Khi những “quả đấm” không còn...thép - Bài cuối: Xử lý thế nào?

Tiếp loạt bài “Khi những “quả đấm” không còn...thép”, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đơn vị có chức năng giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước. Phải làm gì để xử lý những “quả đấm” đang “hoen gỉ”, thua lỗ kéo dài, nguy cơ mất vốn nhà nước?

Trái đắng từ quá khứ

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tính tới 30/6/2016, sơ bộ đã có 77 tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2015 về Bộ Tài chính. Nếu chỉ tính năm tài chính 2015, có 2/77 đơn vị thua lỗ (Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp và Tổng Cty 15 - Bộ Quốc phòng), số còn lại hòa vốn hoặc có lãi.

“Tuy nhiên, đây mới là kết quả tính trong năm tài chính 2015, còn nếu tính lũy kế cả các năm trước dồn lại, các đơn vị lỗ sẽ lớn hơn”, ông Tiến nói. Theo đó, báo cáo tổng hợp chi tiết toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tháng 8 Bộ Tài chính mới báo cáo Chính phủ.

Nhìn vào báo cáo do Kiểm toán Nhà nước mới đây đánh giá, thấy nhiều DNNN đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ, nguy cơ mất vốn lớn. Là đơn vị được giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN, ông thấy sao?

Những đơn vị thua lỗ đều xảy ra ở đầu giai đoạn 2011-2015, thậm chí từ trước đó, thời kỳ nở rộ đầu tư ngoài ngành. Giai đoạn đó các dự án chưa hoạt động, lại không được tính vào báo cáo tài chính nên chưa biết hiệu quả hoạt động ra sao, nay đi vào hoạt động mới cho ra “trái đắng”, như nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên…

Nếu chỉ tính kết quả hoạt động trong năm tài chính (không tính lỗ lũy kế), từ năm 2013 tới nay, số DNNN thua lỗ đã giảm nhiều. Như báo cáo năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ còn 5/93 thua lỗ (số lỗ trên 1.700 tỷ đồng), nếu tính lỗ lũy kế hợp nhất là 10/93 DN (số lỗ 4.900 tỷ đồng); năm 2015 sơ bộ chỉ còn 2 đơn vị thua lỗ (không tính lỗ lũy kế). Tuy nhiên, đây chỉ là về mặt con số, vì thực tế các khoản lỗ, nợ vẫn phải trả lãi và gốc.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã  đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, và kết quả của sự “vung tay” là  một số  khoản đầu tư nguy cơ mất trắng. Theo ông, ai sẽ phải chịu trách nhiệm những thất thoát này?

Chính phủ đã thấy điều đó nên đưa ra biện pháp quyết liệt tái cơ cấu, thay đổi quản trị DN thông qua Đề án Tái cơ cấu DNNN ban hành năm 2012, qua đó siết chặt đầu tư ngoài ngành. Theo quy định, DNNN nào thua lỗ 2 năm liên tiếp sẽ đưa vào diện giám sát đặc biệt, đồng thời thay đổi ban lãnh đạo và cơ cấu lại hoạt động. Nếu sau 2 năm cơ cấu DN phục hồi được thì giữ lại hoặc cổ phần hóa, nếu quá xấu sẽ cho giải thể, phá sản. Tất yếu, có trách nhiệm của người đứng đầu và ban lãnh đạo.

Đồng thời, Chính phủ hiện đã cấm DNNN đầu tư ngoài ngành, đầu tư vào lĩnh vực rủi ro, chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Nhờ đó, thời gian qua, một phần nguồn lực không bị phân tán, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh được cải thiện.

 Khi những “quả đấm” không còn...thép - Bài cuối: Xử lý thế nào? - 1

Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp tiếp tục làm ăn thua lỗ. Ảnh: Phạm Thanh.

Không còn thời gian để chần chừ

Vậy theo ông, giải pháp để cải thiện hoạt động của DNNN, ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả tới đây chúng ta cần xử lý là gì?

Trước đây, DNNN đầu tư không cần đưa dự án đó vào báo cáo, nhưng nay bắt buộc anh phải báo cáo đầy đủ, đầu tư bao nhiêu, dự án nào, khi nào hoạt động… Qua đây cơ quan quản lý sẽ giám sát được quá trình đầu tư.

Giai đoạn 2016-2020 phải thay đổi quyết liệt hơn về chất, quản trị DNNN theo thông lệ thị trường, minh bạch thông tin. Kiên quyết loại bỏ DN thua lỗ, yếu kém, bao gồm cả DN thua lỗ từ quá khứ để lại, không phải khoanh lại các khoản nợ, để giờ thấy tốt rồi giữ lại.

Đồng thời, giải phóng nguồn lực nhà nước đang được tập trung vào các DNNN, như vốn, tài nguyên, đất đai… để các thành phần kinh tế khác cũng tiếp cận được. Qua đó thúc đẩy sản xuất, để toàn xã hội làm kinh tế. Còn nhà nước chỉ làm nền tảng, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác. Thời gian đã không còn, vì các hiệp định thương mại đã ký kết sắp có hiệu lực, nếu thay đổi chậm chúng ta sẽ tụt lùi. Các thành phần kinh tế khác không phát triển thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và phát triển thị trường được.

Giải pháp quan trọng đang được bàn tới là từng bước tách vai trò chủ sở hữu khỏi cơ quan quản lý nhà nước; tách hoạt động sản xuất kinh doanh khỏi hoạt động công ích, để xây dựng nhà nước kiến tạo, giám sát.

Mới đây Bộ KH&ĐT đưa ra giải pháp là lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN để đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn, liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả?

Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, Ủy ban trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, mô hình này vẫn là cơ quan hành chính nhà nước, không khác gì các bộ ngành quản lý DNNN như hiện nay. (Mô hình mới phải là mô hình DN như Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), để đảm bảo chủ động trong hoạt động đầu tư hướng tới mục tiêu hiệu quả). Theo tôi, mô hình nào cũng phải đặt mục tiêu là hiệu quả, tránh lãng phí, thúc đẩy đổi mới quản trị, minh bạch DNNN, tránh tạo thêm cấp trung gian, phình bộ máy nhà nước.

Cảm ơn ông.

Trách nhiệm với các khoản đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ, mất vốn là ai? Theo quy định hiện hành, người đại diện vốn (chủ tịch Hội đồng Thành viên, giám đốc) phải chịu trách nhiệm trước tiên, sau đó là người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu (bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND các tỉnh thành). Trách nhiệm gián tiếp là các bộ tổng hợp, như KH&ĐT (đầu tư), LĐ-TB&XH (lương, thưởng), Tài chính (thất thoát vốn), Nội Vụ (bổ nhiệm nhân sự)… Sai xảy ra ở khâu nào các bộ ngành đó phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì vậy, khi các bộ ngành có cảnh báo, chủ sở hữu phải thực hiện theo quy định của pháp luật.