Kiều hối khó vào sản xuất

Kiều hối hằng năm đổ về Việt Nam lên đến hàng chục tỉ USD nhưng chỉ khoảng 30% chảy vào sản xuất - kinh doanh.

ới khoảng 5% dân số làm ăn, sinh sống ở 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (khoảng 4,5 triệu người), Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất.

Nguồn lực lớn cho nền kinh tế

Những năm 1980, kiều hối chủ yếu là tiền gửi về của người Việt định cư ở Mỹ, Canada, Úc, Pháp nhưng gần đây đã có thêm dòng tiền gửi về của chuyên gia, du học sinh, người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Kiều hối khó vào sản xuất - 1

Khách hàng nhận chi trả tại Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á Ảnh: Tấn Thạnh

Nếu như giai đoạn trước năm 2000, kiều hối gửi về chưa đến 1 tỉ USD/năm thì đến năm 2010, Việt Nam đón nhận khoảng 7-8 tỉ USD kiều hối, lọt vào tốp 20 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Từ năm 2013 đến nay, nguồn kiều hối vào Việt Nam vượt ngưỡng 11 tỉ USD/năm, lọt vào tốp 10. Chỉ riêng năm 2015, lượng kiều hối chuyển về nước đạt 12,25 tỉ USD, đứng thứ hai khu vực Đông Á, sau Philippines. Tính chung từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã nhận tổng cộng gần 91 tỉ USD kiều hối gửi về qua con đường chính thức, tính trung bình mỗi năm đạt khoảng 4 tỉ USD, tương đương 6% GDP của đất nước.

Kiều hối chiếm tỉ trọng lớn trong các nguồn vốn từ bên ngoài vào Việt Nam, có giai đoạn còn cao hơn so với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Còn so với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thì kiều hối có giá trị lớn hơn, tăng trưởng cao hơn ở mức 20%/năm và có tính chất ổn định hơn. Ba năm trở lại đây, kiều hối có giá trị bằng 60%-70% nguồn vốn FDI và luôn lớn gấp 2-3 lần vốn ODA giải ngân.

Theo TS Đỗ Thị Thúy, Ngân hàng Công Thương Việt Nam, nguồn vốn này có vai trò quan trọng giúp tăng ngoại hối quốc gia, có giai đoạn chiếm tỉ lệ 66% dự trữ ngoại tệ quốc gia. Lợi thế lớn nhất của kiều hối là không tiềm ẩn rủi ro như vốn FDI hay ODA. Cũng không phải trả nợ như đối với vốn ODA hay đối mặt một số tác động tiêu cực của nguồn vốn FDI như giảm quyền sở hữu doanh nghiệp (DN) trong nước, tạo ra cạnh tranh với hàng hóa nội địa, ô nhiễm môi trường, chuyển giá...

ThS Nguyễn Duy Tuấn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dẫn lại một nghiên cứu cho thấy khi luồng kiều hối có tác động dương thì 1 đồng tăng thêm của kiều hối sẽ có 0,48 đồng tăng lên của vốn đầu tư. Vì vậy, với 1 tỉ USD kiều hối tăng trung bình mỗi năm, Việt Nam có nguồn lực đáng kể nếu thu hút được kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh.

Có tiền nhưng khó đầu tư

Một nghiên cứu khác của các giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy tính đến cuối năm 2015, các DN kiều bào đã đầu tư tại 52/63 tỉnh, thành, tổng cộng có 2.000 dự án tại 3.600 DN với vốn đăng ký khoảng 8,6 tỉ USD, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỉ USD/năm. Các DN này tập trung vào lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhiều doanh nhân, DN Việt Nam ở nước ngoài đã mang về nhiều dự án đầu tư cho đất nước, mang tính chất đột phá trong các ngành, lĩnh vực như giáo dục, quy hoạch khu đô thị mới, y tế, nông nghiệp sạch... Tuy nhiên, tỉ lệ kiều hối vào sản xuất mới chỉ chiếm khoảng 30% cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Kiều bào cho biết họ gặp phải nhiều khó khăn khi đầu tư trong nước, nhất là thủ tục hành chính. Ví dụ, có dự án xin phép 3-4 năm lấy 20 ý kiến chấp thuận mới xong thủ tục cấp phép. Có phép rồi chờ giải phóng mặt bằng cũng mất 6-7 năm. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút đầu tư hay thay đổi, không rõ ràng cũng gây khó khăn cho kiều bào có ý định làm kinh tế.

