'Khẩu vị' M&A đang thay đổi

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, hoạt động M&A đã xuất hiện khá nhiều nhân tố mới, đặc biệt là cuộc tranh đua của các ông lớn tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng.

Nếu những năm trước ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng... trở thành mục tiêu hàng đầu cho hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), thì năm nay thị trường nổi lên nhiều nhóm ngành mới.

Điển hình là nhóm ngành ôtô. Kinh tế khó khăn, lợi nhuận ngành đi xuống mạnh, phải đối đầu với nhiều thách thức khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để không bị tụt lại phía sau, nhiều doanh nghiệp đã chọn lựa việc gia tăng quy mô thông qua hoạt động M&A.

pq-6300-1426304468.jpg

Sân bay quốc tế Phú Quốc đang được nhiều nhà đầu tư nhòm ngó. Ảnh: ACV.

Mở màn cho làn sóng M&A ngành này là Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (Mã CK: HHS). Đầu năm nay công ty đã công bố phương án mua lại 99,78% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển dịch vụ Hoàng Giang. Thông qua việc hợp nhất trên, Hoàng Huy sẽ gia tăng vị thế trên phân khúc kinh doanh xe tải hạng trung và hạng nặng với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nếu hợp nhất thành công, doanh thu 2015 của đơn vị này dự kiến đạt gần 3.400 tỷ và lợi nhuận sau thuế 283 tỷ đồng.

Nổi tiếng và có quy mô lớn trong ngành, Tổng công ty công nghiệp ôtô Việt Nam-Vinamotor cũng làm nóng thị trường trong thời gian qua khi Bộ Giao thông Vận tải muốn thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamotor (97,7% cổ phần).

Mới đây, đã có ít nhất 4 doanh nghiệp muốn giành quyền chi phối tại đơn vị này là Công ty cổ phần ôtô TMT , Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sacom, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam và Công ty cổ phần Thành Công Ninh Bình.

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Vinamotor cho biết họ đang chờ đợi phương án thoái vốn từ đơn vị tư vấn. Và nếu vẫn còn nhiều nhà đầu tư quan tâm, họ sẽ đấu giá theo quy định. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn hy vọng đối tác cuối cùng có chung ngành nghề chính để tiếp tục con đường mà Vinamotor đã chọn là sản xuất và lắp ráp các dòng xe.

Không nhộn nhịp như Vinamotor hay Huy Hoàng, nhưng mới đầu tháng 3, thị trường cũng xuất hiện thêm nhân tố mới khi một doanh nghiệp kinh doanh ôtô Thái Lan là Chairatchakarn đã chi ra gần 3 triệu USD để mua 22,6% cổ phần của Công ty Kỹ thuật ôtô Trường Long (Mã CK: HTL), đại lý lớn của Hino Motors Vietnam.

Nhìn nhận về sự sôi động của nhóm ngành này, lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP HCM cho hay, hiện vốn hóa của các doanh nghiệp ôtô vẫn ở mức thấp nên thời gian tới hoạt động M&A sẽ còn nóng hơn nữa.

Quyết liệt không kém ôtô là lĩnh vực hàng không, cảng biển hiện cũng đang rầm rộ đón "sóng" M&A. Điều đặc biệt, trong 2 lĩnh vực mới này có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân "máu mặt" ở Việt Nam nhăm nhe sở hữu.

Đối với lĩnh vực cảng biển, thương vụ khiến nhiều nhà đầu tư chú ý nhất là việc Tập đoàn T&T của ông Bầu Đỗ Quang Hiển đang muốn trở thành cổ đông chi phối cảng lớn thứ nhì miền Bắc - Cảng Quảng Ninh. Đại gia này cũng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ đề nghị mua lại toàn bộ số cổ phần mà Nhà nước nắm giữ, với số tiền tối thiểu 490 tỷ đồng. Không những thế, T&T còn muốn sở hữu thêm Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Ngoài Bầu Hiển, các đại gia khác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Họ thăm dò thị trường nhiều năm gần đây nhưng đến đầu năm ngoái, đại gia mới nổi trong ngành xây dựng, ông Trần Tuấn Lộc mới đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải để trở thành cổ đông chiến lược của Cảng Nghệ Tĩnh (Nghệ An). Hay Cảng Quy Nhơn (Bình Định) cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Hà Nội...

Riêng về lĩnh vực hàng không, ngoài các cảng hàng không quốc tế được nhiều nhà đầu tư săn đón thì sự kiện IPO thành công của ông lớn trong ngành là Vietnam Airlines cũng tạo làn gió mới giúp sóng M&A trong lĩnh vực này gia tăng. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng thúc giục Vietnam Airlines nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này cho thấy Nhà nước đã phần nào "nhường" quyền điều hành cho các nhà đầu tư tư nhân.

Một nhóm ngành dù đang gặp khó khăn, thậm chí bị coi là bão hòa như điện máy vẫn đang được nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn bên ngoài nhòm ngó.

Đánh dấu cho hoạt động M&A đầu tiên trong ngành này là tháng Một năm nay, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã hoàn tất việc mua 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Đây là hoạt động không những giúp Nguyễn Kim vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đua đầy thách thức mà đơn vị nước ngoài còn có cơ hội chiếm thị phần tại thị trường Việt Nam nhanh và dễ dàng hơn.

Sau Nguyễn Kim, một số đơn vị khác trong ngành điện máy cũng đang lên kế hoạch mua bán sáp nhập. Gần đây nhất là Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG). Tại đại hội cổ đông công ty này hồi đầu tháng 3, Thế Giới Di Động tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động M&A trong năm nay. Chưa đưa ra tên một tổ chức cụ thể nào, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này tiết lộ họ quan tâm tới các chuỗi cùng ngành và đối tác chuyên sửa chữa bảo hành thiết bị điện tử.

Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, M&A 2015 đang diễn ra trong bối cảnh mới khi thị trường ngày càng sôi động và đa dạng hơn so với những năm trước đây. "Nếu thời kỳ trước, bất động sản, ngân hàng và tiêu dùng sôi động với những thương vụ lớn thì năm nay lĩnh vực hạ tầng là sân chơi cho các nhà đầu có tiềm lực lớn và dài hạn", ông Hiển nói.

Ông cũng cho biết thêm, trước đây lĩnh vực hạ tầng nằm trọn trong tay Chính phủ thì nay với tiến trình xã hội hóa được đẩy mạnh, Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu và dần dần bớt can thiệp vào hoạt động kinh doanh nên các doanh nghiệp trên đã hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Mặt khác, 2015, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Vietnam - EU FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên cạnh tranh rất mạnh. Do vậy, chỉ có tái cấu trúc, hợp sức với những nhà đầu tư có tiềm lực, tham vọng và chiến lược tốt thì các doanh nghiệp mới vượt qua khó khăn."Đặc biệt, đối với lĩnh vực hạ tầng bao gồm hàng không, cảng biển rất cần những nhà đầu tư có quy mô vốn lớn và tư duy chiến lược dài hạn tốt. Vì thế, M&A trong lĩnh vực này sẽ hấp dẫn nhất trong năm nay", ông Hiển nhấn mạnh.

Dự báo thêm về thị trường M&A năm nay, theo ông Hiển, các thương vụ mua bán sáp nhập bất động sản, bán lẻ sẽ không hề suy giảm. Riêng với nhóm sản xuất, nông nghiệp vẫn chưa có gì nổi trội ngoại trừ M&A của Kinh Đô. 2015 sẽ là năm khởi đầu cho sự dịch chuyển của M&A vào các lĩnh vực mới một cách mạnh mẽ và thực chất hơn.