Thoái nhanh vì sợ mất vốn?
Chỉ chưa đầy 3 năm tiến hành liên doanh với đối tác mới (Công ty Hà Thành), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lên kế hoạch thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước, hiện chiếm khoảng 50% vốn điều lệ, tại Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn có trụ sở chính tại 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Khách sạn Thương mại Sài Gòn còn tài sản cực quý là lô đất vàng rộng 1.005 m2 tại quận trung tâm Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2013, Khách sạn Thương mại Sài Gòn là Công ty TNHH hai thành viên gồm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty Hà Thành. Công ty này được thành lập sau khi thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) hết hiệu lực vào tháng 10/2012.
Doanh nghiệp mới có số vốn điều lệ 60 tỷ đồng, VNR giữ 50% vốn điều lệ bằng việc góp giá trị tài sản trên đất, trang thiết bị và quyền sử dụng lô đất 1.005 m2 tại số 80 Lý Thường Kiệt (744 m2) và số 22 Phan Bội Châu (261 m2), phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Đối tác Hà Thành góp bằng tiền mặt là 30 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ. Liên doanh mới này có mục tiêu đầu tư một khách sạn 4 sao trên nền khách sạn cũ với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ khi thay đổi pháp nhân, kết quả kinh doanh của khách sạn 3 sao khá nổi tiếng và nằm ngay tại vị trí trung tâm tại Thủ đô này là rất tệ hại.
Tính từ tháng 7/2013 đến hết năm 2014, dù vẫn cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên cũ, song công suất phòng giảm thê thảm, chỉ đạt từ 52-58%. Chỉ trong vòng chưa tới hai năm, Khách sạn Thương mại Sài Gòn đã lỗ lũy kế tới 3,3 tỷ đồng; trong đó 5 tháng cuối năm 2013 lỗ 0,6 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 2,73 tỷ đồng.
Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, ngoài chi phí thuê đất tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước liên doanh, thì cơ sở vật chất của khách sạn xuống cấp không thu hút được du khách và doanh thu giảm, trong khi vẫn duy trì bộ máy với thu nhập tương tự khi có lãi, là ba lý do chính khiến khách sạn lao dốc không phanh.
Cần phải nói thêm rằng, trước khi liên doanh với Hà Thành có hiệu lực (tháng 7/2013), Khách sạn Thương mại Sài Gòn vẫn đang là một "con gà đẻ trứng vàng". Cụ thể, kết quả kinh doanh tại địa điểm này sau khi giải thể liên doanh với Saigon Tourist và trước khi bàn giao cho liên doanh mới vẫn cho lãi 832 triệu đồng (trong đó 2 tháng cuối năm 2012 lãi 311 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2013 lãi 521 triệu đồng).
Đây là lý do khiến nhiều người cho rằng, khách sạn Thương mại Sài Gòn khó có thể "đổ bệnh" nhanh mà mạnh như vậy, ngay cả khi giá thuê đất có được điều chỉnh tăng.
Lỗ cũng vẫn là món cực hời!
Bất chấp những kết quả kinh doanh tệ hại nói trên, phần vốn Nhà nước tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn mà VNR dự kiến thoái vẫn được đánh giá là món cực hời với các nhà đầu tư.
Theo phương án chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn vừa được gửi lên Bộ Giao thông - Vận tải, VNR dự kiến chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp bằng 50% vốn điều lệ với mức giá thấp nhất là 30 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa là toàn bộ giá trị trên đất, thương hiệu và giá trị lợi thế quyền sử dụng đất tại Công ty Khách sạn Thương mại Sài Gòn được VNR định giá tối đa là 60 tỷ đồng. Ngay cả khi đưa giá trị thương hiệu, tài sản trên đất, lợi thế kinh doanh xuống còn 0 đồng, khách sạn vẫn còn một tài sản cực quý là lô đất vàng rộng 1.005 m2 hai mặt tiền tại những tuyến đường đẹp và sầm uất nhất của quận trung tâm Hoàn Kiếm.
Được biết, với việc định giá như trên, một mét vuông tại lô đất có quyền sử dụng lên tới 50 năm này chỉ có giá chưa tới 60 triệu đồng. Mức giá này chỉ tương đương với giá đất trong ngõ hẻm của Thủ đô. Đó là chưa kể lượng tiền mặt và tài sản khác tại Khách sạn thương mại Sài Gòn tính đến 31/12/2014 vẫn còn tới 11 tỷ đồng.
Mặc dù VNR cho biết là mở rộng cửa cho tất cả các nhà đầu tư, nhưng lợi thế đang thuộc về Công ty Hà Thành với quyền ưu tiên mua lại phần vốn Nhà nước tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn trên vai trò là sáng lập viên. Cụ thể, nếu Hà Thành từ chối mua lại phần vốn góp của đối tác với giá 30 tỷ thì VNR mới được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác không phải là thành viên công ty, miễn là các điều kiện chuyển nhượng không được ưu đãi hơn so với những điều kiện đề nghị với công ty Hà Thành.
Theo một nhà đầu tư, không có bất cứ lý do gì để Hà Thành từ chối việc sở hữu khối tài sạn lớn như trên với giá vỏn vẹn 40 tỷ đồng (nếu tính cả 11 tỷ đồng tiền mặt và tài sản khác mà Công ty đang sở hữu) và như vậy "cuộc chơi" góp vốn, rồi thoái vốn tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn sẽ dừng lại ở đây nếu như đề xuất của VNR được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận.