Kết nối cho cung gặp cầu

Nhiều DN cho rằng, thương mại điện tử cũng là một kênh bán hàng quan trọng hiện nay. Điều này sẽ giúp cho DN tiết giảm tối đa chi phí trong bối cảnh khó khăn, đồng thời hàng hóa của DN có thể cạnh tranh, tiêu thụ tốt hơn.

BigC đang tập trung phát triển các sản phẩm địa phương ở mọi miền Việt Nam, nhất là những đặc sản quê hương được nhiều người ưa chuộng.

Theo ông Lê Thành Trung, phụ trách điều phối và phát triển DNNVV của hệ thống siêu thị BigC, để làm được điều này, trước tiên DN phải tạo ra được sự kết nối với tất cả nhà cung cấp tiềm năng tại các địa phương, đưa họ tiếp cận vào kênh phân phối hiện đại để từ đó các nhà cung ứng có thể chuẩn hóa chất lượng sản phẩm với khả năng cạnh tranh cao, từng bước phát triển ra các vùng miền trên toàn quốc.


Nhiều nông sản hình thành kết nối giữa bên bán và phân phối

Với những mặt hàng đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, siêu thị sẽ hỗ trợ nhà cung cấp xuất khẩu thông qua hệ thống của Tập đoàn Casino (Pháp) hiện có 25 đối tác tại 20 quốc gia, ông Trung nhấn mạnh thêm.

Hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị phát triển ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Để đảm bảo cho nhà cung cấp với quy mô nhỏ có cơ hội đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, một số siêu thị đã đưa ra chiến lược mở rộng kết nối "từng bước một" khi hợp tác với nhà bán lẻ.

Cụ thể, bước đầu nhà cung cấp sẽ đưa hàng vào một siêu thị ở địa phương gần nơi sản xuất nhất, bán thử nghiệm trong vòng vài tháng nhằm ổn định đầu ra để nhà cung cấp phát triển sản phẩm và chuẩn hóa quy trình sản xuất. Bước tiếp theo, khi năng lực cung cấp lớn hơn, siêu thị ký kết hợp tác đưa sản phẩm bày bán tại hệ thống rộng khắp ở nhiều địa bàn khác nhau, giúp nhà cung cấp có cơ hội phát triển các dòng sản phẩm khác nhau, nâng cao thương hiệu, nâng công suất và mở rộng quy mô sản xuất.

Theo một số nhà phân phối bán lẻ tại Việt Nam, để có thể đẩy mạnh hàng hóa ra thị trường trong và ngoài nước, yêu cầu quan trọng đối với nhà cung cấp dù lớn hay nhỏ vẫn cần phải có những chứng nhận chất lượng tương ứng với mỗi mặt hàng, giống như "tấm vé thông hành" để đặt chân vào hệ thống hoặc ra nước ngoài.

Với nông sản cần phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm vi sinh hoặc kim loại nặng, kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc kháng sinh. Hay, với thực phẩm chế biến là xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm an toàn…

Bà Vương Lê Bích Tuyền, phụ trách kinh doanh của siêu thị trực tuyến Golmart chia sẻ, có nhiều cách để đẩy mạnh doanh số bán hàng đối với các DN. Trong đó, quảng bá sản phẩm trên siêu thị trực tuyến cũng là một cách làm khá hiệu quả. Cụ thể, khi DN có hàng hóa hợp tác với Golmart có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Golmart hỗ trợ toàn bộ việc kinh doanh, DN sẽ phải đóng phí và theo hợp đồng riêng; hoặc Golmart có thể hỗ trợ ban đầu, sau đó chuyển tài khoản cho DN quản lý kinh doanh.

Hiện, Golmart mạnh về sản phẩm gia dụng, đang có nhu cầu mua các nhóm hàng hoa tươi trang trí, bonsai, thực phẩm chế biến, đặc sản để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết… nên rất cần bắt tay những DN cung ứng những hàng hóa này...

Nhiều DN cho rằng, thương mại điện tử cũng là một kênh bán hàng quan trọng hiện nay. Thông qua kênh bán hàng hiện đại này, DN có thể ký kết hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ, tùy theo từng mặt hàng, giá bán hàng hóa để giới thiệu, quảng bá với người tiêu dùng. Theo tìm hiểu, kênh bán hàng hiện đại chỉ có mức đầu tư tương đương với các kênh truyền thống, thậm chí còn tiết kiệm hơn.

Điều này sẽ giúp cho DN tiết giảm tối đa chi phí trong bối cảnh khó khăn, đồng thời hàng hóa của DN có thể cạnh tranh, tiêu thụ tốt hơn. Ngoài ra, DN có thể bán buôn cho nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, sau đó kênh bán hàng này sẽ tự tính giá hàng hóa để bán lại trên siêu thị trực tuyến căn cứ vào giá bán buôn của DN và giá bán lẻ trên thị trường.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm được kết nối tốt trên thị trường và đã gặt hái được không ít thành công. Có thể kể đến như sản phẩm dứa, chuối của Hợp tác xã Nông sản An Hạ, nước uống nha đam của Công ty Công nghệ thực phẩm Nhật Hồng, dầu cá Ranee của CTCP Dầu cá châu Á, rau mầm Mai Hoa…

Ngoài kết nối với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, các chuyên gia còn đưa ra lời khuyên để cung cầu gặp nhau, DN cần chủ động liên kết ngay từ đầu nguồn nguyên liệu, tìm hiểu những tiêu chuẩn chất lượng thông qua các đơn vị tư vấn, làm việc với các DN kinh doanh vận tải, kho và các ngân hàng để tìm kiếm hỗ trợ tín dụng phục vụ sản xuất…

Có như vậy, mắt xích liên kết mới chặt chẽ và đạt hiệu quả cao nhất. Và quan trọng hơn hết là người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ, chất lượng đến giá thành sản phẩm khi kết nối cung cầu gặp nhau.