Nhận xét về mối tương quan giữa môi trường đầu tư và kiều hối ở Việt Nam, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết kiều bào đầu tư về nước còn bị đối xử bất công, không được ưu đãi bằng nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng ta hãy nhìn vào Trung Quốc, kiều hối ở họ đều được đầu tư hết chứ không bao giờ cất trữ. Họ có cả khu Thâm Quyến rộng lớn để thu hút Hoa kiều về nước. Còn chúng ta dường như đang ngược dòng, nói một đằng còn hành xử thì một kiểu. Vấn đề Việt kiều quan tâm nhiều nhất là họ mang tiền về mà không biết đầu tư vào đâu nên đề xuất giải pháp hướng họ đầu tư vào công nghệ cao, các quỹ kiều hối…” - TS Hồ nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, kiều hối là nguồn lực rất quan trọng nhưng về chính sách vẫn còn rất “bất công”, chỉ có pháp lệnh ngoại hối và các nghị định trong khi nguồn lực FDI thì “trùng trùng điệp điệp” chính sách. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hợp lý để dòng chảy kiều hối khơi thông. “Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong thu hút vốn FDI, cần tạo được tính lan tỏa và phát triển công nghiệp phụ trợ cho các DN kiều bào. Nên hướng kiều hối vào đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn vì bản thân người đưa kiều hối về mang “dòng máu Việt” nhưng hiểu rất rõ công nghệ nước ngoài. Còn DN trong nước thì phải đi khảo sát mới tiếp cận được. Nếu là người Việt đầu tư về nước thì tính lan tỏa công nghệ cũng sẽ thuận lợi hơn” - ông Toàn kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Tài - đại diện doanh nghiệp đầu tư Việt kiều:

Kiều bào không biết đầu tư vào đâu

Gần đây, Việt kiều quan tâm nhất đến vấn đề mang tiền về đầu tư vào đâu, chứ không phải chuyện môi trường đầu tư nữa. Vì không biết đầu tư vào đâu nên đa số triển khai dự án rất nhỏ, chỉ vài trăm ngàn đến triệu USD, không có tiền tỉ. Vì vậy, phải khuyến khích họ đầu tư vào dự án nào, hỗ trợ cho người nhận kiều hối khởi nghiệp, lập quỹ. Phải cho thấy có lợi nhuận thì họ mới làm.

Trước đây, ai cũng lao vào tài chính, chứng khoán nhưng cũng có thất bại. Còn làm sản xuất với công nghệ lạc hậu như mì ăn liền, nước chấm... thì lợi nhuận thấp. Nay nhiều DN Việt kiều chuyển hướng phát triển công nghệ cao, tạo các khu đô thị đẳng đấp quốc tế và cái này ta đạt nhanh hơn các nước.

Lăn lộn nhiều với các DN, tôi thấy Việt kiều có 2 mục đích đầu tư. Thứ nhất, cái họ quan tâm là khai thác được gì ở thị trường trong nước. Thứ hai, sản xuất hàng hóa khai thác các thế mạnh vùng miền ở Việt Nam để xuất khẩu sang các nước phát triển. Bánh trái, đặc sản vùng miền của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ, Canada, Úc...

Ông Lê Thanh Bình - Trưởng đại diện cộng đồng Việt kiều Ba Lan tại Việt Nam:

Trực tiếp đồng hành với doanh nghiệp

Mấy năm nay, người Việt không đầu tư ở châu Âu nữa, chỉ để tiền đủ ăn tiêu, còn lại chuyển về đầu tư trong nước. Xu hướng đầu tư hiện nay là sử dụng công nghệ cao nhưng hoạt động cũng còn rất khó khăn do thủ tục hành chính. Tôi đề nghị các địa phương hãy cử cán bộ trực tiếp đồng hành để kịp thời giải quyết khó khăn trong khâu đầu tư, vận hành dự án. Có những vấn đề trục trặc phát sinh, DN không biết tìm đầu mối ở đâu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế để kiều hối được chuyển về chính ngạch. Hiện nay tại Ba Lan, người Việt muốn chuyển về 10 đồng thì chỉ có 3 đồng chuyển theo ngân hàng, còn lại chuyển “chợ đen” với chi phí cao. Như vậy rất rủi ro và thất thu cho nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Khuyến khích gửi kiều hối qua kênh chính thức

Có một ước tính cho thấy còn lượng kiều hối chuyển về qua các kênh không chính thức bằng 50%-70% con số được thống kê hằng năm. Đặc điểm của kiều hối là nguồn lực không thể thống kê chính xác vì số liệu này chưa phải nhiệm vụ thống kê của nhà nước. Trong khi đó, nguồn gửi về lại cực kỳ đa dạng, từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bản thân tôi, năm 1992 đi học và làm việc tại Nga, muốn gửi về Việt Nam 10.000 USD, thời đó mua được 2 cái nhà, nhưng không cách nào khác là phải chuyển qua “chợ đen” với mức phí 5%. Tức là trao tiền cho bên vận chuyển, chỉ vài phút sau điện thoại về để người nhà xác nhận đã nhận đủ tiền là hoàn thành giao dịch. Kênh này phí cao nhưng rất thuận lợi.

Các ngân hàng cần nghiên cứu chính sách pháp luật của các quốc gia để thiết lập kênh chuyển tiền hợp pháp, hiệu quả và đưa ra các sản phẩm phù hợp với người có nhu cầu.

T.Hà ghi