9%), thì đó cũng là thời điểm ngành sản xuất mì ăn liền của nước này bắt đầu tuột dốc. Vào đầu tháng 9 vừa qua, thương hiệu sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc là Tingyi đã được gỡ bỏ niêm yết khỏi danh mục chỉ số Hang Seng tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, lý do chủ yếu là vì lợi nhuận của công ty này đã giảm tới 60%. Doanh số mì ăn liền tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đã giảm 6,75% trong năm nay, và là năm thứ tư liên tiếp sụt giảm.

Lý do khiến doanh số của các hãng mì ăn liền Trung Quốc sụt giảm cũng là những lý do đã tạo nên sự giảm tốc của nền kinh tế nước này. Việc làm tại các đô thị ngày càng ít đi, quá trình dịch chuyển nhân lực từ các vùng nông thôn lên thành thị dừng lại và thậm chí di cư ngược đã diễn ra, nó khiến cả kinh tế Trung Quốc lẫn các hãng mì ăn liền phải điêu đứng. Trên thực tế, quá trình tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc những năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của các hãng mì, khi nhu cầu thị trường với loại thực phẩm này ngày càng cao, phần lớn là từ tầng lớp lao động từ nông thôn chuyển đến các thành phố làm việc. Với mức thu nhập không cao, mì ăn liền trở thành lựa chọn phổ biến của hàng trăm triệu lao động nhập cư trên khắp Trung Quốc. Nhưng khi quá trình nhập cư giảm dần, và đô thị hóa thì ngừng hẳn lại, thì rõ ràng nhu cầu với các loại thực phẩm giá rẻ và tiện lợi như mì ăn liền sẽ giảm hẳn. Theo thống kê, ngoài mì ăn liền thì các thực phẩm giá rẻ dành cho người lao động tại Trung Quốc cũng sụt giảm doanh số đáng kể, như các loại bia rẻ tiền giảm doanh số khoảng 3,5% trong năm 2015.

Ngoài mối liên hệ trực tiếp với tăng trưởng kinh tế vĩ mô, thì món mì ăn liền cũng có sự liên hệ với các khía cạnh khác của nền kinh tế Trung Quốc, như an toàn thực phẩm hay việc khuyến khích chuyển sang mô hình dựa vào tiêu dùng nội địa của chính phủ nước này. Việc sụt giảm doanh số với các sản phẩm mì ăn liền ở Trung Quốc một phần không nhỏ là do lo ngại về các vấn đề an toàn thực phẩm. Một scandal ngộ độc thực phẩm quy mô lớn do mì ăn liền tại Trung Quốc vào năm 2012 khiến cho người dân ngày càng ít tin tưởng loại thực phẩm giá rẻ này hơn, còn các tin đồn về việc các hãng sản xuất sử dụng chất làm dẻo vào các tô mì thì xuất hiện ngày càng nhiều. Suy cho cùng, khi thực phẩm bẩn đang trở nên lan tràn trong xã hội Trung Quốc như hiện nay thì thật khó để đặt niềm tin vào một sản phẩm có giá chưa đầy 2 nhân dân tệ như mì ăn liền.

Việc giảm sử dụng mì ăn liền cũng cho thấy khía cạnh tích cực của kinh tế Trung Quốc. Đó là thu nhập ngày càng tăng và ngày càng có nhiều người dân có thể cải thiện mức sống thông qua việc sử dụng các loại thực phẩm có chi phí cao hơn. Dù mức lương trung bình của lao động tại Trung Quốc vẫn chưa thực sự cao, chỉ ở mức khoảng 400 USD/tháng, thì các lựa chọn về thực phẩm cũng đã trở nên đa dạng hơn khá nhiều với chừng đó thu nhập.

Ngoài ra, đó còn do sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực đồ ăn tiện lợi tại nước này. Đồ ăn tiện lợi đang thực sự trở thành một nền kinh tế đầy tiềm năng ở Trung Quốc. Theo thống kê doanh số của nó trong năm 2015 lên tới khoảng 20 tỉ USD, tăng 55% so với năm 2014. Ngày càng có nhiều cửa hàng thực phẩm tiện lợi được thành lập, với chất lượng an toàn vệ sinh khá tốt. Chính sự cạnh tranh khốc liệt này đã khiến cho giá cả thực phẩm tiện lợi vệ sinh trở nên khá thấp, đủ để đáp ứng cả những người có thu nhập thấp như công nhân hay sinh viên nghèo.