Kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, số liệu được Cục thống kê Trung Quốc công bố hôm nay cho biết,kinh tế Trung Quốc kết thúc quý III với mức tăng trưởng 6,9%, cao hơn một chút so với dự báo của giới phân tích (6,8%) nhưng lại giảm nhẹ so với quý trước đó (7%).
Đây là mức tăng GDP thấp nhất kể từ quý I/2009, khi nền kinh tế quốc gia này lúc đó chỉ tăng khoảng 6,2%.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm từ từ thay vì "hạ cánh cứng" như lo ngại trước đó.
Lãnh đạo Trung Quốc đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng mức tăng trưởng này là nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, sau những tác động phá giá sốc của đồng nhân dân tệ và sự sụt giảm bất thường của thị trường chứng khoán.
Nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Oxford ở Hong Kong, Louis Kuijs nói với tờ CNN: "Áp lực suy giảm trong ngành bất động sản và xuất khẩu là xuất phát điểm cho kết quả tăng trưởng thấp bất thường của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Kinh tế thế giới sẽ còn yếu hơn vào năm 2016, và trong bối cảnh như vậy, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ giúp kinh tế toàn cầu thoát khỏi đà giảm sâu".
Một báo cáo khác cũng cho biết, sản lượng sản xuất của Trung Quốc chỉ tăng 5,7%, thấp hơn mức dự báo ban đầu 6%.
Mức đầu tư tài sản cố định (FAI), một động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm, chỉ tăng 10,3% trong 9 tháng đầu năm, dù ước tính trước đó lên tới 10,8%.
Riêng chỉ tiêu bán lẻ lại đi ngược xu hướng, khi thống kê cho thấy mức tăng của ngành này là 10,9%, cao hơn chút ít so với dự báo 10,8%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thừa nhận trên Reuters về những lo ngại khi kinh tế Trung Quốc suy giảm.
Ông cho rằng, diễn biến này là dễ hiểu khi Trung Quốc nằm trong ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu, và Chính phủ nước này sẽ thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề trong nội tại quốc gia.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Mỹ vào ngày 23/9, ông Tập lại từng nhận định, Trung Quốc vẫn có nền kinh tế ổn định.
"Biến động trong giới hạn hợp lý" và mọi biện pháp của Chính phủ, kể cả phá giá đồng nội tệ, hạ lãi suất, hay bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế, chỉ là để ngăn chặn sự hoảng loạn trên quy mô lớn.
Trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc sản sinh thêm 242 tỷ phú, nâng số tỷ phú ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng thêm gần 70%.
Một tuần vẫn có thêm 5 tỷ phú đô la
Báo VnEconomy dẫn tin, Mỹ đã để tuột mất vị trí quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới vào tay Trung Quốc, trang CNBC dẫn báo cáo do tạp chí Hồ Nhuận của Trung Quốc công bố ngày 15/10 cho biết.
Theo báo cáo trên, trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc sản sinh thêm 242 tỷ phú, nâng số tỷ phú ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng thêm gần 70%.
Với mức tăng này, Trung Quốc hiện có 596 tỷ phú, so với 537 tỷ phú của Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết, trong vòng 1 năm tính đến ngày 14/8, trung bình mỗi tuần Trung Quốc có thêm 5 tỷ phú.
Chắc chắn, sự tăng điểm bùng nổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong khoảng thời gian trên có vai trò không nhỏ trong việc sản sinh tỷ phú ở nước này.
Tuy vậy, hiện chưa có một thống kê đầy đủ nào về sự thiệt hại tài sản trong nửa cuối tháng 8 và tháng 9 - thời gian thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm “kinh hoàng”.
Vào thời điểm mà báo cáo của Hồ Nhuận chốt số liệu, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 6. Từ đó đến nay, chứng khoán Trung Quốc giảm thêm khoảng 14%.
“Bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế, những người giàu nhất Trung Quốc đã chống chọi lại được, có một năm tốt chưa từng thấy, và tạo ra được lượng tài sản lớn hơn giới tỷ phú của bất kỳ quốc gia nào khác có thể tạo trong 1 năm từ trước đến nay”, ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch của tạp chí Hồ Nhuận, đồng thời là Giám đốc nghiên cứu của tạp chí này, phát biểu.
Những số liệu mà Hồ Nhuận đưa ra khác với số liệu của tạp chí Forbes. Hồi tháng 3, Forbes nói Trung Quốc có 213 tỷ phú, so với 536 tỷ phú của Mỹ.
Tuy vậy, những số liệu này cùng cho thấy rằng bất chấp những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng-lãng phí của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình, tầng lớp siêu giàu của Trung Quốc vẫn ăn nên làm ra.
Theo Hồ Nhuận, tổng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú Trung Quốc hiện đạt mức 2,1 nghìn tỷ USD.
Người giàu nhất Trung Quốc tính đến tháng 8 là ông Wang Jianlin, Chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda, với khối tài sản ròng 34,4 tỷ USD.
Trước đó, đứng ở vị trí này là nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Jack Ma, người có 22,7 tỷ USD.
Trong 1 năm qua, tài sản của tỷ phú Wang tăng 52%, trong khi tài sản của tỷ phú Jack Ma giảm 3%.
Giàu thứ 3 Trung Quốc theo xếp hạng của Hồ Nhuận là “vua” đồ uống Zong Qinghou, Chủ tịch tập đoàn Wahaha, người có 21,1 tỷ USD.
Trong top 10 người giàu nhất Trung Quốc theo xếp hạng của Hồ Nhuận, công nghệ là nguồn sản sinh tài sản tăng trưởng nhanh nhất.
Tuy vậy, bất động sản vẫn là nguồn tài sản lớn nhất của nhóm tỷ phú này. Trong số 10 người giàu nhất Trung Quốc, có tới 5 người làm giàu từ lĩnh vực nhà đất.
Chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đã có ảnh hưởng tới nhiều tỷ phú của Trung Quốc.
Theo Hồ Nhuận, có tới 16 người trong danh sách tỷ phú Trung Quốc năm 2014 gặp rắc rối ở nhiều mức độ với chính quyền, bao gồm 1 người phải vào tù, 4 người đang chờ ra tòa, 7 người đang bị điều tra, 1 người đã bị bắt, và 3 người không rõ tung tích.
Cũng theo báo cáo, 95% tỷ phú Trung Quốc là những người tự mình làm nên tài sản.
“Ảnh hưởng của những doanh nhân hàng đầu này ngày càng lớn.
Chúng ta đã thấy, trong đoàn 15 doanh nhân lớn tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng 9 vừa qua, có tới 9 gương mặt trong danh sách tỷ phú của Hồ Nhuận”, ông Hoogewerf nhấn mạnh.