Khi cổ phiếu dẫn dắt hoàn thành “nhiệm vụ” 

Tính đến giữa tháng 7/2014, trước quan ngại “tháng cô hồn”, nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia vẫn bảo vệ nhận định “610 là đỉnh của năm”.

Nhiều kịch bản tiêu cực hơn được đưa ra như “điều chỉnh mạnh về 565 +/- ”, “phân kỳ tam đoạn” hay “chứng khoán khó vượt đỉnh năm”. Bất chấp những suy đoán của số đông, VN-Index đi ngang tại 600 một thời gian và vượt đỉnh thuyết phục, neo chỉ số tại mức cao mới: 630 điểm.

Thị trường chứng khoán là thế, lên trong nghi ngờ!

Cuộc chinh phạt đỉnh 610 của VN-Index phải kể đến động lực từ cổ phiếu nhóm ngành dầu khí, mà điển hình là PVD, PVC, PVS, GAS. Những "đứa con" theo đuôi cũng nhanh chóng thu hút đám đông như PVE, PXS, PET, PGS, PVG… Sàn HNX nổi bật có PVC và PVS trong cuộc chạy tiếp sức luân phiên. HOSE duy trì điểm số trong những thời khắc "nước sôi lửa bỏng" bằng sắc xanh của GAS, PVD và một vài bluechip quen thuộc.

Nhìn lại lịch sử của VN-Index trong những giai đoạn khác nhau với nhóm "cổ phiếu dẫn dắt" tương ứng tại từng thời kỳ: VNM - GAS (nửa đầu 2013); SSI - HCM (đầu 2014) có thể dễ dàng nhận thấy khi các cổ phiếu này tạo đỉnh thì VN-Index cũng lập đỉnh sau đó, rơi vào trạng thái đi ngang mất phương hướng một thời gian trước khi "có đầu tàu" mới.

Quay lại thời điểm cuối năm 2012 và nửa đầu 2013, khi những dấu hiệu khởi sắc từ thị trường chứng khoán còn chưa tích cực - chỉ số hầu như đi ngang, những cổ phiếu được nhắc đến nhiều nhất là VNM, HSG, GAS. Sau khi HSG lập đỉnh vào cuối tháng 5/2013, VNM và GAS tiếp tục chặng đường tăng giá đến hết tháng 8 - lập đỉnh trung hạn và hầu như đi ngang suốt một thời gian dài. VN-Index lập đỉnh ngắn hạn ngay sau đó, mất phương hướng trong vòng 1 tháng và tiếp tục những ngày tháng sideway bình yên.

Nhà đầu tư hẳn vẫn còn nhớ, "sóng" mới của VN-Index bắt đầu vào tháng 1/2014 với sự dẫn dắt của SSI và HCM. Chưa bao giờ các cổ phiếu chứng khoán được nhắc tên nhiều đến thế. Toàn bộ "tông ti họ hàng" nhóm chứng khoán được đưa ra bàn luận trên các diễn đàn. Từ cổ phiếu top 1 như HCM, SSI đến tầm trung VND, BVS, KLS hay hạng penny APS, AGR, ORS, APG, VIG, … Trong giai đoạn này, cũng không ít cổ phiếu chứng khoán ghi nhận tốc độ tăng trưởng tính bằng lần là HCM, SSI, VND và VIG. Sau khi nhóm này lập đỉnh, VN-Index cũng lập đỉnh, mất phương hướng ngắn hạn rồi gặp "sự kiện biển Đông".

Có thể thấy, nhóm cổ phiếu dẫn dắt đóng vai trò khá quan trọng trong việc duy trì đà tăng của thị trường. Đặc điểm dễ nhận thấy của nhóm này là sau khi bứt phá từ một nền tảng giá vững chắc sẽ thu hút lượng lớn sự quan tâm của giới đầu tư (thanh khoản cải thiện dần), RSI luôn ở mức cao, điều chỉnh rất ít trong khi tăng giá và quá trình đi lên ghi nhận một sự tăng trưởng vượt trội (từ 2-3 lần) sau đó mới tạo đỉnh.

Ngoài ra, những cổ phiếu này luôn có một nền tảng cơ bản tốt hỗ trợ. Cùng xem lại VNM, GAS, HSG, HCM, SSI trong vai trò "dẫn dắt" ở các thời kỳ khác nhau của VN-Index: HSG đã tăng từ 15 lên 45, GAS từ 35 lên 80, VNM từ 60 lên 120; SSI từ 16 lên 30, HCM từ 20 lên 40.

Từ sau sự kiện biển Đông, vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự chuyển giao nhưng "đầu tàu mới" còn chưa rõ ràng. VN-Index lập đáy đi lên trong mối nghi ngờ "bull trap" và mối lo "giàn khoan". Nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ chính thức được công nhận vai trò dẫn dắt trong khoảng 1 tháng trở lại đây, khi ghi nhận mức tăng trưởng 20-30% giá trị.

Hội tụ đầy đủ những yếu tố của một "cổ phiếu dẫn dắt", PVS và PVC trở thành những cổ phiếu được săn đón và nhắc đến nhiều nhất trong giai đoạn VN-Index vượt đỉnh 610 của năm. PVD nằm yên vị trong rổ cổ phiếu đầu tư có nhóm chỉ số tài chính đẹp nhất. PVC đã có sự tăng trưởng ngoạn mục về giá trị, từ 18 lên 36, PVS từ 23 lên 42, PVD mới chỉ có một nhịp bứt phá ngắn khoảng 20% từ 83 lên 105.

Điều mà các nhà đầu tư lo lắng bây giờ, phải chăng cổ phiếu dầu khí đã hoàn thành nhiệm vụ? VN-Index đã vượt đỉnh thành công và vai trò dẫn dắt sẽ sớm được chuyển giao? Những lo lắng này là có cơ sở khi gần đây, ba "ông lớn" trong nhóm dẫn dắt lần lượt nhận tin thoái vốn từ cổ đông lớn: DPM thoái 2.5 triệu cổ phiếu PVC; PVcomBank thoái 5 triệu cổ phiếu PVS và 4 triệu cổ phiếu PVD.

Với những đặc điểm "quen thuộc" của một cổ phiếu dẫn dắt, có thể "suy đoán" cuộc chơi với PVC và PVS đã có dấu hiệu chững lại khi các cổ phiếu này đã tăng trưởng gấp đôi. Nhưng với cổ phiếu hàng đầu như PVD, chưa có lý do gì để "tạo đỉnh" khi mới chỉ đi được một chặng đường ngắn. Và, trong một uptrend dài hạn, việc một cổ phiếu dẫn dắt tăng trưởng gấp 3 lần, 5 lần là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc mà nhà đầu tư nên lo lắng, không phải là "thị trường sẽ tạo đỉnh sau khi cổ phiếu dẫn dắt tạo đỉnh", mà là tìm kiếm xem "cổ phiếu nào sẽ trở thành cổ phiếu dẫn dắt sau giai đoạn chuyển giao?".

Việc chuyển giao vai trò dẫn dắt là tất yếu trong một thị trường hiệu quả. Không có cổ phiếu nào là tốt mãi mãi. Sẽ luôn có cổ phiếu tốt hơn!